Hôm qua (9-3), Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và triển khai một số văn bản mới của Trung ương về tổ chức bộ máy, cán bộ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: HỒ VĂN
Hiệu quả từ Đề án 711
Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh nghiên cứu sửa đổi, bổ sung: Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND ngày 12-12-2019 ban hành quy định về số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách, mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố; Nghị quyết số 24/2021/ NQ-HĐND 10-12-2021 ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. |
Bà Nguyễn Minh Thủy, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết sau 5 năm triển khai Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/ TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) (gọi tắt là Đề án 711), Bình Dương đã thực hiện giảm được nhiều phòng ban, hợp nhất, sáp nhập nhiều cơ quan, như: Sáp nhập Ban Quản lý các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore vào Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hôi vào Văn phòng HĐND tỉnh.
Kết quả nổi bật của đề án có thể thấy được là tổ chức bộ máy giảm được 66 phòng (26,72 %) và giảm được 1.224 biên chế hành chính (29,1%), 2.272 biên chế sự nghiệp (25,5%), đã giúp cho các cơ quan sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong và nhân sự theo hướng tinh gọn để nâng cao hiệu quả công việc và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời kéo giảm biên chế hành chính về xấp xỉ với chỉ tiêu Trung ương giao cho tỉnh giai đoạn 2017-2021, góp phần thực hiện chi tiêu ngân sách được tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Đề án 711 giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương tinh giản được số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực; nâng cao ý thức và vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm được đầu mối cơ quan hành chính Nhà nước có cùng chức năng, nhiệm vụ và giảm được số phòng ban chuyên môn trực thuộc các sở, ban ngành tỉnh.
Đề án đã giúp việc trẻ hóa, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh thời gian qua, nhất là cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025 thể hiện rõ nét so với các nhiệm kỳ trước. Quá trình triển khai thực hiện Đề án 711 thể hiện chặt chẽ, thận trọng trong từng bước, từng khâu, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và công tác cán bộ; bảo đảm được sự khách quan, dân chủ trong quá trình thực hiện.
Bình Dương kiến nghị Trung ương xem xét bổ sung biên chế cơ quan Đảng, đoàn thể, hành chính, sự nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh; ban hành quy định xét chuyển người hoạt động không chuyên trách (không qua bầu cử) trở thành công chức cấp xã; không phận biệt công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã vì khối lượng công việc và trình độ ngang nhau; không phân biệt công chức cấp huyện và công chức cấp xã vì không khác nhau về hình thức tuyển dụng công chức (đều phải thi tuyển); điều chỉnh mức phụ cấp kiêm nhiệm các chức danh cấp xã cho phù hợp… |
Xây dựng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn
Việc hợp nhất, sáp nhập ở một số cơ quan làm cho khối lượng công việc lớn, một bộ phận cán bộ, công chức phải thay đổi vị trí công tác nên bước đầu gặp khó khăn trong phụ trách và xử lý công việc. Việc thực hiện thí điểm kiêm nhiệm một số vị trí chức danh chưa phù hợp tình hình thực tế ở cơ sở, gây áp lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý được phân công kiêm nhiệm, trong khi biên chế giảm, số lượng cấp phó giảm, khối lượng công việc ngày càng tăng theo tốc độ phát triển chung của tỉnh. Mức phụ cấp kiêm nhiệm còn quá thấp, chưa tạo động lực cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách khi được phân công kiêm nhiệm...
Trước những hạn chế này, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đã ghi nhận các kiến nghị, khó khăn chung, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư đông, địa bàn phức tạp, nhiều khu cụm công nghiệp, tốc độ phát triển kinh tế nhanh ở TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An.
Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận những thành quả chung trong việc thực hiện Đề án 711. Đồng thời lưu ý, việc gì đã đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cơ quan tham mưu giúp việc nhanh chóng đưa vào nghị quyết thực hiện trong thời gian tới. Trong sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị phải bảo đảm nguyên tắc của Trung ương, của tỉnh, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng. Các cấp ủy Đảng cần bố trí nguồn lực đúng quy định, xây dựng các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức hợp lý, nhất là hỗ trợ cán bộ cấp cơ sở…
Thực hiện Đề án 711 của tỉnh, cán bộ lãnh đạo các phường ở TP.Thuận An được yêu cầu phải tận lực kiêm nhiệm nhiều việc. Trong ảnh: Lãnh đạo Đảng ủy phường Lái Thiêu làm việc tận tâm tận lực hướng về cơ sở
Thời gian tới, toàn tỉnh sẽ xây dựng hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, phân cấp phân quyền rõ trách nhiệm giữa cơ quan Đảng và chính quyền trên nguyên tắc không được lấn sân nhưng không được buông lỏng công tác quản lý. Tỉnh ủy cũng đặc biệt chú ý quan tâm yếu tố con người trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, bảo đảm hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương.
HỒ VĂN