Bình Dương nỗ lực xây dựng những vùng quê đáng sống

Cập nhật: 27-08-2024 | 08:06:07

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện sâu rộng, đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, tạo nên những dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển ở mỗi địa phương trong tỉnh. Diện mạo nông thôn trong tỉnh ngày càng khang trang, hình thành những vùng quê đáng sống với không gian sống thân thiện, hài hòa, yên bình, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên...

 Đường giao thông ở xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên được đầu tư nâng cấp, cảnh quan xanh - sạch - đẹp

 Mô hình tiên phong

Xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên được chọn là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai Đề án xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng thí điểm “làng thông minh” từ năm 2022. Xã Bạch Đằng đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về văn hóa năm 2023.

Sau khi đề án được phê duyệt, UBND xã Bạch Đằng đã chỉ đạo các ấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, cơ chế, chính sách, nội dung xây dựng xã NTM kiểu mẫu và “làng thông minh” đến từng hộ dân trên địa bàn tham gia thực hiện, nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM nói chung, “làng thông minh” nói riêng. Trong giai đoạn 2021-2025, xã tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thực hiện nhiệm vụ xây dựng thí điểm “làng thông minh”. Xã phấn đấu đến năm 2025 trở thành “làng thông minh” đầu tiên của tỉnh. Khi đó, nơi đây sẽ có môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và là biểu tượng xanh của tỉnh Bình Dương.

Việc xây dựng thí điểm “làng thông minh” sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đưa thương hiệu đặc sản bưởi Bạch Đằng ngày càng vươn xa. Đến nay, tại xã Bạch Đằng, hệ thống đường giao thông liên ấp với 37 tuyến đã được bê tông, nhựa nóng và trồng hoa, cây xanh; vườn bưởi VietGAP có 10 hộ trong xã tham gia, với tổng diện tích 10 ha, ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, xã đã đầu tư hệ thống đèn led chiếu sáng tiết kiệm năng lượng trên 3 tuyến đường và 35 điểm phát sóng wifi công cộng. Công tác vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải cũng được địa phương thực hiện tốt.

Nhân rộng “làng thông minh”

Từ mô hình “làng thông minh” tại xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên, huyện Phú Giáo cũng mạnh dạn xây dựng đề án “làng thông minh”. Theo đó, huyện tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh. Đến nay, huyện Phú Giáo đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Hiện nay, 10/10 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn xã NTM, NTM nâng cao.

Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết “làng thông minh” sẽ được huyện triển khai theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Đối với việc ứng dụng công nghệ, địa phương sẽ tập trung vào hệ thống cơ sở dữ liệu lớn trong sản xuất nông nghiệp và quản lý nông thôn. Riêng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành hướng đi tất yếu của huyện trong thời gian qua.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết từ những kết quả tích cực bước đầu, tỉnh Bình Dương đang khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp với các viện/trường, doanh nghiệp nghiên cứu thực hiện mô hình “làng thông minh”, gắn với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 24% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tiến tới hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh thúc đẩy xây dựng NTM kiểu mẫu gắn liền với mô hình “làng thông minh”. Lộ trình đến năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ có “làng thông minh” đầu tiên, với môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và là biểu tượng xanh của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 38/38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về văn hóa và về sản xuất; 3/6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người ở vùng nông thôn trong tỉnh đến cuối năm 2023 đạt 80 triệu đồng/năm.

  THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=746
Quay lên trên