Bình Dương phát triển mô hình giao thông TOD hiện đại

Cập nhật: 19-09-2024 | 08:46:26

Xây dựng thành phố thông minh không tiếp cận theo cách thông thường là áp dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể, thay vào đó Bình Dương xây dựng hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối. Trong đó, Bình Dương đang phát triển mô hình giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán) hiện đại, mở ra không gian phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

 Bình Dương sẽ phát triển tuyến buýt nhanh BRT để phục vụ phát triển mô hình TOD hiện đại

 TOD gắn phát triển chuỗi đô thị hiện đại

Bình Dương đang là một trong những địa phương tiên phong phát triển đô thị thông minh. Trong quy hoạch và phát triển, tỉnh đang triển khai “Đề án thành phố thông minh - Bình Dương”, với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các viện, trường và hợp tác quốc tế. Đến nay, Bình Dương đã hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống quản lý thông tin địa lý GIS trên quy mô toàn tỉnh, cho phép cập nhật và tra cứu thông tin quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, phản ánh thông tin hoạt động xây dựng… liên thông; triển khai một số dịch vụ thông minh phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bình Dương đang tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng; đồng thời xúc tiến xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) thực hiện dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương (BRT) bằng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản. Phía Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ tỉnh nghiên cứu phương án phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) để kết nối các TOD trong nội tỉnh...

Bình Dương tích hợp Đề án thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025 với chiến lược đột phá mới, đặt trọng tâm quy hoạch “Vùng đổi mới sáng tạo” trong mô hình 5 lớp, gồm: Quy hoạch đô thị và giao thông; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và công nghiệp 4.0; phát triển và thu hút nguồn nhân lực. Trong đó, phát triển hệ thống giao thông thông minh được coi là trụ cột quan trọng với cốt lõi là phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đối ngoại để kết nối đồng bộ, thông suốt với vùng, khu vực, là đòn bẩy thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Theo đó, Bình Dương ứng dụng mô hình TOD - đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng, nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến xe buýt nhanh BRT, giao thông kết nối vùng.

 

Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh thống nhất phát triển tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên kết nối vào trung tâm thành phố mới Bình Dương, với chiều dài 34km

Góp phần giảm áp lực giao thông đô thị

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bình Dương đang tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mô hình TOD của tỉnh cũng sẽ gắn với các tuyến đường sắt đô thị kết nối TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các đường Vành đai 3, Vành đai 4… trong tương lai.

Cùng với Quốc lộ 13 đang được nâng cấp, mở rộng, việc di chuyển giữa Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh sẽ thuận lợi hơn, rút ngắn nhiều thời gian. Đồng thời, mô hình TOD tuyến metro kết nối giữa Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh sẽ góp phần thúc đẩy phát triển không gian đô thị giữa các địa phương. Cùng với đó, việc chuẩn bị phát triển các tuyến buýt BRT sẽ phục vụ đắc lực cho tuyến metro, tạo thuận lợi cho người dân tham gia loại hình di chuyển này trong tương lai. Mô hình TOD hiện đại sẽ góp phần giảm áp lực giao thông đô thị trong tương lai.

Bình Dương đang ưu tiên nguồn lực để khởi công và hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm; trong đó chú trọng nguồn lực đầu tư cho giao thông thông minh gắn với việc ứng dụng, tích hợp các công nghệ và chiến lược quản lý hiện đại vào hệ thống giao thông đô thị nhằm cung cấp các phương thức và các dịch vụ vận tải vào quản lý giao thông một cách sáng tạo. TOD sẽ là mô hình phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông thông minh của Bình Dương kết nối với các tỉnh, thành Đông Nam bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

 Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương thuộc vùng động lực phía Nam. Theo đó, Bình Dương sẽ phát triển mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số; phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học, công nghệ, logistics; thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ phát triển mạng lưới không gian xanh theo mô hình đô thị vườn, với khung cấu trúc mặt nước, kết nối liên thông với các không gian đô thị, khu công nghiệp, trung tâm đô thị; phát triển các mảng xanh để tạo hệ sinh thái xanh toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh cũng sẽ hình thành chuỗi đô thị dịch vụ theo mô hình TOD gắn với các dự án đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, Suối Tiên - Thủ Dầu Một - Bàu Bàng…

 MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=779
Quay lên trên