Xuân, hạ, thu, đông, thiếu một mùa không thể gọi một năm. Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, thiếu một đức chưa thể là người đúng nghĩa. Trên đời, qua thực tế chứng minh Bác Hồ của chúng ta có đủ đức, tài; là vị Bồ tát “Ôm cả non sông mọi kiếp người”.Tôi nguyện học tập và làm theo Bác chính vì lẽ đó.
Các tập thể, cá nhân được biểu dương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: H.V.ÚT
Sư cô Thích nữ Từ Thảo, trụ trì chùa Bồ Đề Đạo Tràng huyện Thuận An, từ sâu thẳm lòng mình đã nói về Bác Hồ như vậy. Sư cô Từ Thảo kể: Câu chuyện “Bác Hồ về thăm trại mồ côi Kim Đồng” nhắc nhở mọi người làm nhiều việc tốt để bù đắp thiệt thòi cho người khác, nhất là đối với những người nghèo khó, trẻ em mồ côi, người già tàn tật, cô đơn khiến tôi vô cùng xúc động. Thông qua báo, đài, tôi được nghe nhiều câu chuyện về Bác đối với cụ già, trẻ em... Tấm lòng của Bác thật bao la “với mọi kiếp người”. Làm theo lời Bác, sư cô Từ Thảo đã bỏ công sức nuôi dưỡng 34 trẻ mồ côi, có nhiều em mới 2 - 3 tháng tuổi bị bỏ rơi trước cổng nhà chùa. Tất cả các cháu được sư cô Từ Thảo nuôi dạy đến tuổi đều được sư cô đưa đến trường học. Khi được hỏi làm thế nào mà sư cô nuôi được nhiều “con” như vậy? Sư cô Từ Thảo thành thật trả lời: “Là nhà tu hành, làm công việc nuôi các cháu nhỏ quả thật rất vất vả, song cứ nghĩ đến Bác Hồ lúc nào cũng quên mình lo cho mọi người là tôi lại thấy mình phải cố gắng, nhìn các cháu khỏe mạnh, chăm ngoan, tôi cảm thấy hết mệt mỏi, rất vui rằng mình đã làm đúng lời răn của phật: Cứu một người bằng xây mười tòa tháp”. Tôi hỏi sư cô: “Là người từng nghiền ngẫm những điều răn của Phật và lời dạy của Bác Hồ, sư cô có còn mong muốn điều gì?”. Sư cô Từ Thảo trả lời không chút đắn đo: “Thứ nhất tôi cầu mong cho các con khỏe mạnh lớn lên chăm học chăm làm. Thứ hai, mong xã hội ngày càng có nhiều người làm nhiều việc tốt, cho cái thiện thắng cái ác. Thứ ba, có nhiều người học theo Bác Hồ tiết kiệm để xây dựng đất nước, mong có nhiều người giàu, nhiều cán bộ to thực hành tiết kiệm, vì họ tiết kiệm sẽ tác động đến nhiều người và bằng hàng trăm người khác tiết kiệm cộng lại”.Cuộc thi viết về gương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Huyện ủy Dĩ An tổ chức có tới 30 bài viết về gương “trồng người” của cô giáo Tống Thị Lịch, Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Đồng. Đọc các bài viết về cô tôi hiểu, không phải vì cô vừa được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú mà trong tiềm thức, tình cảm, trái tim của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh, cô luôn là người “thầy” mà họ kính trọng lấy đó làm gương trong cách nghĩ, cách sống, cách làm người. Cô Lịch làm nghề “đưa đò” đã hơn 30 năm, gần 20 năm là hiệu trưởng, bao trải nghiệm cuộc đời, kinh nghiệm nghề nghiệp cô đều gắng sức truyền lại cho đồng nghiệp lớp sau, dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh lên người. Trường tiểu học Kim Đồng xưa kia chỉ có lớp 1, học sinh lên lớp 2 phải sang Biên Hòa, Đồng Nai mới có trường. Nay trường đạt chuẩn quốc gia với 22 lớp, 900 học sinh là trường tiên tiến xuất sắc của tỉnh. Năm nào trường cũng có một chiến sĩ thi đua, 5 - 8 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 15 - 20 giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp huyện, có 32 sáng kiến kinh nghiệm được cả tỉnh học tập. Riêng cô giáo Lịch đóng góp 12 sáng kiến kinh nghiệm có giá trị thực tiễn cao về “Dạy tốt, học tốt”, thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở trường tiểu học Kim Đồng được cô Lịch tổ chức hết sức chu đáo từ khâu học tập đến tổ chức thực hiện. Lời nói và việc làm của cô có sức cuốn hút, cổ vũ tất cả thầy cô giáo, học sinh toàn trường tham gia. Cuộc thi viết về gương điển hình “Học tập và làm theo lời Bác” do Huyện ủy Dĩ An tổ chức, trường Kim Đồng có 41 bài viết tham gia dẫn đầu toàn huyện, đặc biệt trong 16 giải của cuộc thi, trường Kim Đồng đoạt 6 giải, giành trọn ba giải nhất, nhì, ba và 3 giải khuyến khích. Cô Tống Thị Lịch chỉ kể vắn tắt thành tích của trường như thế mà không nói về thành tích của riêng mình. Song cô giáo Trịnh Thị Nga, Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường lại đánh giá rất cao: “Những việc làm của cô Lịch luôn cổ vũ cuốn hút thầy trò trong trường. Bởi cô sống giản dị, chân thành, tận tụy với công việc. Cô kiểm tra, dự giờ thăm lớp không nhằm mục đích đánh giá xếp loại giáo viên mà để trao đổi giúp giáo viên dạy tốt hơn, tổ chức cho học sinh học tốt hơn. Cô Lịch còn là tấm gương miệt mài sưu tầm tài liệu hướng dẫn giáo viên dạy tốt nâng cao chất lượng các tiết giáo dục công dân, tổ chức ngoại khóa, mỗi tuần một câu chuyện về Bác Hồ đối với học sinh, mỗi tháng một câu chuyện về Bác Hồ đối với giáo viên”.
Thượng úy Vũ Xuân Nam, công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Bình Dương có thói quen buổi sáng mỗi ngày trước khi đi làm anh đọc lại 6 điều Bác Hồ dạy để tự vấn lòng. Địa bàn Nam được phân công phụ trách là tụ điểm ma túy cầu vượt Sóng Thần và Bến xe Lam Hồng huyện Dĩ An một “boong ke” ma túy lớn của tỉnh. Để quyết chiến với “boong ke” ma túy này, Nam và đồng đội đã phải bỏ nhiều công sức cảm hóa người dân trong vùng. Nam luôn nhắc nhở đồng đội, phải gần dân, tin dân, có dân làm điểm tựa thì tấn công tội phạm mới thắng lợi. Nhưng cũng phải làm tốt công tác bảo vệ dân thì dân mới tin và ủng hộ mình. Vũ Xuân Nam không nhớ hết, biết bao nhiêu lần anh và đồng đội bị bọn tội phạm tấn công trả thù, không nhớ hết bao lần anh bị bọn chúng dùng kim tiêm chích ma túy đâm vào người. “Trận chiến” anh nhớ nhất là ngày 31-5-2008, trong lúc anh cùng đồng đội vây bắt một tên buôn bán, chích hút ma túy có tiếng và bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, tên tội phạm này đã cố ý đâm dao vào bụng cho lòi ruột ra để uy hiếp những người truy bắt rồi dùng dao dính máu đó đâm loạn xạ vào anh, làm anh bị thương. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bắt tên tội phạm, Nam được đưa vào bệnh viện để xét nghiệm HIV, chữa trị vết thương và uống thuốc phòng AIDS. Vũ Xuân Nam tâm sự: “Thời gian chữa bệnh đối với tôi, ngày như dài lê thê. Hai ngày đêm tôi không sao ngủ được bởi ý nghĩ, nếu mình bị nhiễm HIV thì cuộc đời rồi sẽ ra sao? Nhất là vợ trẻ mới cưới của tôi sẽ thế nào? Tôi không dám cho vợ biết mình bị dính máu của kẻ nhiễm HIV. Mất ngủ, nghĩ nhiều, lại phải uống thuốc ròng rã hai tháng trời, ba lần làm xét nghiệm, người tôi sụt giảm tới 8kg. May được anh em đồng đội động viên, bà xã thông cảm, chăm sóc tận tình nên tôi mới vượt qua được”. Nhưng ngay trong thời gian còn được nghỉ chữa bệnh, Nam đã xin được tham gia phá án cùng đồng đội. Sau đó, anh lại xin trở về với công việc, với địa bàn, cùng đồng đội điều tra, xác lập 2 chuyên án, 57 kế hoạch, triệt phá 52 vụ mua bán, vận chuyển ma túy, bắt 81 đối tượng, thu giữ 60 xe máy, 29 chỉ vàng và 427 liều heroin. Cùng với chính quyền và nhân dân vận động chuyển hóa, làm trong sạch địa bàn. Khi được hỏi: “Sức mạnh nào giúp anh vượt qua được sự khủng khoảng về tinh thần và lập nhiều chiến công?”. Câu trả lời của Nam là: “Tinh thần đồng đội, luôn luôn có đồng đội bên cạnh và nhân dân giúp sức. Quan trọng là 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân luôn là kim chỉ nam cho tôi suy nghĩ và hành động”.
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng - công nhân Nông trường Cao su Nhà Nai (Công ty Cao su Phước Hòa), luôn ghi nhớ và thực hiện lời Bác Hồ: “Công nhân phải là người chủ xí nghiệp, chủ nước nhà”. Theo Kim Hồng, người chủ xí nghiệp như Bác dạy nghĩa là công nhân phải coi xí nghiệp, nông trường là của mình, nên phải làm việc thật tốt, chứ không phải như người làm thuê. Là công nhân cạo mủ, Kim Hồng tự nhủ mình phải thực hiện tốt nội quy, quy chế, quy trình khai thác mủ của nông trường. Đồ dùng khai thác như dao cạo, máng dẫn, chén đựng, thùng chứa mủ... bao giờ cũng được Kim Hồng giữ gìn sạch sẽ. Hồng coi mủ cao su là tụ khí tinh hoa của đất trời hiến tặng con người. Khi trút mủ từ chén vào thùng, từ thùng vào bể chứa, Hồng tiết kiệm từng giọt, không để lãng phí, vì phải biết bao vất vả, mồ hôi và nước mắt của người công nhân từ khai hoang, vỡ đất, trồng cây, chăm bón, phòng chống cháy, chống cả kẻ trộm cắp, buôn lậu... mới có được. Muốn làm được người chủ tốt đòi hỏi phải có tri thức, nên ngoài lao động giỏi Hồng còn lao vào học tập: học văn hóa, học chính trị, chuyên môn để nâng cao trình độ mọi mặt, để làm tốt mọi công việc. Có người hỏi Nguyễn Thị Kim Hồng: “Làm thế nào để cuộc vận động đạt kết quả cao?”. Kim Hồng đã không do dự trả lời: “Phải tuyên truyền thường xuyên, chứ không làm từng đợt, “đánh trống bỏ dùi”. Mọi người phải học Bác về tính nêu gương, gương mẫu trong công việc, không được “nuốt lời” mà nói phải đi đôi với làm”. Chị liên hệ: “Bác đi thăm cơ sở ít “tiền hô hậu ủng”, từ chối các bữa ăn liên hoan lãng phí đón Bác, dành nhiều thời gian với người lao động, với bộ đội, các cháu thiếu nhi. Bác thăm từ bếp ăn, hố xí, vườn rau của đơn vị bộ đội, trường học... Những nơi Bác đến thăm, góp ý, chỉ đạo, Bác không quên kiểm tra xem đơn vị, địa phương có thực hiện hay không? Nếu cán bộ chúng ta ai cũng học theo Bác làm tốt những việc “nhỏ” như thế thì hay biết bao nhiêu. Tôi mong có được nhiều cán bộ là tấm gương điển hình: Học tập, làm theo lời Bác”.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Bình Dương đang đi vào chiều sâu. Các tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Sửa đổi lề lối làm việc”, “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chuyên đề “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụå nhân dân”... đã có 62.731 cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập và 76.200 quần chúng nhân dân tham gia. Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động, Bình Dương đã bình chọn được 255 tập thể và 994 cá nhân điển hình xuất sắc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo ông Liêm, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Bình Dương đã thu hút được đông đảo nhất cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, tạo chuyển biến sâu sắc về tư tưởng và hành động trong cán bộ, đảng viên, nhất là tác phong làm việc “gần dân, trọng dân, tin dân, lịch sự, hòa nhã trong giao tiếp với công dân”. Nhiều cơ quan trong tỉnh đã đạt hiệu quả cao bước đầu cải tiến chế độ sinh hoạt, hội họp, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào tiết kiệm điện, nước, xăng xe, văn phòng phẩm và các khoản chi từ ngân sách.
Năm 2010, có nhiều ngày lịch sử trọng đại, tinh thần tự hào dân tộc căng đầy, cùng với ý thức làm thật tốt mọi công việc hướng tới đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sẽ là “thần khí” của Bình Dương bước vào thập niên thứ 2 thế kỷ 21 bằng vườn hoa rực rỡ sắc màu “Làm theo lời Bác” .
TRỌNG ĐẠT