Trong tuần qua, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) do ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát và làm việc tại Bình Dương về nội dung thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích và xem xét, thống nhất việc triển khai thí điểm mô hình phối hợp giữa Trung tâm Hành chính công (TTHCC) và Bưu điện tỉnh trong việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân qua dịch vụ bưu chính.
Nhân viên Bưu điện TX.Dĩ An tiếp nhận hồ sơ của người dân
Người dân hưởng lợi từ dịch vụ công ích
Trong thời gian qua, Sở TT-TT, TTHCC và các sở, ngành liên quan đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Từ chỉ đạo của UBND tỉnh, Bưu điện tỉnh tiếp tục thực hiện ký kết hợp đồng triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích với 20/30 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, Bưu điện tỉnh đã tiếp nhận 92.155 hồ sơ và trả kết quả giải quyết 338.154 hồ sơ TTHC công của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong 2 tháng đầu năm 2018, Bưu điện tỉnh đã tiếp nhận 10.980 hồ sơ và trả kết quả giải quyết 208.620 hồ sơ TTHC công.
Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết điểm thuận lợi là trước khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích (Quyết định số 45/QĐ-TTg), năm 2014, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận cho phép Bưu điện tỉnh thực hiện thí điểm việc tiếp nhận hồ sơ và phát trả kết quả hồ sơ. Nếu như năm 2014, Bưu điện tỉnh trả kết quả được 80.169 hồ sơ thì năm 2015 con số đó đã tăng lên trên gấp 2 lần, đến năm 2016 đã tăng lên gấp 8 lần, đạt con số 545.580 hồ sơ. Bình Dương cũng là tỉnh đi đầu của cả nước trong việc triển khai dịch vụ công ích trong giải quyết TTHC, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm TTHC mọi lúc mọi nơi. Đây được xem là thành công của Bình Dương để hướng tới nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.
Trong quá trình làm việc tại Bình Dương để tìm hiểu về dịch vụ công ích, Đoàn công tác của Bộ TT-TT đã đánh giá cao sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành để dịch vụ công ích đạt hiệu quả cao, nhất là trong lĩnh vực trả hồ sơ công cho người dân. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, nhận định: “Thay vì phải đến trụ sở các cơ quan Nhà nước, giờ đây người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương có thể thực hiện nộp hồ sơ tại các điểm bưu điện và nhận kết quả giải quyết TTHC ngay tại nhà. Đây là điều không chỉ thuận lợi đối với cá nhân, tổ chức đến thực hiện TTHC mà việc tiếp nhận, trả kết quả các TTHC qua đường bưu điện còn giảm áp lực với cơ quan hành chính Nhà nước, tránh quá tải tại điểm giao dịch. Từ đó, cơ quan giải quyết TTHC có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết kịp thời các hồ sơ đúng thời gian quy định”.
Triển khai dịch vụ về cơ sở
Một trong những nội dung quan trọng trong chuyến khảo sát tại Bình Dương của Đoàn công tác là tìm hiểu, khảo sát triển khai thí điểm mô hình phối hợp giữa TTHCC và Bưu điện tỉnh tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân qua dịch vụ bưu chính. Đoàn đã khảo sát một số điểm tại TP.Thủ Dầu Một về việc triển khai dịch vụ công ích, nhất là tìm hiểu sâu về dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC theo Quyết định số 1593/QĐ-UBND của UBND tỉnh về triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua Bưu điện giai đoạn 2017-2020.
Nói về kế hoạch sắp tới, ông Lai Xuân Thành cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo Tổ công tác của tỉnh quyết tâm triển khai Quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ, khảo sát tại các cơ quan còn lại để triển khai dịch vụ công ích. Song song đó, UBND tỉnh sẽ thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra việc tiếp nhận hồ sơ của Bưu điện tỉnh tại các bưu cục để tăng cường dịch vụ công ích trong giải quyết TTHC tại cơ sở. Theo ông Thành, thời gian qua Sở TT-TT phối hợp với Sở Nội vụ, TTHCC, Bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nhân viên bưu điện thực hiện tiếp nhận hồ sơ của 90 TTHC và trả kết quả giải quyết 975 TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên bưu điện tiếp nhận hồ sơ; tăng cường công tác tuyên truyền về cơ sở để người dân nhận biết dịch vụ, chỉ cần ở tại nhà hoặc đến các bưu cục gần nhất cũng có thể làm hồ sơ, thủ tục mà không cần phải đến TTHCC.
Thực tế cho thấy tại Bình Dương việc triển khai dịch vụ công ích tại cơ sở đã bước đầu phát huy tác dụng. Người dân chỉ cần đến các bưu cục có thể được nhân viên bưu điện hướng dẫn và nhận hồ sơ hoặc có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thông qua trang dịch vụ hành chính công của tỉnh… Tuy nhiên, việc người dân có nhu cầu chưa nắm rõ các dịch vụ này nên dẫn đến thói quen vẫn đến cơ quan Nhà nước làm thủ tục là một hạn chế, khó khăn. Đây là một trong những hạn chế mà tỉnh Bình Dương đang tìm giải pháp để phát huy trong thời gian tới, trong đó cần tuyên truyền mạnh để mọi người dân đều nắm rõ dịch vụ và thực hiện dịch vụ tại cơ sở, làm lợi cho chính cơ quan Nhà nước và tổ chức, cá nhân.
SÔNG TRÀ