Bình Dương phấn đấu trở thành một trong 7 thành phố thông minh nhất thế giới
Theo dõi Báo Bình Dương trên
(BDO) Triển khai xây dựng thành phố thông minh (TPTM), thời gian qua Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả như tổ chức thành công 2 sự kiện quốc tế là Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) năm 2018, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) năm 2018; trở thành thành viên Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) và được công nhận là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Bình Dương tiếp tục thực hiện và đưa ra những giải pháp nhằm xây dựng TPTM Bình Dương trong thời gian tới, phấn đấu trở thành một trong 7 TPTM nhất thế giới.
Xây dựng TPTM, việc phát triển công nghệ cao góp phần thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại Bình Dương. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
29 đề án cho giải pháp xây dựng TPTM trong năm 2019
Trong số 29 đề án, có thể kể đến như: Đối với công tác triển khai mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) gồm những dự án trọng tâm cần triển khai trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cải cách hành chính, giáo dục, xây dựng Chính phủ điện tử, cải tiến chất lượng giáo dục, phát triển trung tâm chuyên gia TPTM… Cùng với đó là các dự án, chương trình kết nối với ICF, WTA để phát triển TPTM; ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo điều kiện cho các dự án phát triển công nghệ cao để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó có xây dựng nhà máy bán dẫn tại Bình Dương...
Về giải pháp, ông Peter Portheine, Ủy viên Hội đồng vùng Noord Brabant (Hà Lan), thành viên Ban điều hành TPTM Bình Dương, cho biết năm 2019, Bình Dương cần tập trung vào phát triển công nghệ số (băng thông rộng và dịch vụ số), chuyển đổi số trong xã hội, bảo đảm mỗi người dân đều được kết nối với internet, xây dựng chương trình bền vững, trở thành tỉnh hiện đại thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cần ưu tiên thực hiện các dự án: Tiếp tục triển khai mạnh mô hình “ba nhà”, Chính phủ điện tử, cải tiến dịch vụ của chính quyền bằng việc thực hiện công nghệ thông tin, xây dựng khu công nghiệp khoa học - công nghệ; cùng với đó là Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020…
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Ông Peter Portheine cho biết, nếu Bình Dương muốn trở thành tốp 7 TPTM nhất thế giới trong năm 2019 thì cần thực hiện số hóa, mở rộng băng thông. Đây không chỉ có trách nhiệm của các sở, ngành mà còn là của cả doanh nghiệp. Bình Dương có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tới đây, Bình Dương sẽ tập trung vào giai đoạn sản xuất hoàn thiện; có thể xem đây là kịch bản tốt nhất cho giai đoạn ngắn hạn của cụm công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh. Điều này có nghĩa đầu tư có hạn mức và tỷ lệ việc làm cao; ngoài ra có thể là cơ sở của khu công nghệ cao mới tại tỉnh.
Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn đang tìm kiếm địa điểm thay thế cho công đoạn sản xuất giai đoạn cuối qua các nước Đông Nam Á. Chiến lược các nước láng giềng của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là giai đoạn kết thúc của chuỗi cung ứng bán dẫn đơn giản hơn. Khi đã quen thuộc với công nghệ và các vi mạch, họ đẩy nhanh các chuỗi cung ứng để tránh thất bại, nếu như họ giải quyết vấn đề khó khăn nhất trước tiên.
Dự án nhà máy bán dẫn tại Bình Dương là dự án đầu tiên tại Việt Nam sẽ được khánh thành năm 2019. Bình Dương đang nhắm đến một nhà máy hiện đại sản xuất giai đoạn cuối cho các sản phẩm nhận dạng, bảo mật như thẻ ngân hàng, thẻ ID… Để thực hiện dự án này, ông Peter Portheine cho rằng, bước đầu tiên Bình Dương cần làm là xây dựng giai đoạn khởi tạo dự án vững chắc trên thị trường bán dẫn ở miền Nam Việt Nam; các khía cạnh kỹ thuật tổ chức và tài chính của hoạt động được dự tính và phân tích rủi ro với cơ sở vững chắc. Điều này sẽ dẫn đến một kế hoạch hành động toàn diện để xây dựng, quản lý và khai thác các cơ sở này, bao gồm các thị trường mục tiêu, lựa chọn công nghệ, khách hàng tiềm năng và nhà đầu tư. Các giai đoạn khởi tạo dự án sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc, rõ ràng trong thị trường bán dẫn và tiềm năng cho Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng.
Theo ông Nguyễn Đăng Đức, Giám đốc Nhà máy xi măng Badico (Bình Dương), xu hướng công nghệ đang là xu hướng tất yếu nên các doanh nghiệp nếu bỏ qua công nghệ hầu như sẽ bị tụt hậu. Hiện nay, các nước trên thế giới đang cố gắng kết nối với nhau và dùng công nghệ để phá bỏ các rào cản để gần nhau, đến với nhau, hợp tác và cùng phát triển. Do đó, nền kinh tế cộng đồng chung của các nước này cũng mạnh lên. Ông cho rằng Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng cũng phải đi theo xu hướng đó.
Tại cuộc họp Ban Điều hành TPTM Bình Dương vừa qua, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng ban điều hành TPTM, nhấn mạnh những năm qua tỉnh Bình Dương đã đi đúng hướng khi thực hiện xây dựng TPTM. Ông cũng đánh giá cao việc triển khai đề án xây dựng TPTM của các cơ quan, ban, ngành, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan triển khai tốt các chương trình năm 2019.
PHƯƠNG LÊ