(BDO) Chiều 10-10, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Cục Công thương địa phương (Cục CTĐP) phối hợp với Sở Công thương tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIV năm 2024.
Chủ trì Hội nghị có Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung; đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công thương. Về phía địa phương có Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh; cùng tham dự có đại diện các đơn vị thuộc Sở Công thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương; bà Nguyễn Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp cùng các chuyên viên thực hiện nhiệm vụ khuyến công.
Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung và Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Trương Văn Minh đồng chủ trì hội nghị. Ảnh Hồng Đào
Thảo luận giải pháp phát triển công nghiệp nông thôn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Ngô Quang Trung cho biết: chính sách khuyến công thời gian qua đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các ngành các cấp từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện.
Năm 2024, công tác khuyến công bước sang năm tăng tốc thực hiện Chương trình khuyến công Quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo phê duyệt tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình khuyến công do các địa phương ban hành.
Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh Hồng Đào
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, thiên tai, tác động vĩ mô của xung đột chính trị và kinh tế thế giới, công tác khuyến công đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tiếp sức, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) vượt qua khó khăn, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công, góp phần tạo động lực cho phát triển CNNT trong tình hình mới, Cục trưởng Cục Công thương địa phương đề nghị các đại biểu tích cực đóng góp ý kiến; tập trung thảo luận, trao đổi một số nội dung như sau:
Một là, đánh giá các kết quả đạt được về công tác khuyến công trong năm 2023 và 9 tháng năm 2024 của khu vực phía Nam; những hạn chế tồn tại trong quá trình thực hiện; xác định các nguyên nhân để đưa ra giải pháp khắc phục;
Hai là, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai hiệu quả và hoàn thành các đề án/nhiệm vụ đã được giao kế hoạch trong những tháng cuối năm;
Ba là, trao đổi kinh nghiệm, bài học có giá trị phổ biến từ thực tiễn tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công;
Bốn là, thảo luận, đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương nhằm giải quyết vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.
Đặc biệt, đề xuất những vấn đề chung, quan điểm về đổi mới cơ chế chính sách, đóng góp ý kiến cho Bộ Công thương, Cục Công thương địa phương có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45 của Chính phủ về khuyến công.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn thời gian qua;…
Các đại biểu thảo luận về thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến công. Ảnh Hồng Đào
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương đã nêu những kết quả mà tỉnh Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác khuyến công và một số định hướng như: Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đến năm 2030, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại, trung tâm giáo dục đào tạo và trung tâm logistics của vùng Đông Nam Bộ...
Việc triển khai khuyến khích chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở các thành phố vào khu, cụm công nghiệp phải đảm bảo sự đồng thuận, phục vụ hài hòa lợi ích theo thứ tự ưu tiên: người lao động, doanh nghiệp, nhà nước.
Để thực hiện được việc này phải có chính sách hỗ trợ phù hợp đảm bảo sự đồng thuận, tự nguyện của các doanh nghiệp; trong đó, các chính sách hỗ trợ về khuyến công là chính sách tạo động lực hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp (tại các thành phố) vào khu, cụm công nghiệp.
Do đó, Sở Công thương tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Công thương tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21-5-2012 của Chính phủ; kiến nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, để UBND tỉnh có cơ sở tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về chính sách khuyến công địa phương. Đây chính là các chính sách tạo động lực, thúc đẩy việc thực hiện, khuyến khích chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh Hồng Đào
Phấn đấu, phát huy kết quả đạt được
Theo báo cáo của Cục CTĐP, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2023 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 81,725 tỷ đồng, đạt 82,3% so với kế hoạch năm (99,35 tỷ đồng).
Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá, từ 4 đến 8,3 tỷ đồng trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau.
Riêng tỉnh Bình Dương trong năm 2023, đã tổ chức triển khai thực hiện hoàn thiện các đề án chi tiết trình Sở Công thương thẩm định và phê duyệt được 17 kế hoạch, đề án với kinh phí thực hiện là 4 tỷ 090 triệu đồng (thực hiện đạt 100% nội dung chương trình).
Sở Công thương Bình Dương đã tổ chức thực hiện 4 lớp tập huấn chính sách khuyến công tại TP.Bến Cát, TP.Thuận An, huyện Dầu Tiếng; tổ chức hỗ trợ 10/32 cơ sở CNNT, kinh phí đề nghị phê duyệt thực hiện 2 tỷ 735 triệu đồng, thu hút hơn 5 tỷ 578 triệu đồng vốn đối ứng từ các cơ sở CNNT; thực hiện đăng ký 26 sản phẩm tham gia bình chọn bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 (kết quả có 7 sản phẩm được bình chọn); tham gia 4 Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu tại các khu vực trong chương trình khuyến công quốc gia tại Quảng Ninh, Hậu Giang, Đắk Nông, Hà Nội; thực hiện xây dựng phòng trưng bày sản phẩm CNNT tiêu biểu tại Trung tâm triển lãm quốc tế WTC EXPO. Thực hiện phát hành 6 kỳ (6.000 quyển) Bản tin Công Thương năm 2023; 6 phóng sự truyền hình và 15 bài báo tuyên truyền về hoạt động khuyến công; thực hiện “Duy trì và hỗ trợ 25 cộng tác viên khuyến công”. |
Năm 2023 chính sách khuyến công được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã tiếp sức, tạo điều kiện thuận lợi giúp cơ sở CNNT tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô, năng lực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương trong khu vực. Hoạt động khuyến công cơ bản bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình và được cụ thể hoá bằng các đề án có quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Công tác tổ chức triển khai kế hoạch khuyến công đã có bước cải thiện đáng kể. Công tác thông tin tuyên truyền về khuyến công tiếp tục được đẩy mạnh.
Năm 2024, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của tỉnh Bình Dương là 2.565 tỷ đồng, giảm 38% so với kế hoạch năm 2023 (4.090 tỷ đồng). 9 tháng năm 2024, kinh phí toàn tỉnh đã thực hiện đạt 2.105 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch năm.
Cụ thể, 9 tháng năm 2024, hỗ trợ được 4 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ được 10 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm; hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cho 49 cơ sở CNNT; phối hợp phòng Kinh tế tổ chức 2 lớp tập huấn về chính sách khuyến công cho 160 đại biểu đại diện cho UBND xã, phường, thị trấn là CTV khuyến công và các cơ sở CNNT đang hoạt động trên địa bàn huyện Bàu Bàng, thành phố Tân Uyên (thực hiện từ nguồn kinh phí địa phương); xuất bản được 3 kỳ; sản xuất và phát sóng 2 chương trình truyền hình, truyền thanh và thực hiện 5 bài báo tuyên truyền về hoạt động khuyến công.
Với quyết tâm phục hồi và phát triển sản xuất công nghiệp tại khu vực nông thôn, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tổ chức hệ thống khuyến công trên toàn tỉnh Bình Dương đã phấn đấu, phát huy kết quả đạt được của những năm trước, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước hoặc tổ chức triển khai các nội dung hoạt động khuyến công.
3 giải pháp hoàn thành kế hoạch khuyến công
Bên cạnh những kết quả nêu trên, Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Cụ thể như: nhiều địa phương chưa mạnh dạn xây dựng được các đề án KCQG điểm nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh và tạo động lực lan tỏa trong phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại địa phương; kinh phí đã được Bộ Công thương phê duyệt nhưng đến quý 4-2024, Bộ Tài chính mới chỉ thống nhất phân bổ 35% tổng kinh phí của cả chương trình KCQG năm 2024, làm chậm tiến độ triển khai đề án nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị và ảnh hưởng đến tính kịp thời của chính sách khuyến công trong quá trình đồng hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở CNNT.
Đồng thời, một số quy định liên quan gây khó khăn trong quá trình thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công như: việc phân định các nguồn chi theo pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về đầu tư công; yêu cầu về công tác đấu thầu các nội dung hoạt động khuyến công tại địa phương; việc thực hiện nhiệm vụ KCQG theo phân cấp của Bộ Công thương chưa được chính quyền một số địa phương nghiêm túc triển khai; còn tình trạng né tránh, ngại trách nhiệm… Hiệu quả các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp chưa cao; thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công còn hạn chế.
Để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực trong những tháng cuối năm 2024 và trong năm 2025 - năm cuối triển khai Chương trình KCQG và KCĐP theo giai đoạn, Cục trưởng Ngô Quang Trung nhấn mạnh một số điểm như sau:
Một là, trên cơ sở các nội dung của Chương trình KCQG, KCĐP giai đoạn đến năm 2025 và hướng dẫn xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025 của Cục CTĐP, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công theo hướng có trọng tâm trọng điểm, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số; tăng cường kiểm tra, giám sát các đề án khuyến công trên địa bàn.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu các Nghị quyết của Trung ương Đảng khoá XIII: NQ số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quyết định 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030 và mới đây nhất là Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7-10-2024 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, trong thời gian tới, Cục CTĐP mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến tích cực từ các địa phương, đơn vị để tạo điều kiện thuận lợi giúp Cục CTĐP, Bộ Công thương nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến công.
Ba là, bám sát quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP (Bộ Công thương đã ban hành Thông báo số 09/TB-BCT ngày 9-1-2024 về ý kiến kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng): Quan tâm bố trí tăng nguồn vốn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công; chủ động rà soát cơ chế chính sách tại địa phương bảo đảm đồng bộ, khả thi; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; kiện toàn tổ chức bộ máy cho đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Công Thương để triển khai các hoạt động khuyến công có tính kỹ thuật đặc thù của ngành Công thương; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng cường phối hợp giữa các Sở ngành, UBND cấp huyện, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công.
Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Trương Văn Minh chuyển giao cờ đăng cai đơn vị tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XV cho Phó Giám đốc Sở Công thương Long An Trần Thanh Toản. Ảnh Hồng Đào
Cũng tại hội nghị, toàn thể đại biểu thống nhất đề nghị trao quyền đăng cai tổ chức hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XV, năm 2025 cho Sở Công thương tỉnh Long An.
Hồng Đào – Trung tâm Xúc tiến thương mại và PTCN