Với khát vọng vươn lên, phát triển giàu mạnh, bằng sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, Bình Dương đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nắm thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để trở thành địa phương phát triển năng động về kinh tế - văn hóa - xã hội, ổn định về an ninh chính trị và ngày càng tiến bộ, văn minh. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh đã hình thành một triết lý mà xuyên suốt trong đó người dân luôn là trung tâm của sự phát triển, là trung tâm của mọi đường hướng chính sách. Một triết lý, trong đó những thành tựu kinh tế không chỉ chia sẻ cho người dân trong tỉnh, mà còn có sứ mệnh phải lan tỏa trên mọi vùng miền của Tổ quốc: Bình Dương cùng cả nước và vì cả nước.
Cụ thể hóa trong các nghị quyết
Triết lý phát triển vì con người, với mục tiêu xây dựng một xã hội tốt đẹp hướng đến con người, vì sự phát triển toàn diện của con người đã luôn được cụ thể hóa trong các nghị quyết và các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua từng nhiệm kỳ.
Tại Đại hội lần thứ VI, Đảng bộ tỉnh xác định: “...Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân. Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tạo được những chuyển biến tích cực về văn hóa, giáo dục, y tế... Chú trọng đầu tư cải thiện các điều kiện sống vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách chênh lệch đời sống giữa thành thị và nông thôn, giữa giàu và nghèo”.
Tại hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước”, Bình Dương đã tổ chức lễ ký kết về hợp tác giữa Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) với Trường Chính trị tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ảnh: Q.CHIẾN
Tại Đại hội lần thứ VII, Đảng bộ tỉnh cũng xác định “...Tăng trưởng kinh tế đi liền với giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội”. Văn kiện Đại hội lần VIII của Đảng bộ tỉnh tiếp tục nhấn mạnh: “Cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội”…
Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Lấy người dân làm trung tâm trong hoạch định chủ trương, chính sách, làm cho người dân được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển là một quan điểm xuyên suốt của tỉnh qua các thời kỳ… |
Chủ trương, triết lý phát triển vì con người, với mục tiêu xây dựng một xã hội tốt đẹp hướng đến con người, vì sự phát triển toàn diện con người của Bình Dương từng bước chuyển biến thích hợp, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các xu thế văn minh tiến bộ của nhân loại, nhất là về chủ trương hình thành một hệ sinh thái đô thị cho các chuyển biến về xã hội, văn hóa và con người ở địa phương.
Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định: “...Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, giàu đẹp...”.
Đến Đại hội lần thứ XI, nội dung đô thị và sinh thái đô thị đã được xác định trong mục tiêu tổng quát, có tính chiến lược: “...Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước...”.
Vì hạnh phúc nhân dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “…Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Chăm lo đời sống nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là làm cho nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ và công bằng, để nhân dân thực sự là người làm chủ và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và tinh thần…
Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Lấy người dân làm trung tâm trong hoạch định chủ trương, chính sách, làm cho người dân được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển là một quan điểm xuyên suốt của tỉnh qua các thời kỳ.
Bình Dương đang hướng tới trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, đáng sống, nghĩa tình. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Được thành lập trên cơ sở chia tách tỉnh Sông Bé từ ngày 1-1-1997, xuất phát điểm chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; qua hơn 27 năm xây dựng, phát triển, Bình Dương đã đạt được những thành tựu phát triển toàn diện và nổi bật, vươn lên trở thành một trong những tỉnh, thành năng động, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước. Năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 117 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng, tăng hơn 29 lần so với năm 1997. Những năm vừa qua, Bình Dương là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo, theo hướng phát triển nhanh, bền vững…
Song hành với phát triển kinh tế, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong 27 năm qua, mức đầu tư của tỉnh cho các lĩnh vực xã hội ngày càng tăng, luôn chiếm hơn 20% vốn ngân sách của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia trung bình hàng năm giảm 2,5%. Bình Dương đi trước cả nước về nâng chuẩn nghèo. Từ năm 1997 đến nay, Bình Dương đã 9 lần xây dựng chuẩn nghèo; trong đó liên tục từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã 4 lần xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương từ 1,7 - 3 lần. Cụ thể, giai đoạn từ 2009-2010 cao hơn 3 lần; giai đoạn 2011-2013 cao hơn 2 lần; giai đoạn 2014-2015 cao hơn 2,5 lần; giai đoạn 2016-2020 cao hơn 1,7 lần; năm 2022 cao hơn của Trung ương 1,5 lần. Đặc biệt, từ năm 2010, tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Bình Dương cũng là điển hình không còn tỷ lệ tái nghèo. Với sự tiên phong, sáng tạo, Bình Dương đã thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm và dồn lực theo phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, hỗ trợ đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo. Việc liên tục nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn mức chuẩn chung của Trung ương đã thể hiện quan điểm phát triển nhất quán của tỉnh trong công tác giảm nghèo, gắn thành quả phát triển kinh tế với công tác bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phù hợp với điều kiện, đặc thù mức sống của người dân địa phương, khả năng cân đối ngân sách, dành nguồn lực tương xứng cho nỗ lực của tỉnh trong công tác giảm nghèo.
Cùng với công tác giảm nghèo, những năm qua, Bình Dương đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Hiện nay, Bình Dương có đầy đủ bậc học từ mầm non đến đại học, sau đại học. Giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học đều phát triển với những thành tích ấn tượng. Kết quả thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua của tỉnh luôn nằm trong tốp đầu cả nước; chất lượng giáo dục đại trà không ngừng được nâng cao. Với phương châm bảo đảm cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học trên địa bàn đều được đến trường, có chỗ học thuận lợi, hàng năm tỉnh đều dành nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành giáo dục - đào tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại, xây dựng trường học thông minh, trường học hạnh phúc; 91/91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có trường mầm non và tiểu học, đạt tỷ lệ 100%; 74/91 xã, phường, thị trấn có trường THCS, đạt tỷ lệ 81,31%; 9/9 huyện, thị, thành phố có trường THPT, đạt tỷ lệ 100%. Bình Dương đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ mức độ 2, hoàn thành xóa mù chữ, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt tiêu chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi… Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 trường đại học có quy mô đào tạo hàng năm trên 30.000 sinh viên với nhiều chuyên ngành chất lượng cao; các trường cao đẳng, trường nghề cũng đã chuyển hướng chú trọng đào tạo thực hành và kỹ năng mềm, đáp ứng nhu cầu thị trường và doanh nghiệp, góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được tỉnh chú trọng. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, Bình Dương còn trở thành địa phương đi đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả. Tỉnh xác định bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt ổn định chỗ ở, giúp người lao động an cư lạc nghiệp là nhiệm vụ quan trọng để người lao động yên tâm với công việc, gắn bó lâu dài với tỉnh do đặc điểm lao động đại đa số là lao động từ các tỉnh, thành khác đến địa phương sinh sống, làm việc...
Trở thành nơi đáng sống, nghĩa tình
Nhìn lại hơn 1/4 thế kỷ, Bình Dương thật sự đã trở thành một hình mẫu về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, phát triển bứt phá vươn lên; đặc biệt là sự gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường. Hôm nay, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp, thu nhập trung bình cao, đi trước trong hoàn thành mục tiêu phát triển đặt ra cho cả nước vào năm 2030 và có tiền đề vững chắc để trở thành tỉnh phát triển hiện đại, thu nhập cao trước năm 2045.
Không “tự mãn”, bằng lòng với những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để tiếp tục xây dựng và phát triển Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và thật sự là nơi đáng sống. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục chăm lo toàn diện cho đời sống người dân, bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của Bình Dương, đẩy mạnh triển khai các đề án bảo tồn các làng nghề truyền thống trăm năm…
Từ năm 2016, tỉnh đã xây dựng Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, đề án như một “kim chỉ nam” cho chiến lược phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Đến nay, đề án đã định hình và trực tiếp tham gia giải quyết những thách thức hiện hữu của tỉnh. Đặc biệt, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã liên tiếp vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong 21 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới trong 3 năm 2021, 2022 và 2023 (Top 7). Riêng năm 2023, Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đã được ICF vinh danh Top 1, là cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu. Đây là nền tảng vững chắc để tỉnh xây dựng, thực hiện đề án giai đoạn tiếp theo, đưa Bình Dương phát triển lên tầm cao mới, “phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, toàn diện, bền vững, không để ai ở lại phía sau”; tập trung mạnh vào cân bằng giữa phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và tăng trưởng xanh, thông minh, bền vững… Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.
Một mùa xuân hạnh phúc nữa lại về trên quê hương Bình Dương dấu yêu. Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, Bình Dương lại tổ chức hàng loạt các hoạt động mang tết đến cho người có công, hộ nghèo, gia đình chính sách và người yếu thế trên địa bàn, bảo đảm cho mọi người, mọi nhà đều có tết. Chăm lo tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo và người yếu thế không chỉ là sự tri ân, chia sẻ, cảm thông ấm áp tình người, mà còn hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm tính toàn diện, bao trùm, công bằng và bền vững; đồng thời góp phần xây dựng một tỉnh Bình Dương giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đáng sống, nghĩa tình…
TS NGUYỄN HOÀNG THAO (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương)