Điều gì khiến bạn yêu thương, gắn bó với một vùng đất? Tôi tin chắc rằng đó là cảm giác bình yên khi mỗi sớm mai hay chiều muộn bạn hòa mình vào thiên nhiên trong lành, chuyện trò cùng người dân bản địa để thấy được nét chân chất từ những con người nơi bạn đến. Đó cũng là cách mà tôi đã “phải lòng” đất và người Bình Dương trong 25 năm qua và sẽ yêu thương sâu đậm quê hương thứ hai này…
Không quá khó để bạn tìm kiếm một việc làm ở Bình Dương nếu bạn đủ quyết tâm, cố gắng. Đây là điểm đến của những người mang hoài bão dựng xây một cuộc sống thành công, hạnh phúc. Đã có rất nhiều người thành công khi đến vùng đất này. Trong bài này tôi chỉ viết về một khía cạnh là người Bình Dương nói chung, người nơi khác đến Bình Dương sinh sống gặp nhau ở chữ nghĩa chữ tình. Thế nên, bạn cũng không quá khó để nhìn thấy những hình ảnh cho - nhận đầy nhân ái, ấm áp của người dân nơi đây.
Tôi biết rất nhiều người, nhiều nhóm làm thiện nguyện âm thầm, lặng lẽ. Họ không muốn nhiều người biết, càng không muốn viết về mình nhưng với họ, làm việc thiện như là chuyện đương nhiên vậy. Làm việc thiện gắn bó với cả cuộc đời mình là làm người nhân ái, chính trực theo đúng lời chỉ dạy của tiền nhân. Đơn giản có thế thôi.
Chỉ với hơn 2 triệu đồng sau khi quyên góp được, các thành viên trong Tổ phụ nữ “Ứng xử đẹp, sống nhân ái, nghĩa tình” của phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một đã làm và phát hàng trăm ổ bánh mì miễn phí trong chương trình “Bữa sáng 0 đồng”. Hình ảnh trao tặng bữa ăn sáng rất đẹp này bạn cũng sẽ thỉnh thoảng thấy ở các phường Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Hưng Định, Thuận Giao… của TP.Thuận An hay một vài điểm ở TP.Dĩ An, TX.Bến Cát bởi có rất nhiều tổ phụ nữ ứng xử đẹp được thành lập, hoạt động từ trong và sau dịch bệnh Covid-19. Những bữa sáng miễn phí sẽ giúp những người lao động khó khăn có bữa ăn ấm lòng khi vào ca…
Nhiều năm nay, hoạt động thiện nguyện Rằm tháng giêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân đất Thủ. Tiếng lành bay xa và người dân Bình Dương tự hào về điều này. Hoạt động thiện nguyện trong mùa lễ hội Rằm tháng giêng ban đầu được tổ chức tự phát với những hộ dân sống ven đường chính dẫn về miếu Bà phường Phú Cường đã trở thành “thương hiệu” của Bình Dương. Không thể không tự hào khi bạn sống ở một vùng đất như thế.
Ở Bình Dương vì vậy mà có “mùa làm từ thiện”. Bởi người ta quan niệm rằng, làm việc thiện sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Có những tiểu thương mà tôi biết họ làm từ thiện như là nghĩa vụ với xã hội. Một nhóm các chị chơi chung với nhau gây quỹ từ thiện gọi là “Tiền góp 30 tết”. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi người, hàng tháng, các chị ủng hộ bằng cách bỏ tiền chung vào một con heo đất. Gọi là tiền góp ngày 30 tết nhưng khoảng sau Rằm tháng chạp là họ đập heo. Sau đó sẽ cùng nhau tìm những trường hợp khó khăn, ngặt nghèo để giúp đỡ. Mục đích là góp phần làm “giảm bớt được cảnh người nghèo buồn tủi khi tết đến, xuân về”. Đơn giản mà ý nghĩa, nên họ cứ thế làm trong hàng chục năm qua.
Không chỉ làm từ thiện ở trong tỉnh, nhiều người còn đi đến các tỉnh, thành khác để giúp đỡ người khó khăn. Một nhóm các chị đa số đã nghỉ hưu lại có cách làm thiện nguyện như thế này: Các chị dành ra một khoản tiền mình tiết kiệm được và cùng nhau đi tìm hiểu, hỗ trợ kinh phí cho các xã vùng sâu, vùng xa ở miền Tây. Khỏi phải nói sự công phu của các chị từ liên hệ chính quyền địa phương, tìm người khảo sát thực tế, dự trù kinh phí đến tiến hành xây dựng cầu hoàn chỉnh mới bàn giao. Cứ túc tắc như thế mà hàng chục cây cầu bê tông đã được thay cho các cây cầu khỉ. Đó là những cây cầu nối nhịp giao thương cho người dân vùng sâu, vùng xa; làm gần hơn, an toàn hơn cho các em học sinh đến trường…
Người dân đồng lòng cùng chính quyền vào cuộc làm công tác thiện nguyện là nét đẹp, là cách ứng xử văn hóa trong cộng đồng mà không phải ngày một ngày hai đã có được. Điều này phải tích lũy từ hàng ngàn năm, từ xa xưa tới nay mới hình thành nên lối sống thơm thảo này.
QUỲNH NHƯ