Bình đẳng giới dưới góc nhìn văn minh và văn hóa

Cập nhật: 28-11-2022 | 14:22:46

(BDO) Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 được tổ chức trên toàn quốc từ ngày 15-11-2022 đến 15-12-2022, với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Từ cách tiếp cận văn minh và văn hóa, xin góp phần làm rõ thêm một số khía cạnh của vấn đề bình đẳng giới.


Giảng viên chính Học viện Hành chính quốc gia trao đổi với đại biểu tại Hội thảo “Bình đẳng giới - bí quyết thành công nơi công sở, hạnh phúc trong gia đình” do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương tổ chức vừa qua. Ảnh: Ánh Sáng

Quan niệm về giới

Trong tiếng Việt, nam và nữ là những từ chỉ sự khác biệt giữa hai phái về mặt sinh học. Sự khác biệt này chủ yếu liên quan đến chức năng tái sản xuất ra con người và duy trì nòi giống. Thuật ngữ chuyên môn sinh học gọi đó là giới tính và đại bộ phận con người sinh ra đã có sự phân biệt này rồi. 

Còn thuật ngữ giới là khái niệm chỉ sự khác biệt giữa người nam và người nữ về mặt xã hội. Giới chính là vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quan niệm hoặc quy định cho nam và nữ. Khi sinh ra, con người chưa có trong mình những đặc tính giới, mà để có nó họ phải tiếp thu từ nề nếp gia đình, nền giáo dục, quy ước và các chuẩn mực văn hóa xã hội.

Như vậy, khi nói đến giới tính là nói đến đặc điểm tự nhiên của con người, thường được gọi là thiên chức, nó hầu như bất biến, xét cả về không gian và một thời gian dài trong đời. Còn khi nói đến giới là nói đến địa vị xã hội; thái độ, hành vi ứng xử giữa nam và nữ do hoàn cảnh, điều kiện xã hội, văn hóa cộng đồng tạo nên. Địa vị, thái độ và hành vi đó không bất biến mà thay đổi tùy vào từng hoàn cảnh, điều kiện, văn hóa - xã hội cụ thể. Theo đó, trong những xã hội cụ thể, giới này hoặc giới kia có địa vị xã hội khác hơn, ảnh hưởng khác nhau tới giới còn lại. Những ảnh hưởng này thậm chí có thể rất thiên lệch, dẫn tới sự lấn lướt các quyền cơ bản của một giới, cái mà ta hay gọi là sự bất bình đẳng giới.

Bình đẳng giới dưới góc nhìn văn minh và văn hóa

Bình đẳng giới, giữa nam và nữ, là sự ngang nhau về vai trò, trách nhiệm, quyền lợi và cơ hội trong đóng góp, khẳng định mình theo giới mà một xã hội mang lại cho họ. Vậy bình đẳng giới là sản phẩm của văn minh ở trình độ cao, hay là kết tinh của các giá trị văn hóa? 

Từ góc độ văn minh, ở thời nguyên thủy, với nền văn minh chiếm đoạt (săn bắt, hái lượm của tự nhiên), người phụ nữ đã giữ vai trò chủ đạo trong gia đình và xã hội. Chế độ đó được gọi là chế độ mẫu quyền, nó tồn tại khá dài trong lịch sử loài người (ngày nay vẫn còn ở một số dân tộc). Trình độ văn minh thấp là sự bảo đảm cho chế độ mẫu hệ tồn tại, kéo theo nó là sự phụ thuộc của nam giới về mọi mặt, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Ở đây đã có sự bất bình đẳng, nhưng cơ sở của nó thì chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa giới và giới tính. 

Khi lực lượng sản xuất xã hội ngày càng phát triển, cho phép loài người chuyển từ nền kinh tế chiếm đoạt sang hình thái sản xuất dựa vào tự nhiên, mà nền văn minh đầu tiên là văn minh nông nghiệp, thì vai trò chủ đạo trong sản xuất chuyển sang tay người đàn ông, từ đó chế độ phụ quyền ra đời thay thế chế độ mẫu quyền. Người nữ chuyển sang vị trí phụ thuộc về nhiều mặt. Người nam giới, nhờ vai trò chủ đạo trong sản xuất, mà đã nắm luôn vai trò chủ đạo trong đời sống gia đình (gia trưởng) và các quan hệ gia trưởng, độc đoán này đã chuyển từ gia đình thành ra quan hệ xã hội. Người phụ nữ phải chịu địa vị phụ thuộc, thậm chí bị áp bức suốt nhiều thế kỷ cho đến hết chế độ phong kiến. Bất bình đẳng giới đã xuất hiện một cách rõ nét.

Sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, chủ nghĩa tư bản thắng thế, giai cấp tư sản lên ngôi thống trị xã hội, nền văn minh công nghiệp đã làm thay đổi căn bản bộ mặt thế giới. Trước yêu cầu bức bách về lao động, nhằm bóc lột được nhiều hơn, giai cấp tư sản đã kéo người phụ nữ ra khỏi “mái hiên, góc bếp” và đặt lên vai họ một “trách nhiệm xã hội hạn chế” - người lao động. Việc đó được thực hiện với những mỹ từ như “giải phóng phụ nữ”, “tôn trong nữ quyền”... Tuy nhiên, trên thực tế những lao động nữ bị bóc lột thậm tệ, bị phân biệt đối xử và chịu nhiều bất công không kém gì ở các chế độ trước đó. 

Từ góc độ văn hóa, văn minh gắn liền với những tiến bộ xã hội, với những giá trị tích cực ở từng chế độ, dân tộc cụ thể sẽ tạo ra các giá trị văn hóa. Ở một xã hội có truyền thống văn hóa, dù trình độ văn minh chưa thật cao, vẫn có thể đạt được bình đẳng giới ở những mức độ nào đó, mà Việt Nam là một điển hình. Ngay ở chế độ phong kiến, dưới ảnh hưởng khá nặng của nho giáo - hệ tư tưởng không coi trọng phụ nữ, với những nguyên tắc kiểu “phu xướng, phụ tùy” thì trong nhân dân ta vẫn tồn tại quan niệm như là những nguyên tắc và sự phân công khá bình đẳng như: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”… 

Ngày nay, dù đã bước sang thời đại công nghiệp 4.0, với những thành tựu văn minh cao hơn trước rất nhiều, song ở nhiều quốc gia, kể cả những nước phát triển, vẫn tồn tại bất bình đẳng giới trên nhiều mặt. Cụ thể, lần đầu tiên công bố chỉ số phát triển giới (GDI), theo báo cáo phát triển con người của Liên hợp quốc năm 1995, có tới 45/130 nước có GDI dưới 0,5 (trị số tuyệt đối là 1, nước đạt cao nhất - Thụy Điển là 0,919); phụ nữ chiếm 70% trong tổng số 1,3 tỷ người nghèo đói, chiếm 70% số người mù chữ; lao động nữ ở khu vực phi nông nghiệp chỉ được hưởng mức lương bằng 3/4 lương của nam giới; có 55 nước không có đại biểu nữ trong quốc hội… Như vậy, có nền văn minh cao chưa phải là cơ sở để giải quyết triệt để vấn đề bình đẳng giới. 

Từ khi mới thành lập, Đảng ta rất chú trọng vận động, giải phóng phụ nữ, đã thành lập Hội Phụ nữ ngay từ ngày 20-10-1930. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp rất nhiều công sức, xương máu.  Trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế, nghệ thuật, cho đến quản lý xã hội… có nhiều tấm gương phụ nữ xuất sắc, đạt những thành tích rất đáng trận trọng. Phụ nữ đã và đang là lực lượng quan trọng đóng góp vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. 

Năm 1995, ngay lần đầu xếp loại, Việt Nam đã đạt GDI là 0,537, đứng thứ 74/130 nước. Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020 nêu rõ, Việt Nam đã và đang thực hiện tốt bình đẳng giới. Với GDI là 0,997, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam ở nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu. Chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vào năm 2021. GII của Việt Nam là 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia. Việt Nam thực hiện tốt việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tăng tỷ lệ đi học của trẻ em gái và phụ nữ tham gia lực lượng lao động. 

Những số liệu trên là minh chứng xác thực về tác động của các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong việc thực hiện vấn đề bình đẳng giới. UNDP 1995 đã khẳng định: “Việt Nam có thể tự hào về những thành quả của mình trên bước đường tiến tới sự bình đẳng về giới. Những thành quả này, một phần nhờ sự cam kết về chính trị của Chính phủ Việt Nam, mở đầu bằng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò và tiềm năng của phụ nữ. Mặc dù là một nước rất nghèo, Việt Nam đã đạt được sự bình đẳng gần như hoàn toàn về giới nếu xét về phương diện giáo dục tiểu học, tỷ lệ biết chữ người lớn, chăm sóc sức khỏe và sự tham gia vào lực lượng lao động”. Như vậy, văn hóa là sự bảo đảm chắc chắn cho các quan hệ tốt đẹp về giới phát triển, tiến tới bình đẳng giới nhanh nhất.

Dưới lăng kính văn hóa, quyền con người thực sự được tôn trọng, các thiên chức gắn với con người được tôn trọng và phát huy đúng mức. Chức năng xã hội của mỗi giới được hình thành, phát huy bao hàm cả các yếu tố tự ý thức về mình và các giá trị tiến bộ xã hội. Và chỉ có khi đó mới đạt được bình đẳng giới một cách thực sự trên thực tế.

Cần lưu ý, sở dĩ ở những nền văn minh trong lịch sử có sự bất bình đẳng giới, ngoài các nguyên nhân khách quan của chế độ xã hội ra, còn có phần bắt nguồn từ sự khác biệt về giới tính (khác biệt về thể chất và khí chất) khi con người tham gia vào hoạt động xã hội. Sự khác biệt này là tự nhiên, nên dù văn minh có cao đến mấy cũng khó mà tránh được những phân biệt nào đó. Chỉ có cách nhìn văn hóa mới cho phép chúng ta vượt qua rào cản khác biệt tự nhiên về giới tính. 

BÙI TRUNG HƯNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên