“Thời gian qua, Bình Dương đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai hiệu quả việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH)”, đó là đánh giá của ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn công tác số 3 của đoàn giám sát Quốc hội khóa XV về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023 tại buổi làm việc với UBND tỉnh ngày 12-7.
Những năm qua, Bình Dương quan tâm, phát triển nhiều dự án NƠXH nhằm đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động. Trong ảnh: Một góc khu NƠXH Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một
Chú trọng, quan tâm thực hiện
Những năm qua, trong công tác chỉ đạo điều hành về quản lý thị trường BĐS, Bình Dương đã cụ thể hóa kịp thời chủ trương, chính sách liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Tỉnh đã ban hành chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2030, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016- 2020 và 2021-2025…
Bình Dương triển khai nhiều chủ trương và chính sách nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động (NLĐ) có thu nhập thấp, tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển các dự án NƠXH, khuyến khích đầu tư từ các doanh nghiệp… Bình Dương đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi các chủ đầu tư khu, cụm công nghiệp bố trí quỹ đất nhằm phát triển các khu nhà ở và thiết chế văn hóa cho NLĐ. Mô hình phát triển nhà ở an sinh xã hội Becamex IDC trên cơ sở quỹ đất sạch đã được đầu tư và đưa vào sử dụng với giá bán ưu đãi phù hợp với thu nhập của NLĐ, kết hợp với các hình thức cho vay mua nhà lãi suất ưu đãi đã nhanh chóng thu hút được khách hàng, góp phần giải quyết một phần nhu cầu về nhà ở cho nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo, người thu nhập thấp, NLĐ trên địa bàn.
Nhiều năm qua, Bình Dương xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển NƠXH trong việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng NƠXH, bảo đảm an toàn, tiện nghi và đầy đủ các tiện ích cho người sử dụng.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, những năm qua công tác phát triển NƠXH đã có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và cộng đồng xã hội. Bình Dương tạo điều kiện, giúp đỡ các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở để cho thuê bằng nguồn vốn của mình, góp phần giải quyết một phần lớn về nhà ở cho các đối tượng đang sinh sống và làm việc tại địa phương.
Từ năm 2015 đến 2023, tỉnh đã phê duyệt hàng trăm dự án nhà ở thương mại gồm nhà phố, chung cư, đất nền. Về NƠXH, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 12 dự án nhà ở liền kề thấp tầng và 6 dự án nhà ở chung. Trong giai đoạn 2016-2021 có 17 dự án và 1 đề án NƠXH đã được đầu tư với tổng diện tích sàn 1,33 triệu m2/2 triệu m2 sàn, đạt tỷ lệ 65% kế hoạch.
Ông Bùi Văn Cường, Trưởng đoàn công tác số 3, đoàn giám sát Quốc hội: Cùng với việc triển khai thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển NƠXH, Bình Dương cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các quy định pháp luật về thị trường BĐS và NƠXH. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Bình Dương có tỷ lệ người lao động từ các tỉnh, thành đến sinh sống và làm việc đông, chiếm khoảng 53,5% dân số trên địa bàn, nhu cầu nhà ở rất lớn. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bình Dương đã xây dựng Đề án phát triển NƠXH đến năm 2030, trong đó đặt ra chỉ tiêu phát triển hơn hơn 160.000 căn, gần gấp đôi chỉ tiêu được giao. Đề án được ban hành sẽ là cơ sở để tỉnh thực hiện các bước chi tiết, cụ thể hóa thành các kế hoạch. |
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Võ Hoàng Ngân cho biết, việc triển khai ban hành chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS, từ năm 2015 đến hết năm 2023 Bình Dương đã gặp một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, sự chồng chéo về việc trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện giữa Luật Đất đai và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (phải thông qua HĐND cấp huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt), dẫn đến việc triển khai thực hiện kéo dài. Công tác xác định giá đất cụ thể để tính nghĩa vụ tài chính về đất đai còn kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng đến phương án đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nguồn thu ngân sách từ đất đai. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với BĐS tại một số dự án còn chậm, do chủ đầu tư chưa hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai...
Cũng tại buổi làm việc, Bình Dương đã báo cáo về những tồn tại và hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển NƠXH. Cụ thể, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán còn phức tạp và kéo dài, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, việc huy động vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục những hạn chế, tạo thuận lợi phát triển NƠXH, UBND tỉnh đã đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp (nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thể chế, cơ chế; nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức thực hiện; nhóm tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển NƠXH; nhóm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển NƠXH. Đồng thời, Bình Dương kiến nghị Quốc hội cho phép các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp (nhà đầu tư nước ngoài và trong nước) được phép mua NƠXH để bố trí cho công nhân ở hoặc thuê, kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn và ban hành một số cơ chế thúc đẩy phát triển NƠXH.
PHƯƠNG LÊ