Những ngày cuối năm 2023, tôi có dịp trở lại thăm Bình Dương. Sau thời gian nắng nóng kéo dài, thời tiết đã dịu lại, buổi sớm và vào đêm, nhất là khu vực bến sông Sài Gòn, thoáng chút heo may xứ Bắc, đường bộ tấp nập người xe, đường sông rộn rã ghe thuyền. Anh bạn đi cùng đoàn báo chí nói vui: “Ta trở lại mảnh đất đã và đang an bình trở lại, những đám mây mù trước đó đã tan, ánh thái dương đang bừng lên khắp chốn!”.
Cả đoàn đồng cảm với suy nghĩ của anh. Không mừng, không vui sao khi đón nhận những tin vui dồn dập, sau gần 3 năm có lúc thăng trầm, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại lớn về người và của, lòng người không an, nhưng rồi ý thức đoàn kết cộng đồng, trách nhiệm của những cán bộ chủ chốt các cấp được từng bước đề cao, những quyết sách hợp lòng dân trong rất nhiều lĩnh vực, tạo được sự đồng thuận xã hội rộng lớn - đây là động lực rất quan trọng để Bình Dương xốc tới. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo giữa nhiệm kỳ 2020-2025 họp vào tháng 10 vừa qua đã sôi nổi thảo luận, tranh luận đi tới thống nhất, khẳng định những thành tựu rất có ý nghĩa với những con số gây phấn chấn lòng người, năm 2022 tốc độ tăng trưởng 8,01%/năm; 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 7.010 USD, nằm trong tốp 5 tỉnh có thu nhập cao nhất nước.
Còn nhớ từ năm 2020-2021, thời gian diễn ra 4 đợt đại dịch Covid-19, mà điểm đỉnh là lần thứ 4 vào tháng 7-2021, Bình Dương gặp muôn vàn sóng gió, nhưng với nỗ lực chủ quan và sự chi viện kịp thời của Trung ương và một số địa phương, “cửa tử” đã được chặn lại, Bình Dương bắt đầu xốc tới mục tiêu kép: “Vừa ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, vừa nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Chính từ thực tiễn nghiệt ngã này đã sàng lọc đội ngũ cán bộ, xuất hiện những người tận tụy, tâm huyết, có trách nhiệm với sự nghiệp ổn định và phát triển Bình Dương; nhờ vậy đã quy tụ và khơi dậy sức mạnh của các ngành, các cấp, tạo được sự đồng thuận xã hội rộng lớn trong thực thi các chủ trương, chính sách của tỉnh. Chủ trương luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ được cân nhắc kỹ trên cơ sở đánh giá đúng thực tiễn công việc và lắng nghe dân, nên hệ thống cán bộ lãnh đạo chủ lực của các ngành, các cấp hiện nay nhìn chung đã và đang phát huy tích cực trên cương vị được tổ chức phân công.
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh (giữa) cùng đoàn công tác chụp hình lưu niệm với Ban Biên tập và cán bộ Báo Bình Dương
Đoàn vào thăm và làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đúng lúc Trưởng ban Trương Thị Bích Hạnh vừa tan cuộc họp. Chị cởi mở tâm tình: Cũng nhờ có trung tâm hành chính mà những cuộc họp liên tịch, các ban, ngành diễn ra nhanh do đỡ mất công đi lại, tốn kém xăng xe; việc tiếp nhận các văn bản cũng như sự phối hợp triển khai giữa các ban, ngành diễn ra thuận lợi. Tôi hỏi: “Ngoài mặt được, thì còn mặt nào chưa tiện khi tất cả các cơ quan, đoàn thể cùng làm việc ở trung tâm?”. Chị vui vẻ trả lời: “Có chứ anh, như khi em đi họp xong, về phòng làm việc của Ban Tuyên giáo thì em phải tức khắc vùi đầu xử lý bao thứ công văn, giấy tờ, phải hội ý chớp nhoáng, phân công những việc cấp bách. Nhưng khốn nỗi, đúng giờ đã định, các bộ phận dịch vụ, nhất là hệ thống điều hòa bị tắt… Nhưng anh ạ, do anh chị em có ý thức vượt khó vì việc chung, mỗi người ráng một chút, rồi cũng xong”. Riêng bản thân, Bích Hạnh không ngại ngần giải bày điều khó nhất của mình, đấy là quen công việc lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, nay sang ngành tuyên giáo với cơ man công việc, nhiều việc mới mẻ mà việc nào cũng dính đến nhiều ngành, nhiều cấp, cả xã hội, thì quả là sự thử thách không dễ vượt qua một sớm, một chiều…
Chị chỉ nói ngần ấy, nhưng trước khi đến ban, tôi đã được nghe nhiều đồng nghiệp cho biết sự đánh giá của cấp trên cũng như của cán bộ, nhân dân dành cho chị đều gặp nhau ở điểm chung là sự thích ứng nhanh với công việc, do chịu khó nghiên cứu, học hỏi, lắng nghe. Là một trong những cán bộ được tôi luyện trong thực tiễn đa dạng, nhất là qua 4 đợt đại dịch Covid-19 ở Bình Dương, chị luôn có mặt ở tâm dịch, thường xuyên đi sát đời sống công nhân và người lao động ở các khu công nghiệp, không nề hà gian khó, không sợ hiểm nguy tính mệnh, vui vẻ nhận việc “hóc búa” về mình.
Bích Hạnh tâm sự, một trong những thử thách lớn hiện nay là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí, có tới hàng chục cơ quan báo chí Trung ương có phóng viên thường trú ở Bình Dương. Do đó, công tác cung cấp, định hướng thông tin, gặp gỡ trực tiếp đối thoại khi có vụ việc nổi cộm, cần không ít thời gian. Tôi nói xen vào. “Đất có lành, chim mới đậu; chim có nhiều tiếng hót khác nhau, do đó cái tài của Trưởng ban là quy tụ, tạo ra bản hòa ca”.
Trong bộn bề công việc những ngày cuối năm, hàng trăm đại biểu từ Trung ương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã hội tụ ở Bình Dương dự Hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước” do Tỉnh ủy Bình Dương cùng Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Bình Dương phấn chấn, tự hào bởi tỉnh nhà được Trung ương chọn để tổng kết về mô hình phát triển địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Sau 26 năm tách tỉnh, với nỗ lực cao, sự năng động, sáng tạo bứt phá, Bình Dương đã đạt được những kết quả quan trọng đáng mừng. Đến năm 2023 này, GRDP của tỉnh đã tăng trưởng hơn 117 lần so với năm 1997, tốc độ đô thị hóa nhanh với tỷ lệ đạt tới 84%, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, văn hóa xã hội có những bước tiến mới, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Riêng trong lĩnh vực kinh tế, ngay trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Bình Dương đã định dạng được đặc điểm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của mô hình phát triển kinh tế với đặc trưng phát triển đô thị gắn với sự hình thành các ngành dịch vụ hiện đại. Phương hướng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp được xác định rõ: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, hội nhập kinh tế với vùng và khu vực, không thu hút đầu tư bằng mọi giá nhằm phòng tránh các hiểm họa về môi trường; kiên định phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến; nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm… Sau Đại hội VIII của Đảng, Bình Dương chú ý thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp nước ngoài có trình độ kỹ thuật và công nghệ hiện đại, từng bước mở rộng đầu tư ra ngoài tỉnh và nước ngoài, giảm đầu tư các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn...
Nhờ có chủ trương đúng và chỉ đạo quyết liệt, từ năm 2017, Bình Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo. Cùng với sự tập trung phát triển kinh tế, Bình Dương coi trọng lĩnh vực văn hóa, hình thành lớp người với những phẩm chất đặc trưng vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và cách mạng, đã và đang phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, yêu quê hương, dũng cảm vượt khó, năng động, đột phá sáng tạo những cách thức làm giàu cộng đồng, khóm ấp, biến Bình Dương thành nơi “đất lành chim đậu”, nơi đáng sống cho mọi giai tầng xã hội. Có thể coi mô hình phát triển của Bình Dương là sự kết hợp hài hòa, linh hoạt và sinh động của nhiều nhân tố mang tính đột phá, bao gồm: Đột phá sáng tạo trong tư duy phát triển; đột phá đồng bộ trong quy hoạch phát triển; đột phá hiện đại trong kết cấu hạ tầng; đột phá tiên phong trong cải cách về thể chế và hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư.
Tạo được bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện như hôm nay, không thể không nhắc đến sự góp sức tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh, trong đó có vai trò quan trọng, nòng cốt của Báo Bình Dương và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương. “Nước lên thì thuyền lên”, cơ ngơi của báo - đài, đặc biệt là Đài PT-TH Bình Dương với hai tòa nhà cao tầng bề thế cùng nhiều trang thiết bị hiện đại. Lẽ đương nhiên, trong cơ chế thị trường, sự cạnh tranh quyết liệt với báo mạng đang diễn ra gay gắt, tác động lớn đến công tác phát hành báo chí và thu nhập của cán bộ, phóng viên, nhất là ở đài vì theo cơ chế tự thu - tự chi. Song “cái khó không bó cái khôn”, mà trong “cái khó đang ló cái khôn”, những người làm Báo Bình Dương đã và đang bền bỉ vượt khó, sáng tạo những phương thức hoạt động mới phù hợp với tình hình địa phương và cả nước trong bối cảnh được lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi…
Chúng tôi rời Bình Dương với những cảm nhận và tin vui đan quyện. Một Bình Dương ngày mới đang mở ra những kỳ vọng mới trong chặng đường phát triển tiếp theo.
(Bình Dương, ngày cuối năm 2023)
Bút ký của NGUYỄN HỒNG VINH
(Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân)