Kỳ 1: Linh hoạt thay đổi chiến thuật
Sau các buổi họp, làm việc, kiểm tra thực tế tại những xã, phường, khu, ấp đang là điểm nóng của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm trước hệ thống chính trị Bình Dương: “Gần 2 năm cả nước chống dịch với các giải pháp chưa có tiền lệ, vừa làm vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nóng vội, trong tình hình mới, biện pháp cũ mang lại hiệu quả thấp, Bình Dương cần linh hoạt, sáng tạo, kịp thời chuyển hướng chống dịch với phương châm “Lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bình Dương đã thực hiện ngay và hiệu quả các biện pháp phù hợp với yêu cầu chống dịch trong giai đoạn mới, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Linh hoạt thay đổi chiến thuật, Bình Dương đã kiểm soát được dịch bệnh. Trong ảnh: Nhân viên Trạm Y tế lưu động phường Hưng Định, TP.Thuận An xét nghiệm cho F0. Ảnh: MINH DUY
Khắc phục “lỗ hổng” của những “pháo đài”
Tính đến thời điểm hiện nay, Bình Dương và cả nước nói chung đã trải qua 4 đợt dịch với gần 2 năm chống dịch nhưng đợt dịch thứ 4 là đợt khốc liệt nhất và nguy hiểm nhất với biến chủng Delta. Bình Dương là địa phương phát triển công nghiệp với cơ cấu dân số mở, hơn 80% dân số là người từ các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống, làm việc. Trong đợt dịch thứ 4, dịch bệnh đã xâm nhập sâu vào các khu nhà trọ, khu dân cư đan xen với các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp và gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống.
Thời điểm tháng 8 vừa qua, Bình Dương trở thành “điểm nóng” dịch bệnh khi liên tục ghi nhận trên 4.000 ca nhiễm/ ngày và là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ ca nhiễm trên tổng số dân. Áp lực số lượng F0 gia tăng, Bình Dương liên tục xây dựng hàng loạt bệnh viện dã chiến, trưng dụng hàng trăm nhà xưởng, ký túc xá, trường học, nhà văn hóa… làm khu cách ly nhưng tỷ lệ F0 được tiếp cận chăm sóc y tế còn nhiều hạn chế. Trên tinh thần xuống tận nơi, trực tiếp “mắt thấy, tai nghe” việc chống dịch của Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ thị sát 15 phường “khóa chặt, đông cứng” của TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên và thẳng thắn phê bình: “Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở một số xã, phường, thị trấn, cần khắc phục những “lỗ hổng” này để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất có thể, đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh linh hoạt thay đổi chiến thuật chống dịch để đáp ứng yêu cầu cấp bách với phương châm “Xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”. Đầu tiên, tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, chuyển từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa chỉ đạo tập trung, chú trọng phân cấp, phân quyền cho xã, phường, thị trấn. Bí thư cấp ủy là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND các cấp là chỉ huy trưởng. Cấp tỉnh, huyện, thị, thành phố là ban chỉ huy; còn xã, phường, thị trấn là trung tâm chỉ huy. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về công tác, hiệu quả phòng, chống dịch.
Hiệu quả từ Trạm Y tế lưu động
Từ 2 Công điện 1099/CĐ- TTg “Tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19” và Công điện số 1102/CĐ-TTg “Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn quốc” của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng, hướng dẫn mô hình Trạm Y tế lưu động (TYTLĐ). Sự ra đời của mô hình này tại Bình Dương đã giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, góp phần kéo giảm tỷ lệ tử vong và giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên. Ngay sau đó, 57 TYTLĐ đã được “cấp tốc” thành lập ở 15 phường “vùng đỏ” đang “khóa chặt, đông cứng” thuộc TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên với mục tiêu bảo vệ hiệu quả sức khỏe nhân dân.
Việc xuất hiện các TYTLĐ không chỉ đưa y tế đến gần cơ sở mà còn tạo ra niềm tin nơi người dân vào chiến lược chống dịch của tỉnh. Điển hình như bà Lê Thị Dương, 40 tuổi, ngụ khu phố Hòa Lân, phường Thuận Giao, TP.Thuận An phát hiện dương tính trong buổi test nhanh ở khu phố. Qua khám sàng lọc, cán bộ TYTLĐ tại đây xác định bà Dương hội đủ 2 điều kiện mức độ bệnh nhẹ (không triệu chứng, không bệnh nền, không béo phì, không mang thai) và có khả năng tự chăm sóc bản thân nên quyết định cho bà Dương cách ly, điều trị tại nhà. Bà rất lo lắng, một mực đòi y tế phường chuyển lên tuyến trên điều trị. Sau khi được cán bộ y tế hướng dẫn, giải thích, bà Dương vững tin điều trị tại nhà. Hiện bà Dương đã khỏi bệnh, sức khỏe hoàn toàn bình phục.
Trong điều kiện thiếu nhân lực với chỉ 44 bác sĩ, 248 nhân viên, tình nguyện viên nhưng trong những ngày thực hiện giãn cách tăng cường, 57 TYTLĐ hoạt động hết công suất và đã theo dõi, chăm sóc cho hơn 1.600 F0, cấp phát thuốc cho hơn 2.700 F0 tại nhà, tư vấn sức khỏe cho hơn 6.400 trường hợp và sơ cứu, chuyển viện hơn 300 trường hợp nặng. |
Hoạt động hiệu quả của các TYTLĐ đã giảm tải cho tuyến trên, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong nhờ phát hiện sớm F0. Đặc biệt, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên không còn tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong trước khi đưa vào các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Thống kê vào thời điểm cuối tháng 8, mỗi ngày tỉnh ghi nhận từ 20 - 40 ca tử vong, nhưng con số này giảm dần, đến nay chỉ ghi nhận khoảng 10 ca/ngày.
Từ hiệu quả của mô hình trên, tỉnh tiếp tục mở rộng bao phủ hoạt động của TYTLĐ không chỉ ở “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” mà còn cả ở “vùng xanh”. Chỉ trong vòng 1 tháng, toàn tỉnh đã bao phủ 153 TYTLĐ trên 91 xã, phường, thị trấn. Do đặc điểm của Bình Dương nên lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở phải thành lập mạng lưới TYTLĐ trong khu, cụm công nghiệp song song với việc triển khai điều trị F0 tại nhà trọ, tại doanh nghiệp để duy trì mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Với tinh thần “Không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm” tỉnh phối hợp các phòng khám tư nhân địa phương triển khai 31 TYTLĐ trong khu, cụm công nghiệp, phối hợp với chủ nhà trọ dồn phòng cho F0 là người ở trọ cách ly, điều trị ngay tại phòng trọ dưới sự giám sát của Tổ Covid cộng đồng và TYTLĐ.
Đề cập đến nhân lực hoạt động của ngành, tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Hiện nay, lực lượng tham gia TYTLĐ chủ yếu là lực lượng quân y chi viện cho tỉnh. Để bảo đảm nhân lực cho TYTLĐ hoạt động, sở đã xây dựng chính sách đặc biệt cho trạm, đầu tư trang thiết bị y tế, tổ chức lại nhân lực từ 4 nguồn công lập, tư nhân, cán bộ về hưu và tình nguyện viên. Sở Y tế kiến nghị và đã được tỉnh chấp thuận hỗ trợ lương, chế độ cho 230 bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, tình nguyện viên là các trường hợp không hưởng lương từ ngân sách ở 46 TYTLĐ của TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên; đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng này. Riêng lực lượng của TYTLĐ trong doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp, sở giao các phòng khám đa khoa tư nhân thực hiện theo phương thức xã hội hóa”. (Còn tiếp)
KIM HÀ