(BDO) Sáng 22-6, Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức tọa đàm khoa học phục vụ Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, từ thực tiễn tỉnh Bình Dương.
Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn phát biểu tại tọa đàm.
Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cùng chủ trì buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế và đô thị. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục; GRDP bình quân đầu người hiện nay đạt gần 7.000 USD/người/năm, thuộc vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước. Bình Dương cũng luôn đi đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Nguyễn Hoàng Thao phát biểu tại tọa đàm.
Trong phát triển kinh tế và đô thị, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa. Có thể nói, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp hóa, thu nhập trung bình cao. Bình Dương đã đi trước 10 năm trong hoàn thành mục tiêu phát triển đặt ra cho cả nước vào năm 2030 và hoàn toàn có tiền đề để trở thành tỉnh phát triển hiện đại, thu nhập cao trước năm 2045.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra một số kiến nghị trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chia sẻ về những giải pháp của tỉnh trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết, để thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: Hình thành Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại tọa đàm.
Tỉnh tập trung chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng di dời công nghiệp lên phía Bắc, phát huy điều kiện tốt để xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu chất lượng cao. Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục cải thiện, nâng cấp đô thị dịch vụ ở phía Nam, trong đó Thành phố mới Bình Dương với quy hoạch hiện đại, đồng bộ là trung tâm của tỉnh…
Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn đánh giá, dấu ấn công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương là một trong những thành công vượt bậc của thời kỳ đổi mới là rất rõ. Tới đây, hình thái phát triển và cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn hậu phát triển công nghiệp trong khi công nghiệp hiện đang chiếm gần ¾ nền kinh tế của Bình Dương.
Bình Dương cần tiếp tục xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực; tiếp tục có bước chuyển căn bản từ số lượng sang chất lượng bền vững; tận dụng công nghiệp 4.0 để chuyển đổi một cách bền vững giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Tin, ảnh: Ngọc Thanh