“Bình dân học vụ" thời 4.0

Cập nhật: 06-02-2024 | 10:35:31

Câu chuyện bắt đầu từ buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.Thuận An với người dân trên địa bàn về công tác cải cách hành chính (CCHC) chuyển đổi số (CĐS), xây dựng chính quyền điện tử. Trong số nhiều câu hỏi nêu lên ý kiến thắc mắc, cũng như đề xuất giải pháp để CĐS hiệu quả, có ý kiến của ông Nguyễn Đức Thanh, người dân khu phố Trung, phường Vĩnh Phú: Chúng ta phải mở những lớp “bình dân học vụ thời 4.0” để người dân tiếp cận được với CĐS.

“Xóa mù” công nghệ thông tin

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, trong thời đại CĐS, có một bộ phận người dân vẫn còn “mù tịt” với công nghệ thông tin (CNTT). Đối tượng này đa phần là người lớn tuổi, “đang bị bỏ lại phía sau”, “tụt hậu” trong thời công nghệ số. Vì vậy, để thúc đẩy CĐS, việc làm cấp bách là phải tăng cường tình nguyện viên (TNV) xuống khu phố, ấp, địa bàn dân cư để hướng dẫn người lớn tuổi tiếp cận được CNTT. “Chúng ta phải vận dụng bài học từ tư tưởng của Bác Hồ về “bình dân học vụ” trước đây để phổ cập CĐS cho một bộ phận người dân hiện nay”, ông Thanh khuyến nghị.

Từ câu chuyện của ông Thanh, tôi tìm về những nhân chứng của cái thời “bình dân học vụ” năm xưa. Trong ký ức của nhiều người, thời đó những “lớp học i, tờ” (đây là hai chữ trong bài học đầu tiên) được mở ra từ thành thị đến nông thôn, cả vùng rừng núi. Gọi giáo viên cho sang nhưng bao gồm đủ các giới, độ tuổi và không hề được trả lương. Giáo viên thời đó ngoài nhiệm vụ dạy học, còn phải động viên tinh thần cho học viên đến lớp, tìm kiếm tre nứa xây dựng trường và kiêm luôn việc tìm kiếm sách, vở, dụng cụ học tập…

Lớp “bình dân học vụ thời 4.0” ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một

Chỉ từ một câu nói của Bác: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu…” (trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáu việc cấp bách, chống nạn mù chữ xếp thứ hai, chỉ sau nạn đói – P.V), mà đã có rất nhiều cách làm, cách dạy chữ rất sáng tạo và hiệu quả. Nhiều thế hệ đến tận bây giờ vẫn thuộc, vẫn nhớ những vần thơ ngắn gọn, dễ hiểu như: “O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, ơ là thêm râu”… Phong trào “bình dân học vụ” có tính bước ngoặt mang tính lịch sử, mở mang dân trí. Và, trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, câu nói của Bác vẫn con nguyên giá trị.

Ông Nguyễn Đức Thanh chia sẻ: “Trong tình thế cấp bách của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, chúng ta cần lắm những lớp học “i tờ” về CĐS. Vì trên thực tế, vẫn còn một tỷ lệ rất lớn người dân chưa được “xóa mù” về CĐS. Họ cần phải được “cầm tay chỉ việc” mới mong được xóa mù CNTT...”.

Rộn ràng lớp học “i, tờ”

Để “xóa mù” CNTT cho người dân, hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng chữ ký số (CKS) hỗ trợ cho dịch vụ công trực tuyến. Một buổi tối, tôi tranh thủ ghé vào lớp “bình dân học vụ thời 4.0” ở khu phố 1, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Lớp học này giống lớp học “i, tờ” ngày xưa, chỉ khác ở chỗ học viên được học trong một lớp cơ sở vật chất khang trang và học bằng… điện thoại thông minh. Lớp học cũng có đủ các thành phần, độ tuổi… Không khí “học tập” rất rộn ràng. Người này í ới người kia. “Ủa, ủa, vô sao”, “tải cái gì”…

Bà Võ Quỳnh, một công chức về hưu tại địa phương, chia sẻ: “Mấy cái này, tui còn mù tịt”. Bà Bùi Thị Thắm, giáo viên thể dục mẫu giáo thì nói: “Lâu nay xài điện thoại lên Facebook, Zalo… chứ tui cũng có biết mấy cái này đâu. Hôm rồi, cài định danh điện tử, các anh công an với mấy bạn đoàn viên thanh niên hỗ trợ, tui mới biết”. Bà Danh Thị Kim Dung, một người nội trợ thì càng mù tịt hơn: “Mấy nhỏ chỉ nãy giờ mà tui chưa làm được…”. Sau tầm 30 phút loay hoay, được sự hỗ trợ của các TNV, hầu hết người dân đã biết cài đặt, hiểu về ứng dụng CKS...

Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Phú Mỹ, cho biết thực hiện chủ trương của tỉnh, hiện nay phường đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và cung cấp dịch vụ CKS trực tuyến cho người dân trên địa bàn. Theo đó, tổ công nghệ số vì cộng đồng phối hợp cùng cán bộ công chức phường tổ chức tuyên truyền hướng dẫn cài đặt và cung cấp dịch vụ CKS cho người dân. Và, lớp học tại phường được “bình dân hóa”. Tại đây, người dân được cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tự cài đặt để có thể tự mình cài đặt, hỗ trợ lại cho người thân trong gia đình, hàng xóm, góp phần “nhân bản” việc cài đặt CKS.

Vạn sự khởi đầu nan, CĐS cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Những lớp “bình dân học vụ thời 4.0” sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh…

Việc cài đăt ứng dụng CKS là một trong các bước quan trọng, góp phần chuẩn hóa để người dân tham gia các dịch vụ công và các dịch vụ khác do cơ quan Nhà nước cung cấp trên môi trường mạng, cho phép tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến. Việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet; giúp giảm thời gian, chi phí đi lại trong gửi hồ sơ và nhận kết quả; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=119
Quay lên trên