Bình Dương hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản

Cập nhật: 16-04-2010 | 00:00:00

Trong những năm qua, môi trường đầu tư thuận lợi cùng với hạ tầng công nghiệp hoàn chỉnh, Bình Dương ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư đến từ Nhật Bản. Nét mới trong thu hút đầu tư Nhật Bản gần đây là có thêm nhiều dự án lớn và thiên về công nghệ cao. Hơn nữa, ngoài việc góp phần phát triển công nghiệp tỉnh nhà với thành ý đầu tư bền vững, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến chính sách, chế độ đãi ngộ người lao động (NLĐ)...

Sản xuất linh kiện phục vụ cho các nhà sản xuất thiết bị y khoa điện tử tại Công ty TNHH Key Plastics Việt Nam (KCN VSIP II)Tăng nhanh về lượng, vượt về chất

Theo UBND tỉnh, tính đến nay đã có gần 150 dự án của Nhật Bản đầu tư vào Bình Dương với tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ USD. Trong quá trình đầu tư vào Bình Dương, không chỉ tăng nhanh về số lượng, các dự án đầu tư của Nhật Bản ngày càng lớn và sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sức cạnh tranh khá. Cụ thể như nhà máy sản xuất máy cày, máy gặt đập liên hợp tại KCN Mỹ Phước 3 của Công ty TNHH Kubota Việt Nam. Nhà máy có công suất đạt 5.000 máy cày và 1.000 máy gặt đập liên hợp/năm trong giai đoạn I này đã đi vào hoạt động có ý nghĩa rất tích cực, góp phần mang lại lợi ích cho người nông dân, đẩy mạnh cơ giới hóa cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Một dự án lớn nữa là nhà máy sản xuất nước giải khát hoa quả đóng chai và đóng hộp Kirin Acecook tại KCN Mỹ Phước 2 với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD. Đây là nhà máy đầu tiên áp dụng công nghệ chiết rót vô trùng Aseptic vào lĩnh vực sản xuất nước giải khát tại Việt Nam với các thiết bị sản xuất tiên tiến và hiện đại. Quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ theo quy trình kiểm tra chất lượng của Nhật Bản. Bên cạnh đó còn có nhà máy sản xuất dây chuyền phục vụ công nghiệp chế biến tại KCN Mỹ Phước 3 của Công ty TNHH Iwai Plant Tech Việt Nam với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD. Nhà máy này được đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại nhằm cung cấp cho thị trường Việt Nam các loại dây chuyền sản xuất chất lượng cao.

Mới đây nhất còn có nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa chính xác, phụ kiện máy đo huyết áp và hộp đựng mỹ phẩm của Công ty TNHH Key Plastics Việt Nam tại VSIP II. Nhà máy được đầu tư máy móc và công nghệ rất hiện đại nhằm phục vụ cho các nhà sản xuất thiết bị y khoa điện tử và các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới. Lĩnh vực mà Key Plastics Việt Nam sản xuất là ngành nghề đang được tỉnh quan tâm và kêu gọi đầu tư...

Những đánh giá của nhà đầu tư Nhật Bản

“Đất lành chim đậu” là lẽ tất nhiên. Con số gần 150 dự án với vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD đã cho thấy, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản khá hài lòng với môi trường đầu tư và đang xem Bình Dương là một điểm đến hấp dẫn. Nói về môi trường đầu tư ở Bình Dương, ông Makabe Hirotaka, Tổng Giám đốc Công ty A&M Industry Việt Nam, DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gỗ tại Khu công nghiệp (KCN) Đồng An đã từng nhận xét: “Về môi trường đầu tư, qua thực tế tôi thấy địa phương đã và đang xây dựng nhiều KCN và có nhiều khu đã lấp đầy diện tích. Điều này có thể khẳng định là sức thu hút đầu tư của Bình Dương rất lớn”.

Còn ông Shinji Fuchigami, Giám đốc Công ty TNHH Hotta Việt Nam, trong buổi khánh thành đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tại KCN Bàu Bàng vào năm 2009 cũng cho biết: “Bình Dương có hạ tầng công nghiệp tốt, các KCN kết nối hoàn chỉnh rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Vì thế sau thời gian khảo sát, chúng tôi chọn Bình Dương để đầu tư, thời gian tới Công ty TNHH Hotta Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư thêm 2 đến 3 nhà máy nữa để tăng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng cho nhu cầu của thị trường”.

Đối với Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất găng tay gia dụng và găng tay công nghiệp với công suất 2,2 triệu đôi găng tay/năm, tuy đã đi vào hoạt động ổn định nhưng khi nhận xét về Bình Dương, Tổng Giám đốc Morita đã đánh giá cao sự quan tâm và tạo nhiều thuận lợi của tỉnh trong quá trình công ty đầu tư nhà máy sản xuất tại KCN Việt Nam - Singapore. Vì vậy công ty tiếp tục chọn Bình Dương chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 để tăng năng lực sản xuất. Trong lần khánh thành đưa nhà máy vào hoạt động tại KCN Mỹ Phước 2 trong năm qua, dưới góc nhìn của nhà đầu tư đại diện Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Acecook Việt Nam đúc kết: “Vị trí thuận lợi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, Bình Dương là nơi thuận lợi để DN đầu tư hiệu quả”.

Nhà máy sản xuất máy cày, máy gặt đập liên hợp Kubota tại KCN Mỹ Phước 3DN Nhật Bản quan tâm NLĐ

Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm thiên về công nghệ cao và có sức cạnh tranh, có thể nói nhiều DN Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương rất chú trọng đến NLĐ. Nổi bật như Công ty Yazaki Eds Việt Nam, ngoài các chế độ cho NLĐ, công ty còn có nhà ở công nhân, chú trọng phổ cập nâng cao trình độ cho NLĐ. Hay như Công ty Acecook Việt Nam đã có chính sách đãi ngộ tương xứng với NLĐ; chỉ tính riêng việc xây nhà ở công nhân, công ty đã đầu tư cho NLĐ với tiêu chuẩn gần cả trăm triệu đồng cho một công nhân. Nói như ông Makabe Hirotaka, Tổng Giám đốc Công ty A&M Industry Việt Nam: “Là công ty của Nhật Bản, chúng tôi xem công nhân như những thành viên trong gia đình. Vì thế, bằng mọi giá chúng tôi phải tìm kiếm công ăn việc làm, kể cả thời điểm khó khăn. Đầu năm 2009 nền kinh tế thế giới gặp khó khăn nhưng công ty chúng tôi vẫn không phải thu hẹp sản xuất mà còn phải tuyển dụng thêm lao động. Đối với công nhân ở Bình Dương, ngoài lương cơ bản theo quy định của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi còn có các khoản phụ cấp khác như tiền xăng (người đi xe đạp cũng có tiền phụ cấp này, mức tiền tùy thuộc vào quãng đường xa hay gần), tiền ăn trưa...”.

Ông Mori Yoshihisa, Hội trưởng chi nhánh 3 ngành công nghiệp trực thuộc Hội Công Thương Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, dù tình hình kinh doanh có khó khăn, nhưng Chi hội DN Nhật Bản tại Bình Dương nói riêng, Hiệp hội DN Nhật Bản ở Việt Nam nói chung vẫn luôn động viên các DN giữ lao động, cố gắng duy trì sản xuất bằng nhiều biện pháp như giảm giờ làm 3 ca thành 2 hoặc 1 ca và thực hiện chính sách tiết kiệm. Việc giảm lao động, nhất là trong ngành dệt may - điện tử là có xảy ra, nhưng những lao động này đều được giải quyết chế độ nghỉ việc theo đúng Luật Lao động của nước Việt Nam, không có tình trạng sa thải hàng loạt lao động trong các DN Nhật Bản.

Rõ ràng với môi trường đầu tư thuận lợi, Bình Dương ngày càng trở nên hấp dẫn và là nơi chọn lựa của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Sự đầu tư của DN Nhật Bản đã tạo được nhiều thành tựu đáng kể và góp phần quan trọng cho bức tranh công nghiệp tỉnh nhà thêm khởi sắc. Đây là kết quả tốt đẹp và tất yếu của sự hợp tác và đầu tư để phát triển bền vững cho Bình Dương, điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

T.BÌNH - T.ĐỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên