Bình Dương 15 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật: 28-12-2011 | 00:00:00

15 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương thật tự hào từ bài học thành công về sự phát triển các khu công nghiệp ở phía nam Bình Dương (VSIP, Sóng Thần I, Sóng Thần II, Đồng An...) có tác dụng tốt, vì đã tạo lòng tin và khí thế để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương tiếp tục đột phá trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dây chuyền sản xuất nước giải khát ở Công ty URC trong Khu công nghiệp VSIP

Những con số biết nói

Dù gặp không ít khó khăn, thử thách, Bình Dương luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Những con số: Tổng sản phẩm năm 2011 tăng 6,5 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế năm 2011 là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 62,2% - 33,7% - 4,1% (so với năm 1997 tỷ lệ tương ứng là 50,4% - 26,8% - 22,8%). Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ IX, việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Thu nhập bình quân đầu người tăng 6,4 lần, nếu năm 1997 là 5,8 triệu đồng, thì năm 2011 đạt 36,9 triệu đồng đã minh chứng cho tiến trình phát triển ấy.

Để phát triển công nghiệp thuận lợi, Bình Dương đã quy hoạch dải đất tiếp giáp TP.HCM và thành phố Biên Hòa, thuộc 2 TX.Thuận An, Dĩ An. Đây là điểm thu hút các nhà đầu tư. Bài học thành công về phát triển các khu công nghiệp ở phía nam Bình Dương như: VSIP, Sóng Thần I, Sóng Thần II, Đồng An... có tác dụng tốt, tạo lòng tin và khí thế để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương tiếp tục phát triển công nghiệp. Tính đến cuối năm 2011, Bình Dương đã có 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp được cấp phép thành lập với tổng diện tích gần 10.000 ha. Ngoài ra, tỉnh còn hình thành 1 Khu Liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị với diện tích 4.196 ha, góp phần thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh nhà. Hiện nay, Bình Dương có hơn 13.000 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 91.000 tỷ đồng tăng 10 lần và hơn 2.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 14,580 tỷ đô la Mỹ tăng 12 lần so với khi mới tái lập tỉnh.

Công nghiệp: trọng yếu, thương mại - dịch vụ: quan trọng

Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò là ngành kinh tế trọng yếu của tỉnh, làm động lực thúc đẩy việc phát triển tất cả các ngành, các lĩnh vực khác. Lãnh đạo và nhân dân Bình Dương đang phát huy và tập trung mọi điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp toàn diện, vừa đẩy mạnh tăng trưởng về quy mô, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng phát triển theo hướng bền vững. Phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường. Trong 15 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 28%, gấp 31 lần (chiếm khoảng 12% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước). Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt 123.201 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ.

Song song với công nghiệp, thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế lớn thứ hai đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế ở Bình Dương, chiếm tỷ trọng 33,7% trong GDP toàn tỉnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 1996-2005 tăng bình quân 35,1%/năm; giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 22,9%/năm, gấp 2,8 lần 2005. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,342 tỷ đô la Mỹ (chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu cả nước), tăng 21,1% so với cùng kỳ. Cùng với sự gia tăng đáng kể của kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,126 tỷ đô la Mỹ, tăng 24,7% so với cùng kỳ. Các trung tâm thương mại, siêu thị đã dần hình thành và đi vào hoạt động với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2011 đạt 59.367 tỷ đồng, tăng 30,5%, góp phần quan trọng cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Điện, đường, trạm, chợ đến vùng sâu, vùng xa

Giao thông vận tải đã có nhiều bước phát triển đáng kể, bên cạnh các phương tiện vận tải hàng hóa phục vụ cho sản xuất và xuất nhập khẩu, việc đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Bình Dương đã tập trung vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng và làm mới hệ thống giao thông trên địa bàn, góp phần phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Tổng doanh thu 11 tháng năm 2011 đạt 7.468 tỷ đồng, tăng 40,3% so cùng kỳ.

Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện ước đạt 99,2%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 96%; 100% đường đến trung tâm các xã được nhựa hóa; có 60 chợ, 10 trung tâm văn hóa cụm xã và 8 nhà văn hóa xã được xây dựng, nâng cấp trên địa bàn nông thôn; 100% xã có trạm truyền thanh. Mạng lưới bưu điện, viễn thông, internet tiếp tục được mở rộng ở các xã vùng sâu, vùng xa. Công tác đô thị hóa và phát triển các khu dân cư, nhà ở luôn được quan tâm. Công tác quản lý, kiểm tra việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên, khoáng sản thường xuyên được quan tâm; kiểm soát và xử lý nghiêm các vụ việc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Bài 2: Văn hóa - xã hội: Những dấu ấn

M.H (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=291
Quay lên trên