Bình Dương chủ động đầu tư hạ tầng kết nối vùng, tạo động lực khôi phục kinh tế

Cập nhật: 11-10-2021 | 14:43:13

(BDO) Là tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương đã chủ động đầu tư hạ tầng kết nối vùng nhằm tạo động lực khôi phục kinh tế giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chủ động đầu tư hạ tầng

Trong những năm qua, Bình Dương luôn xác định hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong trong quá trình phát triển của tỉnh nhà, giao thông vận tải phải đi trước một bước để làm tiền đề, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. 


Lễ khởi công công trình xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng và công trình xây dựng đường từ Tân Long Lai Uyên

Dự án Xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng dài gần 17,8km và xây dựng đường từ Tân Long - Lai Uyên  dài gần 8,7km có tổng mức đầu tư dự án gần 1.646 tỷ đồng (trong đó huyện Phú Giáo gần 1.241 tỷ đồng và huyện Bàu Bàng gần 405 tỷ đồng). Về quy mô, dự án thuộc nhóm B, công trình giao thông, cấp II. Dự án có tổng chiều dài 26,277km (Phú Giáo 17,629 km, Bàu Bàng 8,648 km). Vận tốc thiết kế: 80km/h. 6 làn xe. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng. Trên toàn tuyến đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng có 4 cầu được xây dựng bê tông cốt thép dự ứng lực, tuổi thọ thiết kế 100 năm.

Đến nay, hạ tầng giao thông của tỉnh có kết cấu theo hướng đồng bộ liên hoàn, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, đồng thời bảo đảm sự kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể giao thông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đã được đầu tư xây dựng như, quốc lộ 13; tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn; tuyến đường tỉnh ĐT.744 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, ĐT.741 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước; đường ĐT743; đường Thủ Biên–Đất Cuốc;… tạo môi trường giao thông thông thoáng, thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế của tỉnh và của các địa phương.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến kết nối vùng. Tỉnh đã chủ động và tích cực liên kết với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phát triển mạnh giao thông đường bộ, đường thủy. Các tuyến đường huyết mạch của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, vừa tạo lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, vừa thúc đẩy đô thị phát triển theo hướng bền vững; đồng thời mở ra cơ hội mới trong liên kết vùng dễ dàng và thuận lợi cho Bình Dương và các tỉnh, thành phố”.

Hiện nay, Bình Dương đang tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện, động lực để tỉnh tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, để khôi phục kinh tế, vấn đề liên kết vùng càng trở thành vấn đề cấp bách. Xác định rõ tầm quan trọng, ý nghĩa trên, vừa qua ngay sau khi Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh đã nhanh chóng khởi công xây dựng tuyến đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng và công trình xây dựng đường từ Tân Long Lai Uyên, thuộc tuyến đường huyết mạch tạo lực Bắc Tân Uyên- Phú Giáo-Bàu Bàng. 


Tuyến đường Mỹ Phước-Bàu Bàng vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng tuyến đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng và công trình xây dựng đường từ Tân Long Lai Uyên, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh phải thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy giải ngân đầu tư công, góp phần phục hồi kinh tế của tỉnh. Hai công trình được khởi công hôm nay là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của UBND huyện Bàu Bàng và huyện Phú Giáo; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp...

Phó Chủ tịch tỉnh đề nghị sau khi công trình được khởi công phải triển khai ngay các giải pháp thi công đồng bộ, phù hợp với phương châm “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, đảm bảo chất lượng, tiến độ, phối hợp với tư vấn giám sát để quản lý giám sát chặt chẽ; bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về thi công xây dựng, trình tự xây dựng cơ bản.

Thúc đẩy kinh tế phát triển

Hiện toàn tỉnh có 33 khu công nghiệp với diện tích 14.790 ha và 12 cụm công nghiệp với diện tích 794ha. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường tạo kết nối vùng, xây dựng các khu, cụm công nghiệp đã phát huy hiệu quả, góp phần thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói riêng, cũng như trong sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung.

Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo:

“Công trình sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, kêu gọi gọi thu hút các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đặt biệt là nâng cao chất lượng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân trên địa bàn 2 huyện”.

Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư xuất hiện trở lại và diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Đầu tư hạ tầng giao thông tạo kết nối vùng là yếu tố quan trọng để khôi phục kinh tế. Sự kiện khởi công dự án Xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng dài gần 17,8km và xây dựng đường từ Tân Long - Lai Uyên là nguồn động lực lớn để chính quyền và nhân dân hai huyện Bàu Bàng, Phú Giáo nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Ông Hồ Văn Lợi, người dân ấp 7, xã Tân Long, huyện Phú Giáo, cho biết: “Người dân chúng tôi rất phấn khởi khi chính quyền địa phương tổ chức lễ khởi công dự án. Chúng tôi kỳ vọng tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong vùng kinh tế trọng điểm liên huyện và của tỉnh Bình Dương nói chung, giúp người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa kinh doanh của hai huyện Bàu Bàng và Phú Giáo nói riêng. Góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, đặc biệt nâng cao chất lượng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân của hai huyện”.

Phương Lê

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên