Bình Dương: Triển khai các biện pháp ứng phó siêu bão số 3
(BDO) Để chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại do siêu bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) gây ra, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố của tỉnh triển khai các biện pháp ứng phó mưa dông, ngập lụt và gió mạnh trên địa bàn tỉnh.
Không để bị động, bất ngờ
Nhằm khẩn trương ứng phó bão số 3, ngày 7-9, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ngành chức năng triển khai các biện pháp ứng phó mưa giông, ngập lụt và gió mạnh, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, các hoạt động sản xuất kinh doanh, học tập, sinh hoạt đi lại của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Sáng 7-9, Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức rà soát, kiểm tra và tháo dỡ các pa-nô áp phích và đèn trang trí trên các trục đường
Ban chỉ đạo yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; động đất, tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban phòng, chống thiên tai theo quy định, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn; tăng cường công tác cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của cấp chính quyền đến từng ấp, khu phố, người dân; chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là mưa dông, ngập lụt và gió mạnh, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.
Hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết mưa, bão; tình hình thủy văn, mực nước các sông chính, xả tràn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đầu nguồn; tham mưu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các địa phương xử lý kịp thời, có hiệu quả trước, trong và sau thiên tai. Đồng thời, kiểm tra các công trình thủy lợi, đê bao, công trình phòng chống thiên tai, tiêu thoát nước, khẩn trương sửa chữa các công trình bị hư hỏng, đặc biệt là hệ thống đê bao, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở,… sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê điều, hồ đập, xả lũ khẩn cấp.
Kiểm tra các công trình quảng cáo ngoài trời
Sở Xây dựng cũng đã tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn về nhà ở, nhà ở xã hội, chung cư, công trình ngầm, công trình công cộng, trụ sở công, khu công nghiệp, nhà máy; hướng dẫn, kiểm tra, cảnh báo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đảm bảo an toàn khi xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo và vận hành cần cẩu tại các công trình đang thi công. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp thực hiện nâng cấp, sửa chữa, duy tu, nạo vét khai thông thường xuyên hệ thống tiêu, thoát nước hạn chế ngập úng trong mùa mưa bão.
Trong 2 ngày 6 và 7-9, Sở Giao thông - Vận tải tổ chức kiểm tra thường xuyên các khu vực đường xung yếu, thường xuyên bị ngập, các cầu yếu… để có phương án đảm bảo giao thông thông suốt khi có sự cố do thiên tai. Ngoài ra, Sở cũng đã tổ chức kiểm tra, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư phương tiện khắc phục ngay khi có sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất, tăng cường công tác đảm bảo an toàn về người trong hoạt động giao thông thủy trong mùa mưa bão.
Di dời, sơ tán dân ở khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở
Ban chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị, khu dân cư.
Người dân chủ động cắt tỉa, mé nhánh cây có nguy cơ gãy đổ
Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kịp thời có phương án chống gãy, đổ cây xanh trên các tuyến đường giao thông, khu vực công cộng, dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị; khơi thông dòng chảy tại sông, suối, kênh rạch, hố ga, miệng thu nước trên các tuyến đường, trong các khu dân cư, đô thị để tăng khả năng tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn, ngập lụt. Thực hiện rà soát, cập nhật điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở bờ sông.
Chủ động kiểm tra công trình phòng chống thiên tai, đê bao, hồ đập chứa nước, các hệ thống tiêu thoát nước, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất; xác định các vị trí trọng điểm, xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Kiểm tra các công trình quảng cáo ngoài trời Sáng 7-9, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, để chủ động phòng tránh những sự cố có thể xảy ra gây nguy hiểm cho người, tài sản và công trình lưới điện, Thanh tra sở phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra các công trình cổng chào trang trí, các pa-nô quảng cáo nhằm kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh đối với các phương tiện tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời chưa đảm bảo an toàn. Qua đó, nhắc nhở các đơn vị quản lý chủ động kiểm tra và thực hiện các biện pháp sửa chữa, gia cố, giằng chống các công trình cổng chào, pa-nô quảng cáo ngoài trời đúng kỹ thuật do ngành xây dựng quy định; đặc biệt rà soát, kiểm tra các pa-nô quảng cáo tấm lớn dọc tuyến Quốc lộ 13. Ngay trong sáng 7-9, tại TP.Thủ Dầu Một, Phòng Văn hóa và thông tin thành phố đã triển khai việc tháo gỡ các pa-nô, đèn trang trí trên trục đường Cách mạng tháng Tám, đường Bác sĩ Yersin để phòng ngừa các sự cố giông lốc gây nguy hiểm. Công ty Điện lực tiếp tục yêu cầu các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát, kiểm tra các vị trí xung yếu, cắt tỉa cây xanh gần đường dây điện, đề phòng các sự cố điện liên quan. Trong khi đó nhiều hộ dân cũng đã chủ động cắt tỉa cây, mé nhánh có nguy cơ gãy đổ do mưa giông, gió lốc… |
Ban CHQS phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một tiến hành kiểm tra các phương án phòng chống bão lụt
“4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” ứng phó bão số 3
Để chủ động ứng phó với bão, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh khẩn trương quán triệt và tiến hành tốt công tác Đảng, công tác chính trị trong ứng phó bão số 3; tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công văn chỉ đạo của Tỉnh ủy và Quân khu 7 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
LLVT tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ cho mọi cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; tích cực tham gia giúp đỡ địa phương, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong ứng phó siêu bão số 3, khắc phục hậu quả do bão gây ra…
Triển khai các phương án phòng chống bão lụt ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một
Trong sáng 7-9, Ban CHQS các địa phương từ huyện, thành phố, đến các xã, phường, thị trấn đã rà soát phương án, cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với bão; theo phương án khi bão số 3 ảnh hưởng đến địa bàn, nhanh chóng cảnh báo, khắc phục, hỗ trợ người dân, di dời tài sản bảo đảm an toàn.
Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một: UBND TP.Thủ Dầu Một đã yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các đơn vị, địa phương của toàn thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó. Trong mọi tình huống, việc bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân được đặt lên trên hết.
UBND TP.Thủ Dầu Một cũng vừa có văn bản hoả tốc gửi đến các cơ quan, đơn vị, trường học, trung tâm và cơ sở giáo dục, UBND các phường của thành phố về việc khẩn trương triển khai công tác rà soát cơ sở vật chất, cắt tỉa cây xanh để bảo đảm an toàn. Trong đó tập trung rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, khu vực xung quanh cổng cơ quan, đơn vị, cổng trường, hàng rào, cây xanh trong và ngoài khuôn viên và có phương án gia cố, cắt tỉa cây xanh nhằm hạn chế cây đổ ngã. Ngoài ra, yêu cầu lãnh đạo các trường học, trung tâm và cơ sở giáo dục nghiên cứu, có phương án đưa đón học sinh cho phù hợp, nhất là thời điểm mưa bão, thời tiết xấu… |
Minh Duy - Thu Thảo - Hưng Phước