Bình Dương - Đất lành cho doanh nghiệp đến làm ăn

Cập nhật: 19-04-2010 | 00:00:00

Tính đến nay, Bình Dương đã thu hút 1.922 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký trên 13 tỷ USD, trong đó có đến 150 dự án đầu tư đến từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ USD. Bình Dương được các nhà đầu tư nước ngoài ví von là vùng đất lành cho doanh nghiệp (DN) đến làm ăn.

Trong quá trình đầu tư, các dự án của Nhật Bản không chỉ tăng nhanh về số lượng mà ngày càng có quy mô lớn cũng như sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sức cạnh tranh mạnh. Nhận xét về môi trường đầu tư để trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh, ông Hirota

Nakanishi, đại diện tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho rằng: “Bình Dương có dịch vụ hành chính hoàn chỉnh, các công ty đầu tư hạ tầng KCN chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc hình thành và xây dựng đô thị sẽ giúp lực lượng kỹ sư, chuyên viên và lực lượng lao động an cư lạc nghiệp. Bình Dương cũng đã hoàn thiện môi trường sống phù hợp cho người nước ngoài... Đây là những yếu tố quan trọng đã hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, trong đó có không ít DN Nhật Bản”.

Đánh giá xác thực nhất về môi trường đầu tư của Bình Dương chính là các DN đã và đang làm ăn vào Bình Dương. Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư vào Bình Dương, ông Munechika Yokomizo, Tổng Giám đốc Công ty Nước giải khát Kirin

Accook Việt Nam cho rằng: “Thành công bước đầu cho các nhà đầu tư chính là chọn lựa môi trường thích hợp để triển khai dự án. Sau khi khảo sát ở một số nơi, chúng tôi đã chọn Bình Dương và đây là quyết định đúng đắn. Trong thời gian triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều thuận lợi, với những thủ tục nhanh gọn đã giúp nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ”. Cùng quan điểm như đại diện Công ty Kirin Acecook, ông Masato Sakamoto, Giám đốc điều hành Công ty Iwai Plant Tech Việt Nam, cũng cho rằng: “Hạ tầng công nghiệp tốt cùng với sự quan tâm của tỉnh đã tạo sự an tâm để nhà đầu tư bỏ vốn làm ăn. Đây là những yếu tố quan trọng đối với thành công của DN khi quyết định đầu tư”. Từ thực tế khách quan của sự tăng trưởng nhanh nguồn vốn đầu tư Nhật Bản vào Bình Dương, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, ông Ikuo Mizuki đúc kết: “Những số liệu cụ thể nêu trên là bằng chứng xác thực nhất về môi trường đầu tư của Bình Dương, một môi trường đầu tư tuyệt vời gần với “Tiêu chuẩn quốc tế” nhất ở Việt Nam”.

Đầu tư vào Bình Dương có nhiều thuận lợi là điều không thể phủ nhận, song cũng như nhiều nhà đầu tư khác có không ít vấn đề mà DN Nhật Bản quan tâm, cụ thể như tình hình về điện phục vụ sản xuất hiện nay; lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của Bình Dương so với các tỉnh khác; nguồn nhân lực đáp ứng cho các DN hoạt động... Những băn khoăn này trong hội thảo vừa qua, các DN đã hài lòng trước những giải thích thỏa đáng từ phía Bình Dương. Theo ông Huỳnh Văn Trai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư: “Để bảo đảm phát triển công nghiệp cho những năm tới, Bình Dương tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đầu tư phát triển giao thông gắn với các tỉnh, thành phố trong vùng như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường vành đai 3, vành đai 4, đầu tư mới giao thông nội tỉnh, tạo điều kiện giao thông thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Về điện, Bình Dương cũng đang tiếp tục đầu tư các nguồn lưới điện nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN”.

Cũng theo ông Trai, Bình Dương xác định nguồn nhân lực là một trong những nhân tố có tính quyết định. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh đã tập trung vào công tác đào tạo nhằm phục vụ tốt yêu cầu của các nhà đầu tư. Vì vậy Bình Dương vừa xây dựng, vừa hợp tác liên kết để xây dựng phát triển các dự án giáo dục và đào tạo; trên địa bàn tỉnh hiện có đến 7 trường đại học, 6 trường cao đẳng và một số dự án giáo dục trọng điểm đang được triển khai như trường Đại học Quốc tế Miền Đông, trường Đại học Việt Đức, trường Đại học Thủ Dầu Một... sẽ đáp ứng được yêu cầu mà DN cần.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn cam kết trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, trong đó quan tâm thu hút đối với các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, hợp tác với Lãnh sự và Tổ chức Thương mại các nước trong việc tổ chức xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; góp phần thúc đẩy kinh tế Bình Dương ngày càng phát triển bền vững.

T.MINH - T.ĐỒNG

Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, ông IKUO MIZUKI: Bình Dương là nơi “an cư lạc nghiệp” của các nhà đầu tư

Cho đến nay, Nhật Bản luôn đứng đầu về cho vay hỗ trợ phát triển chính thức ODA đối với Việt Nam. Cụ thể, khoản vốn vay trong năm 2009 đạt 145,65 tỷ yên. Tính từ năm 1992 đến nay khoản vốn vay đạt khoảng 1.500 tỷ yên. Khoản viện trợ ODA này chủ yếu ở một số lĩnh vực như cơ sở hạ tầng chiếm 40%, phát triển điện chiếm 30%, hàng hóa và cải thiện môi trường chiếm 10%... Chúng tôi đã hợp tác, hỗ trợ về phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương, trong đó có Bình Dương. Mặc dù trong giai đoạn ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tiếp tục ổn định. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, số thành viên của Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM là 482 công ty và con số này đang có xu hướng tăng lên. Tính tổng cộng số nhà đầu tư Nhật Bản tại TP.HCM là 900 công ty, con số này cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á về thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản (sau Thái Lan với 1.300 công ty).

Về du lịch, trong năm vừa qua lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam là 360.000 người, trong đó hơn 1/2 đến TP.HCM... Những con số trên chứng tỏ rằng quan hệ, giao lưu kinh tế, văn hóa giữa 2 nước đang ngày càng phát triển bền vững.

Bình Dương là tỉnh thu hút rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, với hơn 150 DN có tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD. DN Nhật Bản đầu tư ở các tỉnh phía Bắc tập trung vào các lĩnh vực xe hơi, điện tử (chiếm 51%), còn phía Nam chủ yếu là thực phẩm, may mặc và ngành điện gia dụng. Bình Dương không chỉ thiên về phát triển sản xuất mà còn có kế hoạch xây dựng các khu trung tâm thương mại, dịch vụ và các đô thị với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, là nơi “an cư lạc nghiệp” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại các tỉnh, thành tiếp giáp TP.HCM, trong đó có Bình Dương, chúng tôi dự định trong 6 tháng cuối năm sẽ tổ chức hội nghị để đối thoại thương mại giữa Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN HOÀNG SƠN: Thu hút FDI năm 2010 sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao

Bên lề Hội thảo “Thương mại và Đầu tư Nhật Bản tại Bình Dương”, PV. Báo Bình Dương đã phỏng vấn nhanh Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2010, sự chuẩn bị của tỉnh để đón đầu đầu tư, ngành nghề ưu tiên quan tâm của tỉnh...

- Chủ tịch nhận định thế nào về thu hút FDI của tỉnh trong năm 2010?

- Năm 2009 thu hút FDI của Bình Dương đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó có rất nhiều dự án đầu tư Nhật Bản. Năm 2010, tình hình kinh tế đã hồi phục là tín hiệu tích cực. Để chuẩn bị cho sự phát triển và đón đầu làn sóng đầu tư sắp tới, Bình Dương đã chuẩn bị tốt thông qua việc tiếp tục đầu tư hạ tầng và quan tâm đến các nhà đầu tư trong các KCN, tạo sự thuận lợi cho DN. Tôi hy vọng qua những buổi hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư như thế này, chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư của các nước, trong đó có Nhật Bản tiếp tục quan tâm đến Bình Dương, tìm hiểu và có lựa chọn đầu tư ở Bình Dương. Với những giải pháp chuẩn bị và đã thực hiện, tôi hy vọng năm 2010 Bình Dương sẽ tiếp tục thu hút đầu tư FDI hiệu quả hơn.

- Về chính sách của Bình Dương đối với các nhà đầu tư có gì khác?

- Chính sách là thống nhất chung của cả nước và không thể làm khác được. Về phía Bình Dương, trong khuôn khổ luật pháp cho phép, chúng tôi đã tạo ra những điều kiện thuận lợi khác như nâng cao hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh, tạo điều kiện về đất đai, quan tâm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của các nhà đầu tư... Tất cả những vấn đề này đều thực hiện công khai, minh bạch và đã tạo được niềm tin cho DN an tâm khi bỏ vốn đầu tư.

- Những ngành công nghiệp trọng điểm mà tỉnh quan tâm thu hút là gì thưa ông?

- Từ năm 2010 trở đi, Bình Dương tập trung đột phá vào các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Trong đó, dịch vụ sẽ đi vào thực tế và phục vụ đời sống của nhân dân. Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp, chúng tôi sẽ tập trung đi vào những lĩnh vực công nghiệp có kỹ thuật tiên tiến, công nghiệp phụ trợ cho các lĩnh vực công nghiệp khác. Qua đó tạo ra một ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, chúng tôi đang tập trung đầu tư hạ tầng giáo dục cũng như đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt nhằm đáp ứng cho công nghiệp có kỹ thuật cao, nâng cao giá trị gia tăng của công nghiệp và đáp ứng yêu cầu mà DN đặt ra.

- Xin cám ơn ông!

NHÓM P.V TS (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=309
Quay lên trên