Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 ở Bình Dương đã chuẩn bị kết thúc; chuẩn nghèo của tỉnh áp dụng cho giai đoạn này đã được nâng lên và 2 lần điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển ở Bình Dương và cao gấp 3 lần chuẩn nghèo Trung ương. Theo dự kiến đến cuối năm nay Bình Dương đã thực hiện cơ bản hoàn thành mục tiêu XĐGN theo chuẩn mới của tỉnh và hiện đang xây dựng chuẩn nghèo mới để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2010-2015.
Báo Bình Dương cùng bà Nguyễn Thị Xuyến (bìa trái) chủ doanh nghiệp tư nhân cao su Thành Đạt (tài trợ) trao tiền và quà cho hộ nghèo nhân dịp Tết 2010
Những con số ấn tượngNhìn lại chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2008, hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 500.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 400.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn. Theo chuẩn nghèo này đến cuối năm 2008, toàn tỉnh còn lại 1.975 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,99%. Giai đoạn 2009-2010, Bình Dương tiếp tục nâng tiêu chí hộ nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 780.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 400.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn. Theo chuẩn này đến cuối năm 2009, toàn tỉnh còn lại 7.417 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,45%. Trong năm 2010, Bình Dương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% theo chuẩn nghèo của tỉnh và hoàn thành kế hoạch đề ra theo chuẩn mới của tỉnh giai đoạn 2009-2010.
Như vậy chuẩn nghèo của tỉnh áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 cao gấp 3 lần chuẩn nghèo quốc gia (từ 260.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực thành thị và từ 200.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực nông thôn) và đã cơ bản hoàn thành mục tiêu XĐGN của tỉnh giai đoạn 2006-2010 theo Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần VIII đề ra.
Những giải pháp thực hiện hiệu quả
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN giai đoạn 2006-2010, Bình Dương đã vượt kế hoạch và kết thúc trước 2 năm. Đến cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Dương còn dưới 1% và là một trong những tỉnh, thành điển hình cả nước thực hiện tốt công tác XĐGN. Đầu năm 2009, Bình Dương tiếp tục tổng điều tra và nâng chuẩn hộ nghèo. Qua 1 năm phấn đấu thực hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3%. Một số huyện như Dĩ An, Tân Uyên là nơi phát triển công nghiệp nên XĐGN rất cơ bản, số hộ nghèo ở những địa phương này dự kiến đến cuối năm 2010 còn dưới 1%. Qua ghi nhận của chúng tôi, công tác XĐGN - VL thực hiện bằng nhiều giải pháp được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, các hoạt động của chương trình đã chú trọng hướng hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao trình độ dân trí để bảo đảm tính hiệu quả của chương trình. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Thành Sơn: Mỗi năm sẽ giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo
Dự báo chuẩn nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015 (1,5 triệu - 1,1 triệu đồng) thì toàn tỉnh ước có khoảng 23.000 hộ nghèo, trong đó ước tính có cả tỷ lệ dao động là 1,082 lần, chiếm tỷ lệ 10,71% (tính trên tổng số hộ dân đến cuối năm 2009 là 241.686 hộ); thì dự báo theo chuẩn này Bình Dương có 7.443 hộ nghèo ở khu vực thành thị và 15.559 hộ nghèo ở khu vực nông thôn và có khoảng 16.000 hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Với nhiệm vụ tập trung huy động mọi nguồn lực phục vụ đầu tư, phát triển ổn định sản xuất và đời sống nhân dân; Bình Dương tiếp tục thực hiện triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp cấp bách chống suy giảm kinh tế của Chính phủ, tạo tiền đề tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo của tỉnh là áp dụng và tăng cường tập trung các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Dự kiến mỗi năm Bình Dương sẽ giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Dương sẽ còn dưới 1%. Trong 10 chính sách tạo bước đột phá trong chương trình XĐGN ở Bình Dương thì có thể kể một số chính sách thực hiện hiệu quả như: Cấp kinh phí hàng tỷ đồng để đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ. Ban chủ nhiệm XĐGN đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đi sâu sát với từng hộ nghèo để kịp thời có giải pháp giúp đối tượng thoát nghèo. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các đoàn thể đã phát huy được tác dụng. Đến nay đã có hơn 26.000 hộ có dư nợ trong ngân hàng, gồm những đối tượng hộ nghèo, học sinh, sinh viên được vay với lãi suất ưu đãi. Một số chính sách an sinh xã hội như: Cấp thẻ BHYT cho 100% hộ nghèo, hỗ trợ 50% hộ cận nghèo mua thẻ BHYT, hơn 8.000 học sinh, sinh viên được xét vay nguồn vốn ưu đãi. Đặc biệt, chính sách cứu trợ thường xuyên tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng yếu thế, trong đó đã có nhiều người hưởng chính sách này mà thoát nghèo. “An cư lạc nghiệp” là một trong những thế mạnh mà Bình Dương đã thực hiện để giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo. Đây được xem là một trong những chính sách “đặc trưng” của Bình Dương không dùng kinh phí Nhà nước mà chỉ sử dụng kinh phí từ quỹ vì người nghèo ở các cấp để xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.Đi đôi với sự hỗ trợ của Nhà nước thì công tác XĐGN ở Bình Dương đã được xã hội hóa bằng nhiều hình thức phong phú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những hộ nghèo khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Song song đó, để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người nghèo nhằm thực hiện việc lắng nghe và tìm các giải pháp đồng bộ giúp người nghèo tiếp cận với các phương thức làm ăn, vay vốn kinh doanh, buôn bán. Bước vào giai đoạn mới (2006-2010), ngay từ những ngày đầu năm 2006, Ban chủ nhiệm XĐGN đã tổ chức nhiều lượt đối thoại trực tiếp với hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Qua những lần đối thoại, Ban chủ nhiệm XĐGN lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của người dân; qua đó các sở, ngành tìm ra những giải pháp thiết thực để giúp cho hộ nghèo, xã nghèo có nhiều cơ hội, điều kiện phấn đấu thoát nghèo bền vững. Đây cũng là một cách làm mới của Ban chủ nhiệm XĐGN tỉnh và được người dân đồng tình.
VĂN SƠN