(BDO) Đó là nhận định của đoàn công tác Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ngày 27-10 do Sở Công thương chủ trì.
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Bình Dương là địa phương không có biên giới quốc gia nên hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm không diễn ra công khai. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt thuận lợi để vận chuyển hoặc trung chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam, từ các tỉnh biên giới, Tây nguyên về TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ để tiêu thụ. Mặt khác, Bình Dương hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp, có nhiều kho hàng cho thuê trong và ngoài khu công nghiệp, có hàng chục ngàn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng với hàng trăm ngàn hộ kinh doanh đã làm cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL,GLTM,HG) rất khó khăn, phức tạp.
Tuy vậy, thời gian qua các ngành chức năng, UBND cấp huyện đã phối hợp thực hiện tốt công tác đấu tranh chống BL,GLTM,HG. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2022, các sở, ngành liên quan đã kiểm tra 8.360 vụ (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021), kết quả đã phát hiện 4.621 vụ vi phạm (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021), xử lý 4.607 vụ (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021), khởi tố 11 vụ với 11 đối tượng. Về xăng dầu, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh đã phối hợp kiểm tra các mặt hàng xăng dầu, ký cam kết với các đơn vị đầu mối để cung ứng xăng dầu ổn định cho hoạt động kinh tế - xã hội.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng kiến nghị cần ban hành các quy chuẩn để xử lý vấn đề xăng dầu, vật tư y tế, thuốc lá…
Trên cơ sở đề xuất của đoàn công tác Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đại diện các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã làm rõ thêm về các vấn đề tạm nhập tái xuất, chuyển giá trốn thuế của doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, trốn thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử; công tác tiếp nhận quản lý thông tin phản ánh hàng lậu, hàng cấm, hàng gian hàng gia; kế hoạch kiểm tra chuyên đề về xăng dầu, thương mại điện tử; công tác quản lý về mỹ phẩm, dược mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…tại địa phương và kế hoạch trong thời gian tới
Kết luận tại của họp, đại diện đoàn công tác đề nghị một số ngành của tỉnh cần tiếp tục có đánh giá, giải pháp sát hơn với lĩnh vực mà ngành mình phụ trách nhằm tham mưu mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, kịp thời đề xuất với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để xử lý sát những vấn đề nổi cộm hiện nay.
Tin, ảnh: Tiểu My