Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Dương tập trung xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị bền vững theo hướng thông minh, văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến đường xương sống, tạo kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu trên, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị bền vững theo hướng thông minh. Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng với khát vọng vươn lên thể hiện qua những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, tỉnh rất kỳ vọng vào sự phát triển lên tầm cao mới.
KỲ VỌNG VÀO ĐÔ THỊ THÔNG MINH Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vừa vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021. Kết quả này là minh chứng cho sự kiên định của Bình Dương trong 25 năm xây dựng, phát triển. Đồng chí Trần Văn Nam mong muốn, 5 năm tới Bình Dương vẫn đạt top 7 hoặc dao động trong khoảng top 21. Tỉnh cần tạo đà, nỗ lực trong thực hiện phát triển thành phố thông minh... |
Cụ thể, tỉnh sẽ xây dựng đô thị theo hướng đô thị xanh, bền vững, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường; tập trung đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư; chú trọng bảo đảm kết nối và hỗ trợ phát triển giữa hệ thống đô thị trung tâm với hệ thống đô thị vệ tinh; huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ; hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các công trình mang tính động lực, bảo đảm kết nối thông suốt trong tỉnh và giữa Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng triển khai hệ thống giao thông liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực mới để phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian tới. Đó là các dự án như cải tạo mở rộng Quốc lộ 13, hoàn thành đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, các cầu kết nối với tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường Hồ Chí Minh...
Đồng chí Trần Văn Nam chia sẻ, năm 2021, Bình Dương tập trung thực hiện đột phá về hạ tầng và cải cách hành chính. Do đó, tỉnh đã tập trung đến đầu tư xây dựng các tuyến đường trục chính, đường cao tốc như đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước. Trong nhiệm kỳ này, nếu tỉnh hoàn thành mục tiêu thì cuối nhiệm kỳ Bình Dương sẽ có một hệ thống giao đường bộ đồng bộ, kết nối. Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy và bắt tay vào xây dựng hệ thống đường sắt, bảo đảm có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại.
Để người dân được hưởng thụ
Đây cũng là mục đích mà tỉnh luôn xác định rõ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Làm sao để mọi người dân được thụ hưởng một cách thực chất từ những thành quả phát triển là mệnh đề luôn được đặt ra để giải quyết. Theo đó, trong giai đoạn mới, nhằm bảo bảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tỉnh phấn đấu duy trì 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% người có công với cách mạng được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, được khám sức khỏe định kỳ, phát hiện các vấn đề sức khỏe; thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xem xét cân đối ngân sách để xây dựng phân bổ nguồn lực tương xứng; duy trì đạt 100% hộ nghèo, cận nghèo được hưởng thụ đầy đủ các chính sách giảm nghèo, được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Các đối tượng yếu thế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm lo và được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội theo quy định. Tỉnh cũng tạo điều kiện để người lao động tiếp cận sở hữu các loại hình nhà ở để an cư lập nghiệp; đồng thời nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, chăm lo đời sống cho công nhân lao động .
Chia sẻ về vấn đề trên, đồng chí Trần Văn Nam cho biết trong nhiệm kỳ này, tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội; trong đó rà soát kỹ lại các tiêu chí hộ nghèo; xác định kỹ lại hộ nghèo là những người được hưởng các phúc lợi hay chưa; xem lại các mô hình hỗ trợ của MTTQ, đoàn thể... Tất cả đều phải được đánh giá lại làm sao cho đúng thực chất để chăm lo căn cơ hơn...
“Trước đây Bình Dương chú trọng xây dựng nhà ở xã hội, trong nhiệm kỳ này, ngoài nhà ở xã hội cần chú trọng đến nhà trọ để chúng ta không còn có câu chuyện ở trọ là nhếch nhác. Cần khảo sát thực tế về nhà trọ, chuẩn hóa quy cách và nhà trọ cũng phải tính trên tỷ lệ xây dựng; phải có khu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải có ít nhất một hồ bơi; cơ sở vật chất, điều kiện công tác, sinh hoạt cho lực lượng vũ trang phải bài bản, bảo đảm...”.
Mục đích cuối cùng của sự phát triển là để người dân được thụ hưởng; doanh nghiệp phải có những điều kiện phát triển xứng tầm với những đóng góp vào sự phát triển của Bình Dương. “Trong nhiệm kỳ này, nếu chúng ta phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Bình Dương sẽ phát triển lên tầm cao mới; đồng thời tạo động lực phát triển cho nhiệm kỳ tới”, đồng chí Trần Văn Nam kỳ vọng.
PHƯƠNG AN