Bình Dương, hành trình phát triển và thành tựu hôm nay - Kỳ 3

Thứ hai, ngày 21/06/2021

(BDO) Kỳ 3: Sức bật thương mại - dịch vụ

Bằng sự sáng tạo, đổi mới với những chính sách, giải pháp phù hợp, cùng với công nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) của tỉnh có những chuyển biến tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho định hướng lâu dài.

 Cơ sở hạ tầng dịch vụ phát triển, thuận lợi lưu thông hàng hóa. Trong ảnh: Hoạt động bốc xếp hàng tại Cảng An Sơn, TP.Thuận An

 Bước chuyển mạnh mẽ

Với định hướng phát triển bền vững, Bình Dương không chỉ ưu tiên thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến mà còn tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển TM-DV chất lượng cao… Giai đoạn 2016-2020, các ngành dịch vụ chất lượng cao được hình thành và hoạt động hiệu quả, tích cực hỗ trợ phát triển công nghiệp, phát triển đô thị của tỉnh. Bên cạnh đó, với sự tập trung nguồn lực đầu tư hợp lý, các công trình hạ tầng kỹ thuật cốt lõi đã phát huy tác dụng lan tỏa, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư ở những lĩnh vực mới trong phát triển công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao. Sự nhất quán về phương pháp đổi mới trong thu hút đầu tư, cùng với lợi thế về hạ tầng hiện đại, cơ bản hoàn chỉnh, Bình Dương đã và đang trở thành nơi hội tụ của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới.

Trong 5 năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 17,95%/ năm, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 15,81%/năm. Hệ thống hạ tầng TM-DV được đầu tư, nâng cấp; phát triển nhiều loại hình phân phối với sự tham gia của các thương hiệu lớn trong và ngoài nước. Xuất khẩu tăng bình quân 9,31%/năm, thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực TM-DV cao không chỉ tạo diện mạo mới cho tỉnh mà còn là điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan trọng nhất, các hoạt động thương mại quốc tế ngày càng được tỉnh chú trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giao thương. Với việc ra đời Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) giúp Bình Dương trở thành trung tâm dịch vụ tích hợp thương mại toàn cầu, thu hút đối tác, các nhà đầu tư, nhân lực trí thức, tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái thương mại quốc tế, kết nối giao thương toàn vùng… Đặc biệt, WTC BDNC sẽ là động lực quan trọng để tạo đà cho Bình Dương phát triển thương mại điện tử, một xu thế ngày càng bùng nổ.

Hiện nay, ba thành phố trực thuộc tỉnh là Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An đang có rất nhiều tiềm năng phát triển đột phá về TM-DV chất lượng cao, trong đó thành phố mới sẽ tiếp tục vai trò hạt nhân, WTC BDNC hình thành sẽ là điểm sáng. Từ thành phố mới dọc theo trục đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng nối liền lên phía bắc là Khu Công nghiệp khoa học - công nghệ, dự án chủ chốt trong tương lai để tạo đà bứt phá sản xuất công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối viện, trường, tiếp tục tạo động lực lớn để TM-DV chất lượng cao phát triển mạnh mẽ.

Tích hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị

Theo đánh giá của chuyên gia, Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng nể trong việc tạo ra điểm nhấn phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Từ đó, tạo ra những đột phá mới, trở thành một trong những địa phương phát triển năng động, bền vững. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới, Bình Dương đã sớm đầu tư xây dựng Dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị (gọi tắt là khu liên hợp). Đây là một điểm nhấn tạo sự bứt phá trong phát triển đô thị, ổn định xã hội. Đây chính là mô hình mà theo chuyên gia kinh tế, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên là một “điểm sáng nổi bật” trong những ngày đầu mà các địa phương khác còn bỡ ngỡ về mô hình phát triển.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng chính Bình Dương biết xác định chính xác các đột phá chiến lược trong cả nhiệm kỳ và trong từng thời kỳ. Phát triển hạ tầng là trọng tâm, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Song song đó, chú trọng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở một cách bài bản, khoa học, hiện đại và điều hành tuân thủ theo đúng quy hoạch đề ra.

Trong quy hoạch phát triển, Bình Dương hướng đến tạo ra giá trị gia tăng mới, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng. Trước mắt là việc đẩy nhanh kết nối các vành đai 3, 4, tuyến đường huyết mạch nối liên vùng như Chơn Thành - Thủ Dầu Một - TP.Hồ Chí Minh, cảng biển, sân bay quốc tế... từ đó lan tỏa trong vùng và cả khu vực xung quanh. (Còn tiếp)

Ông Lê Thành Tài, Chủ tịch UBND TP.Dĩ An: Trên cơ sở nhất quán mục tiêu xây dựng Dĩ An trở thành một trong những trung tâm TM-DV chất lượng cao của khu vực, thời gian qua chính quyền các cấp tại TP.Dĩ An đã có nhiều nỗ lực thực hiện đạt những kết quả quan trọng trên lĩnh vực TM-DV chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp - đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Thành phố luôn tận dụng tiềm năng và thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực để tạo nguồn lực dồi dào phục vụ xây dựng và phát triển TM-DV và đô thị, với trọng tâm là phát triển phong phú, đa dạng các ngành, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao như tài chính - ngân hàng, điện tử, bảo hiểm, vận tải, giáo dục, y tế, bưu chính viễn thông, logistics…

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An: Sau một chặng đường phát triển, TP.Thuận An đã khẳng định được tầm vóc của một đô thị có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa, dịch vụ… Với sự phát triển mạnh mẽ công nghiệp trong thời gian qua, TP.Thuận An đang “rẽ lối” để phát triển thành đô thị dịch vụ của tỉnh; là đầu mối giao thông đường bộ và một phần đường thủy của khu vực phía Nam, là trung tâm thương mại - tài chính, dịch vụ cao cấp mang tầm khu vực.

Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan: Sự phát triển năng động của Bình Dương thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan hết sức quan tâm. Qua đó, cho thấy sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và sự hỗ trợ của các sở, ngành đã góp phần đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, Bình Dương khá thuận lợi về khí hậu, vùng đất nằm giữa hai con sông lớn nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển logistics, cùng các ngành dịch vụ chất lượng cao.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Trần Du Lịch: Bình Dương cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thu hút TM-DV chất lượng cao để định hướng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là khu vực dịch vụ chất lượng cao cho toàn vùng Đông Nam bộ. Nhằm hiện hóa mục tiêu trên, Bình Dương cần tập trung quy hoạch bổ sung tổng thể đô thị theo định hướng hiện đại, tiện ích với tuyến Metro kết nối với TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, thu hút mạnh về thương mại, công nghệ thông tin. Song song đó, Bình Dương cũng cần tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng.

 TIỂU MY