Quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của Bình Dương đã tạo ra áp lực lớn về công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Tranh thủ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã được Bình Dương sử dụng rất hiệu quả.
Xây dựng niềm tin bằng uy tín
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2016- 2020, tỉnh dành nguồn kinh phí dự kiến khoảng 13.230 tỷ đồng cho công tác BVMT, trong đó nguồn vốn ODA chiếm khoảng 7.619 tỷ đồng. Trong số 14 dự án BVMT được tỉnh cụ thể hóa từ nguồn vốn nói trên, có những dự án đáng lưu ý như Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, Dự án Mua sắm trang thiết bị phục vụ cho ứng cứu sự cố môi trường do cháy nổ, Đề án Xử lý chất thải y tế Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025…
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương tại TX.Bến Cát
Điều đáng mừng, Chính phủ Nhật Bản đã đồng hành cùng Bình Dương trong hầu hết các dự án trọng điểm cải thiện môi trường bằng nguồn vốn ODA ưu đãi. Có thể kể đến như dự án Nhà máy xử lý nước thải cho toàn TP.Thủ Dầu Một, công suất 17.650m3/ngày đêm. Dự án đã hoàn thành và đang thực hiện chức năng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho hơn 13.000 hộ dân sống trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một; Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương còn được triển khai tại TX.Thuận An là Tiểu dự án 2 của Dự án thoát nước và xử lý nước thải cụm đô thị Nam Bình Dương, công suất 54.000m3/ ngày đêm. Dự án này được chia làm 3 giai đoạn; giai đoạn 1 có công suất 17.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, (trong đó vốn ODA chiếm 85%, vốn đối ứng 15%) đang được khẩn trương thực hiện.
Ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, Bình Dương là địa phương sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản đúng mục đích và hiệu quả nhất tại Việt Nam. Ông hài lòng khi các dự án thực hiện đều đạt đúng tiến độ cam kết và sớm đưa các công trình cải thiện môi trường vào sử dụng phục vụ đời sống người dân.
Ngoài Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, JICA còn giúp Bình Dương triển khai Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước các lưu vực sông. Đây là dự án có sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản nhằm giúp các tỉnh, thành lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn cải thiện môi trường nước trên các sông này.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Đầu năm 2018, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương tại TX.Bến Cát, đã hoàn thành giai đoạn II và đi vào vận hành (sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch). Dự án này được thực hiện qua 2 giai đoạn với vốn đầu tư 30,5 triệu USD, gồm vốn vay ODA và vốn đối ứng của tỉnh; riêng giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng, trong đó vốn ODA từ Phần Lan gần 131 tỷ đồng. Dự án góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường của Bình Dương, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững.
Một dự án cũng đang được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm là Dự án Thoát nước đô thị và xử lý nước thải sinh hoạt khu vực TX.Dĩ An. Dự án này có sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án gồm 3 hợp phần: Thu gom và xử lý nước thải TX.Dĩ An; cải tạo hệ thống thoát nước mưa TX.Dĩ An; hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường thể chế cho tỉnh Bình Dương, TX.Dĩ An và Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương. Tổng mức đầu tư của dự án là 115,234 triệu USD, gồm: Vốn vay WB là 92,212 triệu USD, vốn đối ứng phía Việt Nam là 23,022 triệu USD. Sau khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, chấm dứt tình trạng xả nước thải trái phép, sử dụng nguồn tài nguyên nước hiệu quả, góp phần giữ gìn an toàn nguồn nước, lưu vực sông Đồng Nai và bảo đảm duy trì nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
XUÂN VĨ