Bình Dương là điểm sáng của cả nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo khi trở thành địa phương duy nhất của cả nước không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn chung toàn quốc. Giai đoạn 2016-2020, Bình Dương tiếp tục nâng tiêu chí hộ nghèo với chuẩn nghèo mới cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương 1,7 lần và là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn mới gắn với hình thức tiếp cận đa chiều.
Không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn toàn quốc
Nhìn lại giai đoạn 2011- 2015, Bình Dương có trên 11.000 hộ thoát nghèo là một nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Điều đáng quan tâm là có đến 31 xã, phường, thị trấn và 4 huyện, thị xã trong toàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1% trở lên. Có thể khẳng định, Bình Dương đã cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh và đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2014-2015.
Có thể nói, xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều chính sách, giải pháp được triển khai thực hiện có hiệu quả như tín dụng, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ y tế, giáo dục, dạy nghề và giới thiệu việc làm… Giai đoạn 2014-2015, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã giải ngân 621 tỷ đồng cho 40.125 lượt hộ vay để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tích cực vận động, huy động các nguồn vốn cho hội viên vay vốn làm ăn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đối với hộ nghèo khó khăn về nhà ở, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và sửa chữa gần 500 căn nhà đại đoàn kết với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng; xây dựng và trao tặng 297 căn nhà tình thương, nhà chữ thập đỏ với số tiền gần 6 tỷ đồng, qua đó tạo điều kiện cho hộ nghèo an cư, lạc nghiệp.
Bình Dương - điểm sáng của cả nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Trong ảnh: Tổ hợp tác Trồng rau an toàn xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên hoạt động hiệu quả giúp hội viên thoát nghèo bền vững. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đã tích cực thực hiện các chính sách khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Riêng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đã hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền 487 triệu đồng để thực hiện mô hình thâm canh cây tiêu, nuôi bò sinh sản, nuôi gà thả vườn; tổ chức các lớp đào tạo nghề trồng và nhân giống nấm, tạo dáng, chăm sóc cây cảnh, trồng hoa lan. Ngành cũng tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ nhà nông để định hướng người dân đầu tư áp dụng kỹ thuật cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm…
Gia đình anh Nguyễn Tấn Thành, ở xã An Tây, TX.Bến Cát, một trong những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức của ngân hàng, Hội Nông dân các cấp chia sẻ, trước đây, cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn, không có vốn làm ăn. Nhờ sự hỗ trợ của các ngành và địa phương cho vay vốn, tạo điều kiện cho gia đình tham quan học hỏi các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả; đồng thời với nguồn vốn vay và kỹ thuật được hỗ trợ, gia đình anh đã đầu tư vào chăn nuôi bò. Hiện gia đình anh đang nuôi 10 con bò cái sinh sản và 3 bò đực. Nhờ gia đình anh biết tận dụng quỹ đất vườn, cộng với nguồn phụ phẩm nông nghiệp và cỏ nên nguồn thức ăn cho bò được bảo đảm. Anh Thành cho hay, mỗi bò cái sinh sản nếu chọn giống tốt và chăm sóc đầy đủ thì mỗi năm sẽ cho ra một bê con. Như vậy, nuôi từ 10 bò cái sinh sản thì mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi từ 150 - 170 triệu trồng. Nhờ đó, gia đình anh có điều kiện trang trải cuộc sống. Không những thế, nguồn phân bò còn được anh tận dụng để bón cho các loại cây trồng khác nên cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao và thu nhập ổn định.
Còn anh Đỗ Cẩm Tú, thành viên Tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên cho biết, những năm trước, gia đình anh thuộc hộ nghèo, lại không có đất để sản xuất. Từ khi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách cùng sự giới thiệu của Hội Nông dân xã, anh đã tham gia vào tổ hợp tác. Tham gia tổ hợp tác, anh được các thành viên giúp đỡ tạo điều kiện để thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình. Hiện nay, bình quân trên diện tích 1 ha đất sản xuất chuyên canh tác các loại rau ăn quả, khổ qua, dưa leo, bầu, bí… đã mang lại cho gia đình anh thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Tiếp tục nâng chuẩn nghèo
Kết quả giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 là tiền đề vững chắc để Bình Dương tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 gắn với hình thức tiếp cận đa chiều. Chuẩn nghèo giai đoạn mới được tỉnh điều chỉnh lên mức mức thu nhập 1,2 triệu đồng/ người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/ tháng ở khu vực thành thị. Theo đó, tỉnh nhà sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, bền vững, tạo điều kiện để hộ nghèo, người nghèo tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản và hỗ trợ để hộ nghèo vươn lên khá giả.
Bên cạnh đó, tùy theo khả năng cân đối ngân sách địa phương, hàng năm tỉnh sẽ xem xét, bố trí vốn ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn để thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vay vốn tín dụng làm ăn, vốn tín dụng học sinh, sinh viên… Cùng với đó, hộ nghèo trong tỉnh được ngành chức năng tập huấn về khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để sản xuất. Các ngành chức năng của tỉnh cũng sẽ tích cực vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng cho người dân quyết tâm tự lực vươn lên, góp phần thoát nghèo bền vững.
Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong công tác giảm nghèo giai đoạn mới, Bình Dương áp dụng chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, cùng với việc áp dụng chuẩn nghèo mới theo hình thức tiếp cận đa chiều, tỉnh còn thực hiện chính sách bảo lưu đối với hộ mới thoát nghèo. Đây là cơ sở để Bình Dương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 1% theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X đã đề ra.
Giai đoạn 2011-2015, Bình Dương có 2 lần điều chỉnh tiêu chí hộ nghèo vượt mức của cả nước. Trong giai đoạn 2011- 2013, toàn tỉnh giảm hơn 9.000 hộ nghèo; giai đoạn 2014-2015 chuẩn nghèo của tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Theo đó, chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 1 triệu đồng/ người/tháng và khu vực thành thị là 1,1 triệu đồng/người/ tháng. Nhờ làm tốt công tác giảm nghèo nên đầu năm 2014 toàn tỉnh có 3.197 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,22%. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn trên 1.800 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,64%.
QUỲNH NHIÊN