Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay Bình Dương có 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tỉnh, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại đạt 3 sao. Sau khi được công nhận OCOP đã tạo điều kiện cho các sản phẩm tiêu thụ tốt hơn và thu nhập của nông dân, doanh nghiệp tăng lên.
Nhiều sản phẩm tiềm năng của tỉnh đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao. Trong ảnh: Các sản phẩm tiềm năng của xã An thái, huyện Phú Giáo
Hướng đến giá trị cao
Từ mô hình trang trại tổng hợp và cung cấp vật tư nông nghiệp, năm 2012, bà Tăng Thị Hằng ở xã An Long, huyện Phú Giáo đưa mô hình nuôi chim yến về địa phương. Đến nay, với 3 nhà nuôi yến diện tích hơn 1.600m2, mỗi tháng cho thu khoảng 15kg tổ yến thô, với giá từ 20 - 22 triệu đồng/kg, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng/năm.
Năm 2019, sản phẩm tổ yến Hiếu Hằng của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng đã đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Dương, năm 2021 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Bà Tăng Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH yến Hiếu Hằng, cho biết để đạt chứng nhận OCOP, các quy trình từ thu hoạch đến chế biến được thực hiện theo các bước bảo đảm an toàn. Hiện nay, ngoài tổ yến thô, cơ sở còn đẩy mạnh chế biến yến tươi, chè yến, cháo yến. “Lúc nào cơ sở cũng đưa chất lượng yến lên hàng đầu, 100% nguyên chất, không dùng chất bảo quản, theo tiêu chí sản vật vàng - chất lượng vàng”, bà Hằng chia sẻ thêm.
Cũng xác định được giá trị sản phẩm khi đạt tiêu chuẩn OCOP, Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) đã đăng ký tham gia chương trình. Kết quả, năm 2021, sản phẩm bưởi da xanh được công nhận OCOP 3 sao. Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: “Sản phẩm được công nhận OCOP sẽ được tiêu thụ tốt hơn, giá cả và sản lượng được ổn định hơn, thương lái hoặc doanh nghiệp đến thu mua cũng yên tâm vì sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết chương trình OCOP hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển; đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Hiện chương trình đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Tuy nhiên, so với các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp trong tỉnh, số lượng được công nhận OCOP còn ít. Lý giải về nguyên nhân này, ông Phạm Văn Bông cho biết địa phương chú trọng chất lượng hơn chạy theo số lượng, các quy trình xét duyệt, thẩm định khắt khe. “Hội đồng chứng nhận hướng dẫn cho các địa phương, đặc biệt tuyên truyền, vận động nhiều đợt trên các kênh thông tin đại chúng để người tham gia chứng nhận OCOP hiểu được và nắm vấn đề để khi thực hiện đạt các quy định. Cũng vì vậy, sản phẩm đạt OCOP trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nhưng chất lượng trên thị trường bảo đảm thương hiệu, nhãn hiệu và uy tín lâu dài”, ông Phạm Văn Bông cho biết thêm.
Tạo cơ hội vươn ra thị trường
Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP. Sau khi được công nhận OCOP đã tạo điều kiện cho các sản phẩm tiêu thụ tốt hơn và thu nhập của nông dân, doanh nghiệp tăng lên. Song song với việc tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chứng nhận, sở ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá giúp các sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để nông dân, hợp tác xã ký gửi sản phẩm.
Theo ông Phạm Văn Bông, OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, tập trung ưu tiên đối với các sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Các sản phẩm gốm, sơn mài, đan lát, chạm khắc thuộc nhóm sản phẩm thứ tư trong 6 nhóm sản phẩm OCOP (nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí) là nhóm sản phẩm tiềm năng OCOP rất lớn ở Bình Dương, đặc biệt đối với sản phẩm gốm sứ và sơn mài. Thông qua việc triển khai chương trình OCOP thường niên, Ban chỉ đạo chương trình tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm gốm sứ, sơn mài, đan lát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ để đạt các chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần phát triển nhóm sản phẩm OCOP thứ 6 (nhóm du lịch nông thôn).
Để các sản phẩm đủ điều kiện được công nhận, các đơn vị, địa phương đang hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO... cho các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP với phương châm “chất lượng hơn số lượng”. Từ các chính sách nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, chế biến; hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cải tiến bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh quảng bá và kết nối tiêu thụ từ đó hình thành các chuỗi liên kết, hướng đến phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bền vững với môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa trong sản xuất OCOP. Trong đó, chú trọng nhất là các giải pháp xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Chương trình OCOP sẽ là bước tiếp nối chuyển tải và phát triển các giá trị truyền thống của địa phương, của cộng đồng dân cư Bình Dương ngày càng phát triển, không chỉ giới thiệu cho các tỉnh, thành trong nước mà còn mở rộng sang thị trường các nước trên thế giới, không chỉ phát triển sản phẩm trong hiện tại mà còn lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
THOẠI PHƯƠNG