Bình Dương: Nhiều giải pháp ổn định tình hình lao động
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành về việc thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp (DN). Bình Dương được đánh giá cao là có nhiều giải pháp ổn định tình hình lao động, nên các vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công (TCLĐTT-ĐC) có xảy ra nhưng không nhiều.
Lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành tăng cường tổ chức đối thoại với người lao động nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc nên hạn chế được TCLĐTT- ĐC
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 48 vụ TCLĐTT-ĐC, với khoảng 21.000 người tham gia. Về TCLĐTT xảy ra 24 vụ ở 22 DN, trong đó có 21 DN có vốn đầu tư nước ngoài (nhiều nhất là DN Đài Loan chiếm 8 vụ, Hàn Quốc 5 vụ). Về ĐC, xảy ra 24 vụ tại 24 DN, trong đó 22 DN có vốn đầu tư nước ngoài (nhiều nhất là DN Đài Loan 11 vụ, Hàn Quốc 6 DN). Địa bàn xảy ra tập trung trong các khu công nghiệp và các huyện như Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát. Riêng huyện Thuận An đã xảy ra đến 22 vụ TCLĐTT-ĐC. Theo đánh giá của sở, trong 3 tháng đầu năm, các vụ TCLĐTT-ĐC đã tăng 50% so với cùng kỳ năm 2009. Tất cả các vụ TCLĐTT-ĐC đều mang tính tự phát; đã xuất hiện hành vi đập phá, hủy hoại tài sản của DN; một số đối tượng lợi dụng cuộc ĐC có hành vi trộm cắp tài sản của DN làm trì trệ sản xuất, gây thiệt hại đáng kể cho DN và người lao động (NLĐ).Mặc dù vậy, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, nhìn chung số vụ TCLĐTT-ĐC xảy ra không đáng kể so với số DN đang hoạt động tại Bình Dương (với trên 10.000 DN). Thời gian qua, nhờ thực hiện các công tác phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp với việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật đã giúp NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) có sự chuyển biến về nhận thức pháp luật lao động, nhất là quyền và nghĩa vụ của các bên, góp phần hạn chế các vụ TCLĐTT-ĐC. Ngoài ra, Ban chỉ đạo giải quyết TCLĐTT-ĐC không đúng pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động như tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN; phối hợp quản lý địa bàn; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ngành đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật lao động. Một trong những giải pháp đem lại hiệu quả cao chính là lãnh đạo tỉnh, huyện và các sở, ban ngành đã tổ chức đối thoại với NLĐ và NSDLĐ nhằm nắm bắt và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, vướng mắc giữa NLĐ với NSDLĐ. Ngoài ra, Ban chỉ đạo của tỉnh tập trung chỉ đạo, củng cố các tổ công tác giải quyết TCLĐTT- ĐC, dự báo tình hình diễn biến và có giải pháp phối hợp giữa cơ quan quản lý các cấp với các tổ chức đoàn thể địa phương nhằm nhanh chóng giải quyết TCLĐTT-ĐC khi có phát sinh.
Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh “mổ xẻ” vấn đề, ngoài nguyên nhân chủ yếu gây TCLĐTT-ĐC là do công nhân đòi quyền lợi thì chúng ta cũng phải nhìn nhận, việc xử lý các DN vi phạm chưa nghiêm dẫn đến các DN vi phạm có tính lây lan, gây bức xúc cho NLĐ. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm đến nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa NLĐ và NSDLĐ để hạn chế TCLĐTT-ĐC.
Về phía NSDLĐ, đại diện Chi hội Thương gia Đài Loan tại Bình Dương cho biết, thời gian qua, tình hình TCLĐTT-ĐC xảy ra nhiều ở DN Đài Loan. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do bất đồng ngôn ngữ nên việc thực thi các văn bản pháp luật, Luật Lao động chưa tốt. Cũng vì bất đồng ngôn ngữ nên giữa chủ DN và công nhân chưa tìm được tiếng nói chung.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, Bình Dương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện quan hệ lao động hài hòa tại DN. Trong đó, tăng cường hoạt động đại diện 3 bên trong quan hệ lao động; hoạt động công đoàn hiệu quả... Tuy nhiên để phát huy hiệu quả, Bình Dương cần quan tâm đến nguồn nhân lực đáp ứng cho DN... đặc biệt cấp ủy Đảng, sở, ngành địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa tại DN.
THU THẢO