Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 của tỉnh sắp kết thúc, chuẩn nghèo của tỉnh áp dụng cho giai đoạn này đã được nâng lên và điều chỉnh 2 lần phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bằng những chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo của tỉnh Bình Dương áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 cao gấp 2 lần chuẩn nghèo Quốc gia và đến nay Bình Dương đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của tỉnh theo Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ đề ra và hiện đang xây dựng chuẩn nghèo mới để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn mới 2010-2015.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị trao học bổng P&G cho học sinh nghèo hiếu học
Với phương châm: “Bằng nguồn lực của Nhà nước và của toàn xã hội, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề... đối với người nghèo, xã nghèo và nhóm dân cư nghèo” cùng với hơn 10 chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ vốn, xây tặng nhà đại đoàn kết, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, điều tra nắm bắt tình hình, đối thoại trực tiếp hộ nghèo... Bình Dương đã tạo được bước đột phá trong công tác XĐGN. Nhìn lại giai đoạn 2006-2008 áp dụng chuẩn nghèo: Hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 500.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 400.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn, theo chuẩn nghèo đến cuối năm 2008 toàn tỉnh còn lại 1.975 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,99%. Nhưng đến giai đoạn 2009-2010 áp dụng chuẩn nghèo: Hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 780.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 600.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn, theo chuẩn nghèo đến cuối năm 2009 toàn tỉnh còn lại 7.417 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,45%. Năm 2010, Bình Dương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%, hoàn thành kế hoạch đề ra theo chuẩn nghèo mới của tỉnh giai đoạn 2009-2010.
Bà Huỳnh Kim Oanh, Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT- TMC và bệnh nhân nghèo tỉnh tặng quà cho hộ nghèo ở Bến Cát
Thực hiện chương trình XĐGN giai đoạn 2006-2010, Bình Dương đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho người nghèo phù hợp với tình hình phát triển về kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương trong tỉnh. Các hoạt động của chương trình đã chú trọng hướng hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao trình độ dân trí để bảo đảm tính hiệu quả của chương trình. Trong những chính sách tạo bước đột phá trong chương trình XĐGN ở Bình Dương thì có thể kể một số chính sách thực hiện hiệu quả như: Tỉnh đã cấp kinh phí hàng tỷ đồng để đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ. Ban Chủ nhiệm XĐGN đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đi sâu sát với từng hộ nghèo để kịp thời có giải pháp giúp đối tượng thoát nghèo. “An cư lạc nghiệp” là một trong những thế mạnh mà Bình Dương đã thực hiện để giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo. Đây được xem là một trong những chính sách “đặc trưng” của Bình Dương không dùng kinh phí Nhà nước mà chỉ sử dụng kinh phí từ “Quỹ vì người nghèo” ở các cấp để xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Quốc Bình nhận xét: “Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN ở Bình Dương đã đi vào giai đoạn mới, nhiều giải pháp được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.
Như vậy, đến cuối năm 2010, Bình Dương cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo. Để chuẩn bị ban hành chuẩn nghèo mới của tỉnh, UBND tỉnh vừa xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét về chuẩn nghèo của tỉnh áp dụng cho giai đoạn 2010-2015 như sau: Khu vực nông thôn hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới 800 ngàn đồng/người/tháng và khu vực thành thị hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện chuẩn nghèo phương án này, ước tính tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 7%, toàn tỉnh sẽ có khoảng 15.037 hộ nghèo và có khoảng 6.015 hộ cận nghèo. Dự kiến theo phương án trên, mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 1,5% tỷ lệ hộ nghèo, như vậy đến cuối năm 2015 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới.
VĂN SƠN