Ngoài tình hình căng thẳng ở Libya, làn sóng biểu tình gia tăng sau những buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu tại 7 nước khác gồm Ai Cập, Iraq, Yemen, Jordan, Bahrain, Tunisia, Arập Xêút. Biến động tại đây tiếp tục gieo hoang mang trên thị trường dầu mỏ.
Tại Ai Cập, hàng trăm ngàn người biểu tình đổ ra quảng trường Tahrir tại Cairo hôm qua, đòi chính phủ của Thủ tướng Ahmed Shafiq phải từ chức.
Biểu tình chống nhiều chính phủ ẢRập tiếp tục ngày hôm qua.
Ở Iraq, những cuộc biểu tình đông đảo cũng diễn ra tại nhiều thị trấn và thành phố Iraq, gồm cả Baghdad, thành phố cảng Basra ở miền nam và các thị trấn Samara, Tikrit, Baquba và Ramadi của người Hồi Giáo Sunni. Ít nhất 9 người đã thiệt mạng trong các vụ xung đột.
Tại thị trấn Mosul ở miền bắc và vùng ngoại ô, hàng chục người bị thương sau khi những người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh. Những vụ đụng độ năng nề nhất xảy ra tại Baghdad nơi hàng ngàn người biểu tình tập trung tại quảng trường Tahrir của thành phố trong ngày được gọi là “ngày thịnh nộ”. Đài truyền hình Al Arabiya loan báo hàng trăm người biểu tình phá vỡ hàng rào cảnh sát để tham gia biểu tình.
Hàng ngàn người biểu tình cũng đổ ra đường tại hầu hết các tỉnh của Yemen vào hôm qua để yêu cầu Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Những cuộc biểu tình hàng ngày bắt đầu từ hôm 16-2 ngày càng lớn mạnh, dù rằng có lời hứa cải tổ chính trị của Tổng thống Saleh.
Ở Bahrain, hàng chục nghìn người đã đổ đến quảng trường trung tâm của thủ đô Manama. Biểu tình đã diễn ra hàng ngày suốt 2 tuần qua đòi chính phủ nhượng bộ chính trị. Lực lượng an ninh không ngăn chặn các cuộc biểu tình, trong lúc Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đang đi thăm vùng Vịnh kêu gọi Hoàng gia cần có những sự thay đổi. Bahrain là nơi đặt căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Tại Jordan, khoảng 4.000 người đã biểu tình ở thủ đô Amman - đám đông lớn nhất trong các cuộc xuống đường 2 tháng qua. Phe đối lập cảnh báo “kiên nhẫn có giới hạn” và kêu gọi chính phủ cải tổ chính trị.
Cảnh sát ở thủ đô Tunis của Tunisia hôm qua đã bắn hơi cay để giải tán hàng nghìn người biểu tình ở trung tâm thhàn phố. Những người biểu tình tụ tập trước Bộ Nội vụ phản đối chính phủ lâm thời đang điều hành đất nước từ khi nhà lãnh đạo Zine El Abidine Ben Ali bị lật đổ hôm 14-2.
Ở phía đông Ảrập Xêút, khoảng 300 người hồi giáo dòng Shiite đã biểu tình phản đối chính phủ do những người Sunni lãnh đạo. Ảrập Xêút, vốn chỉ cách Bahrain có 26km. Hồi giữa tuần, để ngăn ngừa các phản kháng trong nước, Quốc vương Abdallah đã công bố một chương trình trợ giúp xã hội trị giá hàng chục tỷ USD.
Ngày 24-2, giá một thùng dầu brent (tức loại dầu thô hỗn hợp được dùng làm đơn vị đo lường tiêu chuẩn trên thị trường dầu mỏ thế giới) đã có lúc tăng đến 120USD/thùng, tức là cao hơn so với ngày hôm trước hơn 10USD.
Báo chí phương Tây nhận định chính cuộc nổi dậy và nguy cơ nội chiến tại Libya là nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu bốc lên rất cao. Hiện tại, các nước Châu Âu phụ thuộc khá nhiều vào dầu mỏ đến từ Libya.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin, tại Brussels, đã đưa ra nhận định: cơn bão giá dầu là một hiểm họa lớn đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Còn theo phân tích của ngân hàng Deutsche Bank, với mức độ tiêu thụ toàn cầu, 86 triệu thùng dầu thô/một ngày, quy theo giá 100USD/thùng, một năm chi phí cho dầu mỏ của nền kinh tế thế giới là hơn 3.000 tỷ USD, chiếm 4,7% tổng sản lượng kinh tế thế giới. Nếu giá dầu tăng đến 120USD, tỷ lệ này sẽ vượt quá mức 5,5%, khiến cho tăng trưởng kinh tế bị cản trở.
Các thị trường đang lo ngại và chuẩn bị ứng phó với ba kịch bản liên quan đến việc xung đột, đang ngày càng nghiêm trọng hơn, tại khu vực Bắc Phi và Cận Đông: thứ nhất, nếu cuộc khủng hoảng lan sang Algeria, thì tình hình sẽ khó kiểm soát, bởi lượng dầu mà Algeria cung cấp cho châu Âu còn lớn hơn của Libya; thứ hai là cuộc khủng hoảng tại Libya chuyển thành nội chiến, tình hình rất căng thẳng; thứ ba, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn tại Ảrập Xêút, vốn chỉ cách Bahrain 26km.
Theo Dân Trí