Bình Dương “rộng cửa” đón nhà đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 21-02-2023 | 07:58:40

Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp của DN trong nước, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Động lực thu hút đầu tư

Cuối năm 2022, UBND tỉnh ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) để xây dựng khu công nghiệp (KCN) cơ khí hỗ trợ trên địa bàn Bình Dương, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD). Theo đó, bắt đầu từ năm 2023, Tập đoàn Trường Hải sẽ tập trung các nguồn lực để nghiên cứu dự án và UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các thủ tục đầu tư xây dựng dự án.

Bình Dương nằm trong top các địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước (TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh và Bình Dương). Sựphát triển của CNHT đã bước đầu hình thành liên kết sản xuất giữa các DN trong nước vàDN FDI. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam (KCN Mỹ Phước 3)

Thời gian qua, nhằm thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực CNHT, Bình Dương đãưu tiên, khuyến khích phát triển CNHT và nâng cao năng lực các DN CNHT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xãhội của tỉnh. Tuy nhiên, dù có lợi thế về cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại so với các địa phương khác, nhưng Bình Dương vẫn chưa có KCN về CNHT chuyên sâu. Như vậy, nếu tới đây KCN cơ khí hỗ trợ đi vào hoạt động sẽ giúp Bình Dương tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều tập đoàn quốc tế lựa chọn để đầu tư, phát triển sản xuất các sản phẩm ngành CNHT.

Theo ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và CNHT Thaco Industries, tỉnh Bình Dương có rất nhiều thế mạnh để xây dựng KCN hỗ trợ. Tỉnh có cộng đồng DN lớn mạnh, có các lợi thế về hạ tầng, quỹ đất và sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền. Do đó, KCN cơ khí hỗ trợ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.

Phát triển theo hướng trọng tâm, trọng điểm

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp, CNHT. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều các dự án, DN lớn tham gia vào ngành CNHT. Đến nay, tỉnh có 29 KCN được thành lập trong tổng số 34 KCN theo quy hoạch. Sự phát triển CNHT của tỉnh đãtừng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 2.300 DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT, gồm 442 DN dệt may, 172 DN da giày, 593 DN chế biến gỗ và 710 DN cơ khí...

Theo đại diện Sở Công thương, các DN CNHT trên địa bàn tỉnh cũng đang được Sở Công thương hết sức tạo điều kiện phát triển để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng, như: Tạo sự liên kết, chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất, lắp ráp và sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô trong các KCN, cụm công nghiệp; sớm hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện, dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao…

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết phát triển CNHT là xu hướng tất yếu, không chỉ phục vụ sản xuất công nghiệp của Bình Dương và cả nước mà còn hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đãvà đang tích cực hỗ trợ các DN phát triển CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm... Trong đó, chú trọng phát triển các ngành CNHT, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng CNHT; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực CNHT.

Để ưu tiên phát triển và nâng tầm ngành CNHT, Bình Dương đã hình thành KCN tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000 ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại KCN này. Điển hình như dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ đô la Mỹ, trên diện tích 42 ha của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ô tô; dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) với vốn đầu tư đăng ký 1,370 tỷ đô la Mỹ… Ngoài ra, dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore), có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu đô la Mỹ tại KCN VSIP II-A.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=7366
Quay lên trên