Bình Dương “cùng cả nước, vì cả nước”

Cập nhật: 05-02-2024 | 14:54:56

Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước tiểu nông, xuất phát điểm rất thấp, phải chịu những di chứng nặng nề do chiến tranh kéo dài để lại nên đã hạn chế, làm trì trệ nhận thức của chúng ta về tư duy kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng. Việc chậm đổi mới mô hình quản lý đã kìm hãm sức sản xuất của nền kinh tế cũng như hạn chế lực lượng sản xuất trong nông nghiệp khiến có lúc Việt Nam phải đối diện với cái đói.

Toàn cảnh hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước”. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Nhưng Việt Nam kịp thời đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế để Đảng ta đánh giá, rút ra những bài học thực tiễn sinh động về “khoán chui” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng… Và nhờ có Chỉ thị 100, sau đó là Chỉ thị số 10 về khoán sản phẩm, khoán hộ đã như “làn gió mới” thổi về nông thôn, làm nông dân phấn khởi, nông nghiệp khởi sắc. Chẳng những nông nghiệp Việt Nam đủ ăn mà còn có gạo xuất khẩu vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Từ đó, nông nghiệp Việt Nam có những bước phát triển ngoạn mục, trờ thành “chén cơm châu Á”, “giỏ trái cây, hộp tôm, hộp cá da trơn tươi sống của thế giới”.

Cũng từ việc “xé rào”, “bung ra” tự cứu mình của TP.Hồ Chí Minh, đã trở thành thực tiễn sinh động được Đảng tổng kết nâng lên thành lý luận bổ sung cho đường lối đổi mới với nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển thị trường theo định hướng XHCN.

***

Trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản khởi xướng và lãnh đạo, Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ thế giới. Cơ đồ, quốc lực của nước Việt từ thời đại các vua Hùng dựng nước Văn Lang đến thời đại Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chưa có lúc nào mạnh mẽ như hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI, nước Việt Nam của thời đại Hồ Chí Minh đã trở thành đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của nhiều cường quốc; kể cả các cường quốc là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, như: Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc. Trong số đó, có những nước từng dùng quyền phủ quyết, ngăn cản Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, tiến hành cấm vận một cách ngặt nghèo hoặc tấn công Việt Nam bằng quân sự, thì nay cũng xác định Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện, tôn trọng thể chế chính trị của nước ta. Trong kỳ tích ấy, có sự đóng góp của toàn dân, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và cơ sở với những cách làm năng động sáng tạo, đem lại hiệu quả ích nước, lợi dân.

Nổi lên trong số đó là mô hình có tính điển hình về sự năng động, sáng tạo bứt phá trong đổi mới là Bình Dương - đơn vị cấp tỉnh được Trung ương chọn làm điển hình đưa vào tổng kết 40 năm đổi mới của đất nước và rút kinh nghiệm đưa vào Dự thảo Nghị quyết Đại hội XIV Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là niềm vinh dự đầy tự hào của người Bình Dương trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới với tư cách là một chủ thể tích cực, có trách nhiệm theo tinh thần phấn đấu xây dựng Bình Dương trở thành một tỉnh hiện đại, văn minh, nghĩa tình, có đủ điều kiện để thực hiện đạo lý “cùng cả nước, vì cả nước”.

Bình Dương đạt được thành tựu ấy là bởi trong chiến tranh, có hàng chục ngàn con em của cả nước đã chiến đấu, hy sinh nằm lại đất Bình Dương, góp phần làm cho vùng đất này nở hoa. Trong hòa bình, có hơn một triệu người lao động cả nước đã đến Bình Dương làm việc trong các doanh nghiệp thuộc đủ các thành phần kinh tế, góp phần làm quy mô kinh tế Bình Dương tăng gấp 100 lần so với lúc mới thành lập (1997). Từ một tỉnh thuần nông, đến nay nông nghiệp của Bình Dương giảm xuống còn 2,73%, phần còn lại trong cơ cấu kinh tế là công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ một bước chuyển ngoạn mục có tính lịch sử, giúp Bình Dương trở thành một cạnh, một đỉnh trong tứ giác động lực: TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

Từ một tỉnh thuần nông nằm ở ngoại vi tam giác động lực, đến nay Bình Dương đã được công nhận là một cạnh mới, đỉnh mới, góp phần hình thành nên “tứ giác động lực” thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam là một sự bứt phá thần kỳ. Nhưng vấn đề không chỉ là kích cỡ của những con số - vốn là cơ sở dữ liệu để đánh giá tiến trình kinh tế, mà từ những chuyến khảo sát thực tiễn, tìm hiểu thực tế, các nhà khoa học thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương đã xác định Bình Dương là hình mẫu về sự bứt phá phát triển. Hơn thế nữa, Bình Dương được Trung ương chọn để tổng kết mô hình phát triển với tư cách mô hình điển hình về phát triển cấp tỉnh ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Những kinh nghiệm về cách làm sáng tạo của Bình Dương sẽ góp phần vào nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới ở Việt Nam và cung cấp thêm những luận cứ từ thực tiễn sinh động để xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2025. Đây là niềm vinh dự, tự hào chính đáng, nhưng với vạn lần khiêm tốn và thái độ luôn cầu thị hết sức chân thành, Bình Dương thường xuyên tự soi rọi, tự điều chỉnh để khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, tiếp tục bồi dưỡng, khai thác những nguồn năng lượng mới, tạo động lực sáng tạo mới, đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong hành trình đổi mới theo những mục tiêu đã kiên định.

Rồi đây, từ thực tiễn sinh động hết sức tươi mới, giới tinh hoa về lý luận của Việt Nam sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thế kỷ XXI. Những nội dung sinh động mà Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, sẽ giúp Bình Dương thực hiện triết lý “cùng cả nước, vì cả nước” ngày càng thêm sâu sắc.

MAI SÔNG BÉ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5428
Quay lên trên