Bình Dương tập trung nhiều nguồn lực cho chuyển đổi số

Cập nhật: 05-10-2023 | 08:01:59

Thực hiện mục tiêu “Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương đã tập trung và dành nhiều nguồn lực để thực hiện CĐS, từng bước xây dựng một chính quyền số, kinh tế số và xã hội số để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống, sinh hoạt của người dân và sản xuất của doanh nghiệp (DN).

Nỗ lực CĐS

Với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp của Chính phủ, thời gian qua, Bình Dương đã tập trung dành nhiều nguồn lực để hướng đến các mục tiêu này.

Ông Nguyễn Xuân Thắng (thứ 5 từ trái sang), Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức công bố Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC) và Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Bình Dương hiện có khoảng 65.000 DN, trong đó có trên 45.000 DN đang sử dụng các nền tảng số và có hơn 1.300 DN với hơn 55.720 lao động cung cấp, kinh doanh điện - điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ số. Bằng nhiều nguồn lực đầu tư cho CĐS, tỉnh đạt các kết quả đáng khích lệ về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) trong năm 2022, tỉnh xếp vị trí 35/63 tỉnh, thành phố. Về xếp hạng DTI (Bộ chỉ số CĐS) cấp tỉnh, Bình Dương xếp thứ 19/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc so với năm 2021. Chỉ số về “nhận thức số” Bình Dương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Trong năm 2022, tỉnh dành 30 tỷ đồng ngân sách cho công tác CĐS và dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ thực hiện 50 tỷ đồng cho công tác này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và tiếp thu các các ý kiến, kiến nghị và đề xuất của Bình Dương về hỗ trợ nguồn lực thúc đẩy CĐS cho DN. Bộ cũng sẽ tạo điều kiện thẩm định về quy hoạch khu công nghệ thông tin tập trung trong quy hoạch tỉnh Bình Dương; hỗ trợ định hướng mô hình làng thông minh. Bộ sẽ xem xét, hướng dẫn ban hành các tiêu chí kỹ thuật về hệ thống camera cho đô thị thông minh; hỗ trợ Tổng Công ty Becamex IDC lập hồ sơ và hoàn thiện nền tảng số khu công nghiệp thông minh; hỗ trợ về chính sách, hướng dẫn để phát triển về hạ tầng mạng viễn thông, đặc biệt trong công tác cấp phép trạm BTS. Bộ cũng sẽ hỗ trợ nguồn lực để nâng cao năng lực về an toàn thông tin và hỗ trợ nguồn lực đào tạo, đào tạo lại về công nghệ số cho người lao động ít nhất 1 giờ/tuần cho khoảng 1,2 triệu công nhân trong các khu công nghiệp theo yêu cầu tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao trong công tác thực hiện CĐS của tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm tạo sức lan tỏa trong tất cả hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và DN trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, CĐS và Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn tỉnh; 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến xã đã thành lập ban chỉ đạo do người đứng đầu làm trưởng ban; có 19 cơ quan, đơn vị đăng ký các nội dung, công việc CĐS năm 2023…

Bên cạnh những thuận lợi, công tác CĐS của tỉnh còn những khó khăn nhất định, như phát triển hạ tầng viễn thông đang gặp khó khăn do đang vướng quy hoạch về mục đích sử dụng đất bưu chính viễn thông khi trong các khu dân cư là quy hoạch mục đích sử dụng đất ở đô thị, không thể cấp phép xây dựng trạm viễn thông. Tỉnh đang phát triển mạnh hệ thống camera cho đô thị thông minh nhưng chưa có tiêu chuẩn, định mức và hướng dẫn ban hành nên rất khó khăn, lúng túng trong công tác đầu tư, mua sắm và kết nối các hệ thống. CĐS lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp thông minh đang triển khai chậm do không có mô hình, hướng dẫn. Bên cạnh đó, tỉnh gặp khó khăn trong công tác liên thông dữ liệu với các hệ thống thông tin do bộ, ngành triển khai...

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong CĐS

Tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết Bình Dương quyết tâm tập trung và dành nhiều nguồn lực cho công tác CĐS. Tỉnh không ngừng dành nguồn lực, chuẩn bị nhiều điều kiện tiếp tục đầu tư cho 3 trụ cột CĐS, gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể, Bình Dương đang triển khai chủ trương đầu tư Trung tâm Kiểm soát an ninh và giao thông của tỉnh. Tỉnh mong muốn thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, hỗ trợ tỉnh và cho ý kiến, thẩm định về công nghệ đầu tư để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, Bình Dương quan tâm đầu tư mạng 5G cho Trung tâm Hành chính của tỉnh, nơi có 2.000 cán bộ, công nhân viên làm việc để tạo thuận lợi hơn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN. Đồng thời, tỉnh mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, hướng dẫn tỉnh tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nâng cao các chỉ số đánh giá về CĐS của tỉnh để đạt được kết quả CĐS toàn diện trong thời gian tới...

Đoàn công tác tỉnh Bình Dương tham quan Bảo tàng số của Bộ Thông tin và Truyền thông

Chia sẻ với đoàn công tác tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết chậm nhất vào ngày 20-10 tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành hướng dẫn CĐS địa phương. Hướng dẫn CĐS địa phương có khoảng 50 - 60 việc, trong đó khoảng 60 - 70% việc tỉnh không phải làm mà được thực hiện từ Trung ương và DN. Địa phương chỉ phải làm khoảng 30% công việc. Đây có thể xem là “cẩm nang” để các địa phương, trong đó có tỉnh Bình Dương biết cần phải làm gì, làm thế nào và bao giờ xong, để từ đó chủ động hơn trong công tác đầu tư, phát triển liên quan công tác CĐS...

“Đánh giá thang điểm DTI, CĐS cần phải được xem xét lại cho phù hợp. Là địa phương đứng thứ 3 của cả nước về phát triển kinh tế, nếu không có những đánh giá đúng, sát với tình hình thì sẽ ảnh hưởng đến những cơ hội thu hút đầu tư của tỉnh….”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương và yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc cần phải xem xét, rà soát lại công tác đánh giá điểm số DTI cho phù hợp trong thời gian tới.

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1777
Quay lên trên