Bình Dương đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ để bắt kịp xu hướng

Cập nhật: 25-06-2022 | 10:21:04

Tại thành phố mới Bình Dương, lễ Vinh danh TOP 7 Cộng đồng thông minh thế giới vừa diễn ra thành công tốt đẹp. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã có dịp trao đổi với một số thành viên Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) xoay quanh một số vấn đề chiến lược cũng như sự khác biệt của Bình Dương trong xây dựng thành phố thông minh (TPTM). Dưới đây là ghi nhận ý kiến của các thành viên ICF về các vấn đề hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo...

* ÔNG LOUIS ZACHARILLA, ĐỒNG SÁNG LẬP ICF:  Không chỉ là công nghệ mà quan tâm đến lợi ích con người

Tôi luôn nghĩ rằng chiến lược phát triển TPTM ở Bình Dương là rất tốt, vì không những suy nghĩ về công nghệ mà còn quan tâm đến lợi ích cho con người. Trong thảo luận, có diễn giả Việt Nam nói rằng, mối quan tâm hàng đầu mà những người hoạch định chiến lược luôn nghĩ đến là lợi ích cho con người. Theo tôi, đó là cách tiếp cận đúng đắn. Bình Dương ngày càng phát triển và trở thành nơi mà nhiều người chọn đến sinh sống.

Thêm một điều đáng lưu ý về Bình Dương là tỉnh đang học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố quốc tế khác. Lãnh đạo tỉnh, các cấp ngành đã đến các thành phố ở Đài Loan và khắp thế giới để học hỏi. Vì vậy, điều làm nên sự khác biệt của Bình Dương là dù đây không phải là thành phố lớn nhất thế giới (về diện tích), nhưng lại là thành phố tuyệt vời nhất mà chúng tôi đã biết luôn sẵn sàng học hỏi từ những thành phố khác. Và điều đó thực sự giúp ích cho sự phát triển của tỉnh nhà. Các nhà lãnh đạo sẵn sàng thực hiện các bước đi cho tương lai, đó là điều rất quan trọng.

Bình Dương quyết tâm xây dựng thành phố thông minh, nâng cao đời sống người dân. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Tại sự kiện Vinh danh TOP 7 Cộng đồng thông minh thế giới vừa qua, chúng tôi gặp nhiều diễn giả trên khắp thế giới, cả trực tiếp và trực tuyến. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người hơn trên toàn cầu biết về câu chuyện chuyển đổi số của Bình Dương và Việt Nam. Cụ thể, Bình Dương đang thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ để bắt kịp xu hướng thế giới, quyết tâm xây dựng TPTM, nâng cao đời sống người dân. Đó là hy vọng của tôi và cũng là lý do tôi đến đây để chắc chắn rằng phần còn lại của thế giới không nhìn Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng như 20 năm trước nhưng hướng về 20 năm trong tương lai.

Tôi không thể tiên đoán tương lai nhưng điều tôi có thể nói là nếu Bình Dương làm những điều đúng đắn ở hiện tại, nếu tỉnh đưa ra các quyết định đúng ngay bây giờ vì lợi ích của người dân, tiếp tục học hỏi từ những thành phố khác vốn đã xây dựng TPTM rất tốt, việc đó giống như được học với một giáo viên tuyệt vời. Nếu tỉnh luôn chịu khó học hỏi và có chính sách tốt, tương lai sẽ rất tươi sáng. Và rõ ràng, Bình Dương đã có nhiều khoản đầu tư tốt. Vì vậy, tôi nghĩ nếu tỉnh có một khởi đầu rất tốt đẹp và vẫn tiếp tục như thế, thì tương lai sẽ rất tốt. Hãy nhớ rằng, cuộc sống thay đổi rất nhanh. Và vì vậy, trong nền kinh tế ngày nay, mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng. Do đó, tỉnh luôn phải tiếp tục quan sát, phân tích và sử dụng các công cụ để tiếp tục phát triển.

* ÔNG PETER PORTHEINE, GIÁM ĐỐC VĂN PHÒNG ĐỀ ÁN EINDHOVEN-EIPO:  Bình Dương đang đối mặt với thách thức hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực

Tôi thấy phần lớn những bài nói chuyện vừa qua xoay quanh vào hạ tầng giao thông, gồm đường bộ, các thủy lộ và có lẽ trong tương lai là các kết nối xe lửa giữa Bình Dương với các tỉnh lân cận, hướng đến sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai và Tân Sơn Nhất ở TP.Hồ Chí Minh, kể cả các cảng biển ở Vũng Tàu. Vì vậy, sự thành công của Bình Dương sẽ phụ thuộc vào sự kết nối giao thông dễ dàng đến những điểm này cũng như những trung tâm hậu cần khác. Chính quyền tỉnh Bình Dương đã dành ưu tiên cho việc cải thiện và xây mới những kết nối đường bộ và đường sắt vốn chưa tối ưu lắm. Các đầu tư đang được thực hiện để người dân dễ dàng đi đến các hải cảng và phi cảng, cũng như từ TP.Hồ Chí Minh lên Bình Dương và các địa phương xung quanh khác.

Ông Matthew Owen, Giám đốc Điều hành ICF trải nghiệm và tỏ ra khá thích thú với chú robot “Made by EIU” trong chuyến tham quan các công trình đổi mới sáng tạo tại Bình Dương. Ảnh: ĐÌNH THẮNG

Nhưng không chỉ là hạ tầng vật lý. Trong hội thảo vừa qua, chúng ta nghe nói nhiều về giao tiếp/liên lạc qua băng thông rộng, về liên lạc qua internet. Vì vậy, chúng ta cũng nên chú trọng vào cách làm sao chúng ta có thể đầu tư tốt nhất vào hạ tầng số, như cải thiện quyền tiếp cận/truy cập internet cho tất cả mọi người, không chỉ dành riêng cho công dân của TPTM mà cho mọi người ở các cộng đồng nông thôn. Nghĩa là mọi người ở Bình Dương đều có thể truy cập internet và được hưởng lợi từ những mô hình này.

* ÔNG PHILIPP RIEGEBAUER, CHUYÊN GIA TƯ VẤN TRUNG TÂM HỆ THỐNG NĂNG LƯỢNG SÁNG TẠO:  Vô cùng thú vị khi đến Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC)

Chúng tôi đã có một chuyến đi tìm hiểu thực tế vô cùng thú vị đến Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (Intelligent Operations Center-IOC) - vốn đóng vai trò là bộ não và hệ thần kinh trung ương của TPTM, tích hợp và kết nối thông tin và các quy trình, đồng thời cung cấp nền tảng cho công nghệ, hoạt động và quản lý tiên tiến. Tôi rất ấn tượng khi thấy nhiều dữ liệu được kết nối. Dữ liệu sau khi được xử lý sẽ giúp cải thiện tình hình, thu hoạch dữ liệu cũng như kết hợp vào những dịch vụ khác nhau vì lợi ích của cư dân thành phố. Chúng tôi cũng hướng tới giai đoạn tiếp theo sau đại dịch Covid-19 khi lượng lớn dữ liệu sẽ được thu thập. Khi các quy trình xử lý dữ liệu được triển khai, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ trí thông minh nhân tạo (A.I) cải thiện hơn nữa các dịch vụ và sản phẩm cho mọi người. Tôi nghĩ, vài năm sau đại dịch, với những gì đang được áp dụng ở đây (IOC), sẽ thật là thú vị khi chờ xem tốc độ phát triển tương lai sẽ ra sao?

Bình Dương nên tiếp tục cung cấp hệ sinh thái sáng tạo như vẫn đang làm cho công dân thành phố, các công ty và quản lý hữu hiệu để thu được những kết quả tốt như IOC. Xử lý dữ liệu thông tin tốt sẽ giữ vai trò quyết định trong việc thu hút các công ty cũng như con người. Thật là thú vị khi có thể so sánh tình hình ở Đức khi chúng tôi có nhiều vấn đề như đã có lúc không thể áp dụng liên lạc băng thông rộng ở miền quê dù Đức cũng là nước công nghiệp hóa cao. Điều đó buộc chúng tôi phải tiếp tục làm việc để cải thiện tình hình. Tôi rất ấn tượng với những gì đang được thực hiện ở đây và trông chờ vào bước tiếp theo.

Tại sự kiện Vinh danh TOP 7 Cộng đồng thông minh thế giới vừa qua, chúng tôi gặp nhiều diễn giả trên khắp thế giới, cả trực tiếp và trực tuyến. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người hơn trên toàn cầu biết về câu chuyện chuyển đổi số của Bình Dương và Việt Nam. Cụ thể, Bình Dương đang thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ để bắt kịp xu hướng thế giới, quyết tâm xây dựng TPTM, nâng cao đời sống người dân. Đó là hy vọng của tôi và cũng là lý do tôi đến đây để chắc chắn rằng phần còn lại của thế giới không nhìn Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng như 20 năm trước nhưng hướng về 20 năm trong tương lai.
(Ông Louis Zacharilla, đồng sáng lập ICF)

PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên