Bình Dương chủ động đầu tư hạ tầng kết nối vùng - Kỳ 3

Cập nhật: 31-03-2023 | 08:34:32

Kỳ 3: Hợp lực để cùng phát triển

 Nhằm phát huy vai trò, vị thế trong vùng, Bình Dương đã và đang chủ động phối hợp các tỉnh Đông Nam bộ (ĐNB) đẩy nhanh các dự án kết nối, nhất là liên kết về giao thông. Việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Bình Dương với các tỉnh vùng ĐNB sẽ góp phần tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra thêm nhiều cơ hội mới cho toàn vùng.

 Đoạn tuyến Tam Lập - Đồng Phú thuộc tuyến Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đang được triển khai thi công

 Đẩy nhanh các dự án kết nối Bình Dương và Bình Phước

Là một trong những dự án giao thông kết nối trọng điểm của vùng ĐNB, hiện nay dự án đầu tư đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang được Bình Dương phối hợp chặt chẽ với TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tuyến cao tốc bắt đầu từ nút giao Gò Dưa, điểm kết thúc là nơi giao Quốc lộ 14 tại thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước vừa qua, sau khi nghe đại diện Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương báo cáo phương án đầu tư dự án cũng như những đề xuất từ phía Bình Dương, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, đã cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Bình Dương và sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đoạn cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua tỉnh Bình Phước dài 7km. Đoạn này sẽ do tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng số vốn giải tỏa, bồi thường và xây lắp khoảng 1.500 tỷ đồng. “Tỉnh Bình Phước đang nỗ lực để khắc phục sự bất lợi về vị trí địa lý thông qua các dự án kết nối vùng ĐNB, trong đó trọng tâm là cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông)…”, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, chia sẻ.

Ngoài ra, hai tỉnh cũng thống nhất giao hai Sở Giao thông - Vận tải và các huyện khảo sát, tính toán hướng tuyến và phương án kết nối cụ thể đối với các tuyến đường tỉnh và đường huyện giáp ranh của hai tỉnh để trình UBND hai tỉnh xem xét giải quyết trong thời gian tới.

 Tại Bình Dương, do hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh hơn các tỉnh lân cận, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4. Hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thì vùng TP.Hồ Chí Minh cần thêm một đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Đối với tuyến Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, tuyến kết nối tỉnh Bình Phước tại vị trí cầu Suối Rạc, huyện Phú Giáo, kết nối vào dự án đường Đồng Phú - Bình Dương theo quy hoạch tỉnh Bình Phước. Đoạn tuyến này có chiều dài 12km. Tuyến tạo trục đường liên kết giữa huyện Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Đồng Phú, kết nối giao thông với các tuyến trục chính như ĐT746, ĐT741, ĐH502 và tỉnh Bình Phước nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Đồng Phú nói riêng và khu vực tỉnh Bình Dương, Bình Phước nói chung. Hiện nay tuyến đường này đang được tỉnh Bình Dương triển khai thi công với quy mô 8 làn xe, lộ giới 40,5m, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Để sớm hoàn thành tuyến đường, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã luôn quan tâm, triển khai kiểm tra, khảo sát công trình, chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương gỡ vướng những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đến nay, công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng đoạn đường này đã cơ bản đạt 50%.

Tại buổi khảo sát gần đây nhất vào giữa tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao sự nỗ lực của đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành yêu cầu cần xác định trách nhiệm của các đơn vị điện, nước để khẩn trương di dời trụ điện, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước… Các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Phước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác áp giá đền bù giải phóng mặt bằng.

Tăng tính kết nối giữa Đồng Nai và Bình Dương

Để tăng tính kết nối giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, qua khảo sát thực tế, hai tỉnh đã thống nhất bổ sung 4 vị trí cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé gồm: Cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - Lạc An, cầu Tân Hiền - Thường Tân và cầu Thạnh Hội 2, đồng thời TP.Biên Hòa và TP.Dĩ An sẽ nối tại 6 vị trí: Đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Tân Bình, TP.Dĩ An) và đường Phạm Văn Diên (phường Tân Hạnh, TP.Biên Hòa); đường Bùi Thị Xuân (phường Tân Bình, TP.Dĩ An) và đường Hoàng Minh Chánh (phường Hóa An, TP.Biên Hòa); đường D5, KCN Tân Đông Hiệp B (phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An) và đường Nguyễn Văn Lung (phường Hóa An, TP.Biên Hòa); đường Quốc lộ 1K hiện hữu, tuyến ĐT743A và đường Bùi Hữu Nghĩa hiện hữu (cầu Tân Vạn), bổ sung điểm kết nối giữa đường D1, khu đông bắc Dĩ An và đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đi Quốc lộ 1K.

 Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nghe đơn vị thi công báo cáo tiến độ

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, vừa qua ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã khảo sát hiện trạng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng cầu Hiếu Liêm, kết nối xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Dành thống nhất chủ trương, định hướng, vị trí, hướng tuyến xây dựng cầu. Đối với các quy trình thực hiện tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giao thông - Vận tải, Ban đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu, cập nhật quy hoạch địa phương, khẩn trương lập báo cáo trên cơ sở đã khảo sát và hồ sơ đã có.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng cầu Hiếu Liêm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông và giao thương hàng hóa của nhân dân, đẩy mạnh kết nối địa giới hành chính giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai nói chung, huyện Bắc Tân Uyên và huyện Vĩnh Cửu nói riêng, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông tại khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy trong mùa mưa lũ và bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là nguyện vọng của nhân dân hai địa phương xã hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên và xã hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Cần nhanh chóng kéo giãn hành lang vận tải lên phía bắc, theo đường Vành đai 4, vòng qua Tân Uyên, Biên Hòa và đấu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; bổ sung đoạn khuyết thiếu từ Tân Uyên đến Biên Hòa. Luồng vận tải công nghiệp sẽ theo các cao tốc, quốc lộ, đại lộ, rẽ vào Vành đai 4 để cung cấp tài nguyên cho trục kinh tế vùng ĐNB, thay thế các luồng vận tải trước nay đi theo Vành đai 2 và 3. Việc kéo giãn này đồng nghĩa với việc giúp Bình Dương dịch chuyển trọng tâm đô thị tỉnh lên phía bắc (thành phố mới Bình Dương), dịch chuyển luồng vận tải công nghiệp lên Vành đai 4, dịch chuyển không gian công nghiệp, logistics chính của tỉnh lên phía đông bắc (Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên). Từ đó, các luồng vận tải hướng tâm vào TP.Hồ Chí Minh đa số sẽ dành cho hành khách và thương mại, đó là tiền đề cho TP.Thuận An, TP.Dĩ An có được khoảng không để tái thiết, chuyển dịch cơ cấu theo hướng đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, tri thức; góp phần hình thành “tiểu vùng phát triển.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1048
Quay lên trên