Bình Dương không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội

Cập nhật: 23-06-2022 | 08:13:33

Sáng 22-6, Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học phục vụ Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, từ thực tiễn tỉnh Bình Dương. GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng chủ trì buổi tọa đàm.

Điển hình công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Báo cáo tại buổi tọa đàm, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế và đô thị. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh. Kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục.

GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại tọa đàm

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Bình Dương cũng là điểm đến của các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, là trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam, là số ít các địa phương có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất “tỷ đô”. Đặc biệt, Bình Dương có các DN rất thành công ở cả ba loại hình (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI). Mới đây, Tập đoàn Lego đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại nhất thế giới với công nghệ trung hòa các bon đầu tiên với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đô la ở Bình Dương cho thấy Bình Dương là một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp thế giới.

Trao đổi về kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển công nghiệp tại Bình Dương, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, chia sẻ để phát triển công nghiệp và các khu công nghiệp ở vị trí xa TP.Hồ Chí Minh hơn, Bình Dương cần tìm kiếm một mô hình mới tổng thể và toàn diện hơn, giúp không chỉ phát triển công nghiệp đơn lẻ, mà đồng thời phải phát triển được hệ thống dịch vụ, đô thị… nhằm tạo ra một môi trường đáng sống cho nhà đầu tư, người lao động và cả những người dân xung quanh. Do đó, trong phát triển kinh tế và đô thị, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa. Từ lợi thế về hạ tầng phát triển công nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều dự án công nghiệp và đô thị; điển hình là Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị, trong đó Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương được quy hoạch và đầu tư theo hướng đạt trình độ đẳng cấp quốc tế và trình độ phát triển theo tiêu chí đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao, cũng là hạt nhân kết nối với nhiều tuyến giao thông quan trọng của tỉnh và cả nước.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong thời đại số

Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS-TS Tạ Ngọc Tấn đánh giá dấu ấn CNH-HĐH của Bình Dương - một trong những thành công vượt bậc của thời kỳ đổi mới là rất rõ. Tới đây, hình thái phát triển và cơ cấu kinh tế của Bình Dương sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn hậu phát triển công nghiệp trong khi công nghiệp hiện đang chiếm gần 3/4 nền kinh tế của tỉnh. Bình Dương cần tiếp tục xác định CNH-HĐH phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực; tiếp tục có bước chuyển căn bản từ số lượng sang chất lượng bền vững; tận dụng công nghiệp 4.0 để chuyển đổi một cách bền vững giữa DN nước ngoài, DN Nhà nước và DN tư nhân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Thao nhận định, trước sự bùng nổ của khoa học công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, những thách thức đan xen với cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên một tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để thực hiện thành công công cuộc CNH-HĐH trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm, như: Hình thành “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và DN trong điều kiện mới; tập trung chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng di dời công nghiệp lên phía bắc, phát huy điều kiện tốt để xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu chất lượng cao; đồng thời cải thiện, nâng cấp đô thị dịch vụ ở phía nam, trong đó thành phố mới với quy hoạch hiện đại, đồng bộ là trung tâm của tỉnh…

Bình Dương đang nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước; cùng với cả nước hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ.

- GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương: Chúng tôi đánh giá rất cao những thành tựu phát triển Bình Dương đạt được trong thời gian qua. Đây là điểm sáng, phản ánh sinh động những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới của đất nước, với những quyết sách hệ trọng, như: Chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, tiến hành CNH-HĐH… Những thành tựu đó còn phản ánh một mô hình phát triển hết sức sáng tạo trong tiến trình đổi mới của đất nước, mà Bình Dương đã thực hiện được, đó là: “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, DN đồng hành, người dân tham gia” trong quá trình phát triển.
- Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Trong quá trình thực hiện CNH-HĐH, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và xác định cơ cấu phát triển của địa phương. Trong giai đoạn tới, để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của tỉnh phải cao hơn giai đoạn vừa qua là một thách thức rất lớn. Tỉnh xây dựng nền kinh tế hiện đại, chất lượng và bền vững, tránh bẫy thu nhập trung bình xoay quanh mô hình 6 trụ cột phát triển. Bình Dương xác định, không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên một tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC: Trong giai đoạn mới, với cảnh báo là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình, Bình Dương càng cần phải sớm đổi mới mô hình phát triển, tập trung vào phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm, trên nền tảng triết lý phát triển của tỉnh: “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo”.

NGỌC THANH

GRDP bình quân đầu người hiện nay của Bình Dương đạt gần 7.000 đô la Mỹ/người/năm, thuộc vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 104 lần sau 25 năm tái lập tỉnh.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên