Bình Dương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu phí không dừng

Cập nhật: 05-08-2022 | 05:03:02

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến tháng 6-2022 phải đạt 90% phương tiện dán thẻ định danh thu phí không dừng. Đến nay, Bình Dương chỉ đạt khoảng 50% phương tiện thực hiện dán thẻ, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện ngành giao thông - vận tải tỉnh và các nhà đầu tư BOT cầu đường bộ đang kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan để đẩy nhanh tiến độ triển khai đạt kết quả tốt hơn.

Từ ngày 1-8 đến nay, rất đông lái xe, chủ phương tiện đăng ký dán thẻ định danh thu phí tự động. (Ảnh chụp sáng 4-8 tại Văn phòng Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, Trạm thu phí Suối Giữa)

Người dân đồng tình

Sáng 4-8, theo ghi nhận của P.V Báo Bình Dương, sau 4 ngày có quyết định sẽ xử phạt các phương tiện không dán thẻ định danh, thu phí điện tử tự động không dừng khi đi trên các tuyến cao tốc, dù Bình Dương không có đường cao tốc đi qua, nhưng nhiều chủ phương tiện, lái xe đã ùn ùn đi đăng ký, dán thẻ định danh thu phí tự động. Tại điểm dán thẻ gần cầu Phú Cường, chỉ trong vòng 3 giờ đã có gần 50 phương tiện vào làm thủ tục đăng ký.

Anh Mai Công Giang, tài xế xe tải ngụ huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, cho biết hàng ngày vẫn thường xuyên chở hàng lưu thông qua cầu Phú Cường, ra đường cao tốc nên anh và nhiều lái xe đã xếp hàng chờ để được dán thẻ. “Tuyến đường này dễ xảy ra ùn tắc tại khu vực thu phí qua cầu, nếu các phương tiện đều dán thẻ sẽ góp phần hạn chế tình trạng ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm”, anh Giang nói. Đồng tình quan điểm này, ông Đỗ Văn Thanh, nhà ở Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: “Dù là xe gia đình, tôi cũng chưa từng đi đường cao tốc, thế nhưng nghe thông tin sẽ xử phạt tôi cũng lo. Tôi thấy thu phí tự động rất tiện lợi cho người đi xe, vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông”.

Anh Nguyễn Hoài Bảo, người dân TP.Thủ Dầu Một, cho biết việc thu phí không dừng giúp phương tiện qua trạm liên tục sẽ hạn chế cản trở giao thông. Tuy nhiên, anh Bảo cho rằng đôi lúc qua các trạm xảy ra vấn đề kỹ thuật, xe qua trạm hệ thống không đọc được khiến phải chờ đợi nhân viên xử lý, dễ dẫn đến ùn ứ. “Chúng tôi rất mong nhà mạng, cơ quan quản lý sớm khắc phục để việc thu phí điện tử tự động không dừng thật sự tạo thêm tiện lợi cho người dân, hạn chế các sự cố kỹ thuật”, anh Bảo nói.

Tháo gỡ khó khăn

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết hiện Bình Dương có 5 nhà đầu tư BOT cầu đường bộ, có 10 trạm thu phí với 51 làn thu phí. Hiện tất cả các làn thu phí đều được các nhà đầu tư BOT lắp đặt thiết bị thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng. Mỗi chiều đi và về tại mỗi trạm chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp theo quy định của Chính phủ. Để đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng theo chỉ đạo của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp BOT rà soát, hoàn thiện tổ chức giao thông tại các trạm thu phí. Bình Dương đã đôn đốc triển khai thực hiện thu phí điện tử không dừng trên địa bàn. Tuy nhiên cho đến tháng 7 vừa qua, trên địa bàn tỉnh mới đạt tỷ lệ chưa đến 50% phương tiện thuộc đối tượng trên thực hiện dán thẻ.

Nhiều phương tiện chưa dán thẻ thu phí tự động phải nối đuôi chờ thu phí trực tiếp trên làn hỗn hợp tại Trạm thu phí Suối Giữa - Quốc lộ 13 sáng 4-8. Ảnh: MINH DUY

Ông Huỳnh Văn Rép, Giám đốc Trạm thu phí Quốc lộ 13 thuộc Becamex IJC, cho biết hiện có khoảng 55% phương tiện lưu thông qua 2 trạm thu phí Suối Giữa và Vĩnh Phú có dán thẻ thu phí không dừng. Ông Rép thông tin thêm, kết quả triển khai thu phí không dừng bên cạnh những thuận lợi như góp phần giảm thời gian chờ của phương tiện cũng như giảm số lượng nhân sự trực tại các trạm… Tuy nhiên, tình trạng “lỗi kỹ thuật” do hệ thống thiết bị không đọc được thẻ khiến berie không mở, chủ phương tiện đăng ký tài khoản nhưng không nạp tiền hoặc tài khoản hết tiền, phương tiện không dán thẻ nhưng chạy vào làn thu phí không dừng ETC gây ùn ứ, ảnh hưởng giao thông.

“Hiện tại, chúng tôi duy trì chiều đi, chiều về duy nhất 1 làn thu phí hỗn hợp dành cho các phương tiện chưa dán thẻ định danh thu phí tự động. Ngoài ra, tại các trạm còn bố trí thêm làn xe dự phòng nhằm xử lý nhanh các tình huống liên quan các sự cố. Trong những ngày qua, trung bình mỗi ngày có hơn 200 phương tiện đến đăng ký dán thẻ định danh thu phí không dừng VETC, đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy người dân, chủ phương tiện đồng tình với hình thức thu phí tự động”, ông Rép chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sen, Trưởng trạm thu phí BOT cầu Phú Cường, cho biết đến nay việc thu phí không dừng qua trạm đã ổn định, người dân, giới lái xe cũng đã nhận dạng được làn đường dành cho thu phí tự động và thu phí hỗn hợp, nên hạn chế các sự cố ùn tắc như trước đây.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thu phí không dừng trên địa bàn, Bình Dương đã kiến nghị Chính phủ cần có những quy định mang tính bắt buộc để các chủ phương tiện có trách nhiệm thực hiện dán thẻ; cần hướng dẫn cụ thể cách nạp tiền vào tài khoản, giúp người ít hiểu biết về công nghệ vẫn có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ; tạo điều kiện tối đa cho các chủ phương tiện khi muốn chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ này sang nhà cung cấp dịch vụ kia và ngược lại, tránh gây phiền hà hoặc tạo rào cản kỹ thuật để giữ khách...

Hiện Bình Dương có 2 nhà cung cấp dịch vụ dán thẻ E-tag là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), thực hiện dán thẻ tại các cửa hàng Viettel và nhân viên dán thẻ lưu động, thanh toán phí theo hình thức nạp tiền trước và trừ dần khi phương tiện lưu thông qua trạm. Số lượng dán thẻ E-tag lũy kế đến thời điểm hiện nay ước khoảng 94.500 /185.000 xe ô tô do tỉnh đang quản lý, đạt 51,08% tỷ lệ phương tiện dán thẻ.

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1254
Quay lên trên