Bình Dương với tiềm năng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cập nhật: 10-01-2011 | 00:00:00

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam mà kể cả các nước phát triển trên thế giới. Để khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy sự phát triển của khu vực DNNVV, trong nhiều năm qua Bình Dương đã nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển DNNVV của Chính phủ.

 Bình Dương đã thực hiện Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm 2006-2010. Đặc biệt, để hỗ trợ các DNNVV ngày càng đáp ứng những yêu cầu mới về hội nhập và phát triển, tạo sự đồng thuận và khơi dậy tiềm năng của xã hội, ngày 22-7-2010, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 2143/KH-UBND, tổ chức thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp DNNVV trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010-2015. Theo đó, kế hoạch đã xác định mục tiêu tổng quát là: Thông qua việc hình thành cơ chế, chính sách cụ thể có tính đặc thù đẩy nhanh tốc độ phát triển DNNVV; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên 3 mặt: Sản phẩm, DN và quốc gia; DNNVV đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ngành có liên quan nghiên cứu vận dụng các cơ chế và chính sách Nhà nước, đề ra các chương trình mục tiêu cụ thể để trợ giúp phát triển DNNVV như: trợ giúp về pháp lý, tài chính, đất đai và nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ, quản trị DN, xúc tiến thương mại, khuyến công, phát triển nguồn nhân lực, thông tin tư vấn, nhất là thực hiện cải cách hành chính trong việc đăng ký DN và các thủ tục về đầu tư...

  Sản xuất thức ăn gia súc xuất khẩu tại Công ty Thức ăn gia súc Lái Thiêu

Thực tế, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương, số lượng DNNVV đã phát triển rất nhanh, chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số các DN được thành lập. Trước năm 1999, DNNVV chiếm tỷ lệ dưới 50% số lượng các DN đăng ký kinh doanh. Năm 2005, tỷ lệ đạt 87,9% và tiếp tục tăng lên 95,6% vào năm 2010. Các DNNVV đóng góp 52,7% trong cơ cấu GDP của tỉnh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho gần 60% tổng số lao động toàn tỉnh. Sự phát triển tích cực của khu vực DNNVV trong những năm qua đã huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị và an sinh xã hội của tỉnh nhà.

DNNVV là khu vực kinh tế chứng tỏ sự năng động đối phó và nhanh chóng thích ứng khi có những biến động về kinh tế như giai đoạn khủng hoảng tài chính, tiền tệ toàn cầu vừa qua. DNNVV có vốn đầu tư ban đầu tuy không lớn nhưng được hình thành và phát triển rộng khắp ở các đô thị và nông thôn, ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. DNNVV có khả năng huy động và khai thác các nguồn lực, tiềm năng của xã hội, tạo nhiều cơ hội cho các tầng lớp dân cư có thể tham gia đầu tư phát triển và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, DNNVV cũng mang theo mình những đặc thù có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh và phát triển như: quy mô DN nhỏ, trình độ kỹ thuật và công nghệ lạc hậu, khả năng quản trị hạn chế do mang tính truyền thống gia đình, việc tiếp cận với các nguồn vốn, thị trường, đất đai để sản xuất... gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra DNNVV chưa tạo được mối liên kết trong nội khối và với các DN lớn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, công tác trợ giúp phát triển DNNVV của tỉnh Bình Dương theo NĐ 56/2009 CP có kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: hệ thống cơ chế, chính sách của các bộ, ngành Trung ương chưa được đồng bộ; công tác tổ chức xúc tiến, hỗ trợ DNNVV mới hình thành; chưa có cơ chế phát triển các loại hình dịch vụ phát triển DNNVV nhất là về tài chính và công nghệ; bộ máy thực hiện chức năng hỗ trợ phát triển DNNVV tại địa phương chưa hoàn chỉnh...

Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ phát triển DNNVV ngày càng thiết thực và có hiệu quả, theo đúng tinh thần Nghị định 56/2009/CP, Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 2143/KH-UBND của UBND tỉnh về trợ giúp phát triển DNNVV, thiết nghĩ, cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cải cách thủ tục hành chính và các cơ chế chính sách đặc thù theo hướng tạo môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định và thông thoáng cho DNNVV.

- Nghiên cứu, vận dụng và ban hành các quy định khuyến khích phát triển quỹ hỗ trợ DNNVV, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn tài chính, tín dụng cho DNNVV.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quản trị DN, thông tin về thị trường, kỹ thuật và công nghệ.

- Thực hiện trợ giúp DNNVV có trọng điểm dưới dạng các chương trình mục tiêu theo chức năng của từng ngành, từng lĩnh vực có quy định thời gian cụ thể.

- Tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan có hỗ trợ DNNVV trên cơ sở sự điều phối chung.

Là một tỉnh năng động trong phát triển kinh tế, Bình Dương có đủ quyết tâm khơi dậy và huy động các tiềm năng toàn xã hội để phát triển KT-XH nói chung và phát triển DNNVV nói riêng trong giai đoạn 2010-2015 theo đúng mục tiêu mà kế hoạch đã đề ra.

Th.s. LÝ XUÂN THA (Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Dương)                                                                              

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên