Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử

Cập nhật: 21-06-2022 | 05:52:25

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh, mạnh của cuộc cách mạng 4.0 đang có nhiều tác động tới sự phát triển của nhiều quốc gia, khu vực. Xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số (CĐS), xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Đây là mục tiêu để Bình Dương nâng tầm phát triển lên nấc thang giá trị cao hơn: Xanh thông minh, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Lợi (thứ 2 từ trái qua), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham quan Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC)

Động lực tăng trưởng

CĐS, chính quyền số, kinh tế số là động lực tăng trưởng quan trọng trong xu thế phát triển mới. Đây là mục tiêu của Bình Dương để nâng tầm phát triển lên một nấc thang giá trị cao hơn. Tỉnh ủy Bình Dương vừa ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19-5-2022 về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định đẩy mạnh CĐS với các trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng; thay đổi cách sống, làm việc của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Năm 2021, Bình Dương xếp hạng 31/63 tỉnh, thành về kết quả chỉ số CĐS. Đặc biệt, trong tháng 4-2022, Bình Dương đã làm lễ ra mắt IOC. IOC sẽ kết nối nền tảng đô thị thông minh qua khối hỗ trợ, điều khiển hiển thị để lấy dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định và được vận hành liên tục 24/7.

Từ năm 2016, cùng với tiến trình xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC đã nỗ lực số hóa, CĐS, phát triển công nghiệp 4.0 dựa theo mô hình kinh doanh, phát triển công nghiệp, đô thị, chú trọng phát triển dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế cân bằng. Đến nay, 100% hoạt động tại tổng công ty và một số công ty thành viên đã được số hóa. Hiện tại, các dự án chiến lược của Becamex IDC đang được triển khai gồm CĐS công tác quản trị và vận hành doanh nghiệp; VNTT - Trung tâm Dữ liệu, an ninh mạng và dịch vụ công nghệ thông tin; Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) - kết nối đối tác, phát triển dịch vụ và lan tỏa CĐS; nguồn lưu trữ và cung cấp thông tin công trình với các hoạt động như mô hình hóa, phối hợp, trao đổi thông tin, sửa đổi thông tin...

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chiến thuật CĐS của Becamex IDC đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình ứng dụng công nghệ số vào quản trị. Thời gian qua, Becamex IDC đã áp dụng hệ thống văn phòng điện tử có thể tăng tốc độ xử lý một nhiệm vụ từ 5 - 7 lần và giảm chi phí hoạt động của một số lĩnh vực từ 50 - 70%. Quá trình dịch bệnh Covid-19 gây ra một rủi ro rất lớn cho các doanh nghiệp, nguy cơ gặp phải bẫy thu nhập trung bình cho Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng cũng cao.

“Chúng ta cần có những bước tiến và bước đầu tư mạnh mẽ để tạo ra những phương tiện sản xuất mới để hỗ trợ những nhà đầu tư trong tương lai. Đó là lý do chúng tôi thành lập trung tâm sản xuất thông minh và được kỳ vọng sẽ là một trung tâm hợp tác công tư, nghiên cứu phát triển để chuyển giao công nghệ”, ông Tuấn Anh nói.

CĐS thực sự đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng trải nghiệm cho người tiêu dùng; hỗ trợ vận hành sản xuất và canh tác bền vững; đem đến một môi trường làm việc an toàn, hiệu suất và có tính kết nối nhiều hơn cho nhân viên.

Ông Trần Hưng Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN VSIP II) cho biết: “Công ty TNHH Điện tử Foster chuyên sản xuất các linh kiện điện tử theo dây chuyền tự động. Hiện tại công ty đã thực hiện CĐS. Cụ thể, công ty đang sử dụng một số hệ thống nhà máy thông minh. Từ đầu vào đến đầu ra được quản lý bằng hệ thống. Thực hiện CĐS đã mang lại hiệu quả rất tốt. Khi công ty áp dụng đã giảm được nguồn nhân lực, giảm được rủi ro thất thoát hàng hóa, truy vết nhanh khi có sự cố xảy ra đối với sản phẩm”.

Xây dựng chính quyền điện tử

Sự lan tỏa của CĐS đã và đang thúc đẩy Bình Dương phát triển chính quyền số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các hệ thống dùng chung và các hệ thống thông tin chuyên ngành đã từng bước hiện thực hóa các thành phần trong kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương với trục kết nối dữ liệu nội tỉnh (LGSP) đóng vai trò kết nối đồng bộ dữ liệu giữa các thành phần trong nội bộ chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương và kết nối với các hệ thống Chính phủ điện tử của bộ, ngành, Trung ương. Cùng với đó là hệ thống một cửa, Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống đường dây nóng 1022.

Tỉnh cũng đã đầu tư 2 trung tâm dữ liệu, cung cấp dịch vụ hạ tầng phục vụ kịp thời việc triển khai các nền tảng và ứng dụng dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh. Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ của các cơ quan Nhà nước triển khai theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương phiên bản 2.0. Qua đó, 99% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận xử lý trên môi trường điện tử.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Việc hình thành thí điểm, đi vào hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) và Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy là một bước kế thừa các kết quả đã đạt được trong việc xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn vừa qua; đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình CĐS, xây dựng đô thị thông minh bền vững trên địa bàn tỉnh” .

Thành công trong bước đầu thực hiện CĐS ở Bình Dương đã và đang phát huy hiệu quả xã hội to lớn, khẳng định được quá trình tất yếu trong quá trình CĐS, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững và hiệu quả hơn. Kết quả này đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030 trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “IOC sẽ phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực để từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc”.
Ông Louis Zacharilla, nhà đồng sáng lập Tổ chức Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF): “Khi xây dựng cơ sở hạ tầng số là chúng ta đang bảo đảm lợi tức, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Công nghệ là công cụ và trí tuệ, ý chí của con người sẽ đưa đến sự thành công, mang đến sự phát triển; đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị”.

 

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên