Bình Dương đi sau về trước

Cập nhật: 02-01-2017 | 12:51:44

Sau 20 năm kể từ ngày tái lập, từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, bằng những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo tỉnh cùng sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trên đường phát triển

Thực hiện chủ trương xuyên suốt từ thời tỉnh Sông Bé, Bình Dương tiếp tục chọn phát triển công nghiệp là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quyết định mức tăng trưởng cao, có vai trò tác động trở lại cho phát triển dịch vụ và nông nghiệp và nâng cao đời sống của nhân dân. Bình Dương đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp; từ 7 khu công nghiệp với diện tích 1.603 ha vào năm 1997, hiện nay toàn tỉnh đã có 28 khu công nghiệp với diện tích 10.560 ha (diện tích cho thuê đạt trên 70%) và 10 cụm công nghiệp với diện tích 707 ha (diện tích cho thuê đạt khoảng 65%). 

Trong 20 năm qua, lĩnh vực dịch vụ - thương mại- xuất nhập khẩu của tỉnh cũng rất phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 1997-2015 tăng bình quân 20,9%%/năm. Năm 2016, con số này ước tăng 21%, ước đạt 143.319 tỷ đồng; tăng trên 47 lần so với năm 1997. Trong khi đó, mạng lưới cơ sở hạ tầng thương mại được đầu tư mở rộng, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại được đầu tư xây dựng đã tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của toàn tỉnh ước đạt 24,3 tỷ USD, gấp 67 lần so với năm 1997 (363,2 triệu USD). Tốc độ tăng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 1997- 2015 trung bình 26%/năm, ước tính năm 2016 là 16,4%. Những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn duy trì xuất siêu trong cán cân xuất nhập khẩu. Toàn tỉnh hiện có 1.231 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp vào 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sự tăng trưởng nhanh của hầu hết các ngành kinh tế đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh. Theo đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 1997- 2015 tăng 22,1%/năm, năm 2016 ước tính tăng 9%. Bình Dương đã sớm trở thành một trong những địa phương có mức thu ngân sách nằm trong Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng của cả nước và đóng góp cho ngân sách Trung ương. Năm 2016, tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 40.000 tỷ đồng, gấp 49 lần so với năm 1997 (817 tỷ đồng).

Từ thành công trong việc phát triển các khu công nghiệp, Bình Dương được Chính phủ xác định là một trong những địa phương hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để tiếp tục phát huy lợi thế, tạo lực đẩy cho sự phát triển của vùng, tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương, trong đó nền tảng là phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư và các dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 4.196 ha.

Một số thành tựu kinh tế vượt bậc của Bình Dương trong 20 năm.  Ảnh: VI TÍNH

Ngày 12-10-2004, Khu liên hợp Công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương được khởi công xây dựng. Qua hơn 10 năm triển khai xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện, thông tin liên lạc, cấp, thoát nước trong khu liên hợp đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh; 6 khu công nghiệp tập trung đã hình thành và đi vào hoạt động; khu dịch vụ cao cấp mang tầm cỡ quốc tế với diện tích 678 ha đã triển khai thực hiện một số dự án. Nằm giữa khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị là dự án Thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha, được khởi công xây dựng vào năm 2010 theo định hướng xây dựng một khu đô thị văn minh, hiện đại.

Việc phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp tập trung, nhất là xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị đã thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ; tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24,6%/ năm, trong đó tăng cao nhất là giai đoạn 2001-2005 với 35,6%/năm. Ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.

Nâng tầm cao mới

Nhờ đòn bẩy công nghiệp khá vững chắc, kinh tế toàn tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP. Năm 2016, cơ cấu kinh tế của tỉnh tính theo GRDP công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 63% - 23,5% - 4,3% - 9,2%. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tiếp tục tăng nhanh. Năm 2016, GRDP bình quân đầu người ước đạt 108,6 triệu đồng, tăng gấp 18,7 lần so với năm 1997 (5,8 triệu đồng).

Thực hiện chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư”, công tác thu hút đầu tư với cơ chế thông thoáng đã tạo nguồn vốn cho Bình Dương phát triển. Qua 20 năm, hàng ngàn nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào Bình Dương. Tính đến hết tháng 10-2016, toàn tỉnh đã thu hút được 24.976 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 186.000 tỷ đồng (tăng gấp 34 lần về số dự án, 21 lần về số vốn so năm 1997) và 2.808 dự án đầu tư có vốn nước ngoài với số vốn đăng ký là 25,5 tỷ USD (tăng gấp 25 lần về số dự án và 26 lần về số vốn so năm 1997).

Phát huy những thành tựu đã đạt được, trong giai đoạn mới Bình Dương tiếp tục đề ra nhiều mục tiêu quan trọng để tỉnh phát triển bền vững, đạt được nhiều thành tựu quan trọng mới. Mục tiêu tổng quát phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2020 trên lĩnh vực kinh tế đã được Đảng bộ tỉnh xác định là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, Bình Dương cũng phấn đấu trở thành đô thị loại I, với mục tiêu nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho người dân; tiến tới đô thị văn minh, giàu đẹp.

Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, để thực hiện hiệu quả mục tiêu nêu trên, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng quy mô nền kinh tế; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp; tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ chất lượng cao. Tỉnh cũng chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, tăng cường bảo vệ tài nguyên và môi trường; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển; cùng với đó đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tập thể…

Có thể nói, sau 20 năm kiên trì phát triển, Bình Dương hôm nay đã là một trong những trung tâm phát triển năng động, là đầu mối quan trọng gắn kết các tỉnh, thành của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương sau 20 năm đã vươn vai trở thành một trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại và cũng đang khởi động lộ trình hướng đến đô thị thông minh trong tương lai. Bình Dương tiếp tục từng ngày, từng giờ có những đổi thay vượt bậc để trở thành một nơi đáng sống, đáng làm việc và đáng đầu tư.

KHÁNH VINH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1446
Quay lên trên