Bình Dương được đánh giá cao trong việc chủ động kết nối quốc tế, kết nối hạ tầng giao thông, kết nối phát triển liên vùng. Trong đó, việc phát triển kết nối hệ thống đô thị, logistics đồng bộ, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng đã tạo lập không gian phát triển mới cho tỉnh.
Bình Dương đang hướng tới phát triển hệ sinh thái logistics xanh, bền vững. Trong ảnh: Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Cảng tổng hợp Bình Dương. Ảnh: NGỌC THANH
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết Bình Dương đang hướng tới phát triển hệ sinh thái logistics xanh, bền vững, trước hết là liên kết hợp tác phát triển vùng. Cụ thể, trong thời gian tới Bình Dương sẽ phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia, của vùng Đông Nam bộ và các địa phương lân cận mở rộng các kết nối về giao thông, đặc biệt là kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước); kết nối về khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới, kết nối về không gian phát triển, hợp tác phát triển các hành lang đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Bình Dương cũng chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế để tăng cường vị thế, tham gia chuỗi sản xuất, dịch vụ toàn cầu, đưa Bình Dương trở thành điểm đến ưa chuộng của doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp.
Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển không gian đô thị Bình Dương gắn với vùng đô thị trung tâm TP.Hồ Chí Minh theo mô hình vùng đô thị với khung cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Khu vực phía nam của tỉnh gồm khu vực TP.Dĩ An, TP.Thuận An chuyển đổi thành các trung tâm dịch vụ của vùng về thương mại và dịch vụ logistics. Khu vực TP.Thủ Dầu Một phát triển hoàn thiện thành trung tâm dịch vụ hỗ trợ và đổi mới sáng tạo. Khu vực TP.Bến Cát, TP.Tân Uyên phát triển hoàn thiện mô hình đô thị công nghiệp - dịch vụ hiện đại. Khu vực phía bắc gồm các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên phát triển theo mô hình đô thị công nghiệp sinh thái có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn nhà đầu tư, thu hút nguồn lực lao động, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.
Bình Dương cũng đang nỗ lực phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ khu vực phía nam; đồng thời phát triển các trung tâm nguyên phụ liệu sản xuất gắn với các khu, cụm công nghiệp thế hệ mới, qua đó thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng. Đây là giải pháp góp phần hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại, cùng với chuyển đổi số rộng rãi trong sản xuất và điều hành...
TIỂU MY