Ngày 27-11-2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Ngày 16-5-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2023 (gọi tắt là Nghị định số 53/2024/NĐ-CP). Để hiểu rõ hơn về những điểm mới cũng như việc triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023 và thực hiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Công trình hồ Đá Bàn (xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên)
- Xin ông cho biết những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023?
- Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024, với những điểm mới, trọng tâm, như: Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; chính sách ưu đãi với dự án cấp nước cho vùng sâu, vùng xa. Quy định về phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh. Quy định về việc bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất. Hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai. Bổ sung quy định xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước...
Luật Tài nguyên nước năm 2023 gồm 10 chương, 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. |
Luật Tài nguyên nước năm 2023 bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm: Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục. Khai thác trái phép bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Phá hoại các công trình điều tiết, trữ nước. Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước. Xây dựng hồ chứa, đập, công trình khai thác, sử dụng nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan. Luật này rút ngắn thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước. Cụ thể, theo luật mới, giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt có thời hạn tối đa là 10 năm, tối thiểu là 5 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 5 năm.
Luật Tài nguyên nước năm 2023 bổ sung các quy định về ưu tiên đầu tư tích trữ nước. Theo đó, tại Điều 63, Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước, tìm kiếm nguồn nước để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước; xây mới, cải tạo, phục hồi các hồ, ao và các công trình khác có chức năng cấp nước, điều hòa, phòng chống ngập úng nhân tạo; ưu tiên tận dụng các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác và bảo đảm các quy định của pháp luật về môi trường, khoáng sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan tạo thành hồ chứa để điều hòa, tích trữ nước, cấp nước, tạo cảnh quan; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt.
- Nội dung chính và những điểm mới của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP là gì, thưa ông?
- Nội dung chính và những điểm mới của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, như: Bổ sung quy định mới về các nguồn kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước. Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải được thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất và đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; tăng quyền của tổ chức, cá nhân khai thác nước. Hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước phải căn cứ vào quy hoạch về tài nguyên nước và kịch bản nguồn nước.
Bên cạnh đó, nghị định này bổ sung quy định về điều kiện vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực nhằm nâng cao hiệu quả điều tiết, vận hành. Bổ sung quy định mới về phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra và hạch toán tài nguyên nước. Quy định mới về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia...
- Thưa ông, Bình Dương tiếp tục triển khai nhiệm vụ cụ thể theo Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Nghị định số 53/2024/NĐ-CP như thế nào?
- Bình Dương đã tổ chức rà soát tất cả các thủ tục hành chính, quy trình một cửa để điều chỉnh cho phù hợp với Nghị định số 53/2024/NĐ-CP và thông tư liên quan; tổ chức khoanh định, công bố, điều chỉnh danh mục vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình UBND tỉnh dự thảo quyết định điều chỉnh danh mục vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất, dự kiến tháng 9-2024 sẽ ban hành.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền phổ biến quy phạm pháp luật mới có liên quan đến tài nguyên nước; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố rà soát và có văn bản đề nghị các tổ chức, cá nhân vận hành công trình thủy lợi phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép theo quy định. Sở cũng lập, công bố, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp kịch bản nguồn nước.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng rà soát điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa, công trình thủy lợi; giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép; cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước vào hệ thống thông tin và lưu trữ tài nguyên - môi trường. Đối với các moong khai thác khoáng sản dừng khai thác tạo thành hồ để điều hòa, tích trữ nước, tạo cảnh quan.
- Xin cảm ơn ông!
TIẾN HẠNH - VÕ LUYẾN (thực hiện)