(Tiếp theo kỳ trước)
Đổi mới tư duy là nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, Bình Dương đã có những đổi mới mạnh mẽ về tư duy, là “tư duy đột phá, vượt trước và về trước”, đổi mới bắt đầu từ tư duy.
Tư duy phát triển đi từ chiến lược tổng thể đến xác định kế hoạch cụ thể, bước đi vững chắc và hoàn thiện các yếu tố của quá trình phát triển. Bình Dương đã ưu tiên đầu tư, nghiên cứu xác định tầm nhìn chiến lược và công tác quy hoạch phát triển tổng thể, với sự tư vấn của các chuyên gia giỏi quốc tế, để có quy hoạch phát triển dài hạn, hiện đại, tiên tiến, tầm nhìn quốc tế. Bình Dương đã sớm xây dựng chiến lược phát triển, cụ thể hóa chiến lược thành các chương trình, kế hoạch cho từng thời kỳ và triển khai chiến lược công nghiệp hóa có hiệu quả.
Quá trình đổi mới tư duy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa được ghi nhận như một bước đột phá quan trọng, một lộ trình phát triển bền vững. Trong đó, lựa chọn cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Gắn kết quá trình công nghiệp hóa với cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo các thời kỳ. Tư duy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh chủ trương phát triển loại hình khu công nghiệp tập trung, đa dạng hóa ngành nghề theo hướng ưu tiên cho các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và hàng xuất khẩu, lựa chọn phương hướng phát triển khu công nghiệp tập trung là một lựa chọn táo bạo và đúng đắn. Trong nông nghiệp, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, hướng vào kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại với cây cao su làm chủ đạo cùng một số gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ thị trường.
Đổi mới tư duy phát triển theo hướng chủ động hội nhập, tranh thủ thời cơ, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Sớm nhận thức được xu thế hội nhập, tranh thủ ngoại lực, tìm kiếm và hợp tác kinh tế, tạo ra những chuỗi sản phẩm giá trị toàn cầu, Bình Dương đã sớm có các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho sự phát triển nhanh. Đầu tư nước ngoài chiếm 69,4%.
Tư duy phát huy thế mạnh, ưu điểm của kinh tế Nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và là bà đỡ, hỗ trợ quá trình phát triển, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế Nhà nước với phát triển thị trường, lấy thị trường làm động lực cho sự phát triển. Hoạt động của kinh tế Nhà nước tuân thủ nguyên tắc thị trường, góp phần chi phối thị trường phát triển. Sự phát triển hôm nay của Bình Dương đánh dấu quá trình đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC Corp.), đây là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện liên doanh với nước ngoài để thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tư duy phát triển trên cơ sở thúc đẩy các đột phá chiến lược, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, chiến lược phát triển nguồn nhân lực và cải cách, hiện đại hóa nền hành chính. Bình Dương đã tập trung nguồn lực của các thành phần kinh tế xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, các khu công nghiệp tập trung quy mô. Hạ tầng kỹ thuật của Bình Dương được xây dựng một cách đồng bộ; cơ sở hạ tầng của KCN được xây dựng hoàn chỉnh đấu nối thông suốt với các hạ tầng ngoài hàng rào KCN, Quy hoạch các KCN theo hướng mở, gắn liền KCN với khu dịch vụ, khu dân cư mới, khu thương mại và các khu đô thị vệ tinh. Hạ tầng xã hội được xây dựng với chất lượng ngày càng cao. Có bước chuyển từ tư duy tách biệt các KCN với khu dân cư, cụm đô thị sang sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KCN với hình thành khu đô thị mới và dịch vụ. Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, liên hoàn, kết nối trung tâm thành phố mới Bình Dương với các trung tâm đô thị của tỉnh và với các đầu mối giao thông của quốc gia và khu vực, góp phần đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa. Nguồn nhân lực chất lượng cao đang được quan tâm và từng bước phát huy vai trò trong sản xuất quản lý. Tỉnh đã có chương trình riêng cho đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Kết hợp các nguồn lực, xây dựng các trường quốc tế, tăng cường liên kết đào tạo, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Tư duy chú trọng phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội, bảo đảm vừa đạt được tăng trưởng kinh tế, vừa giữ được ổn định xã hội. sự tăng trưởng nhanh về kinh tế đã giúp cho Bình Dương có điều kiện thuận lợi thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách xã hội. Các chính sách xã hội luôn được tỉnh chú trọng đặt ngang tầm với các chính sách kinh tế, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, sự kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội được xác định ở tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh. Các đối tượng chính sách xã hội được chăm lo tốt hơn, có mức hưởng cao hơn gấp 2 - 3 lần bình quân chung cả nước, an sinh xã hội gấp 2 lần và có nhiều mặt còn cao hơn...
Công nghiệp và đô thị phát triển đồng bộ đưa Bình Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương
Quyết tâm đổi mới, phát huy tính năng động sáng tạo, lựa chọn
Điều đầu tiên tạo nên thành tựu của Bình Dương là sự quyết tâm đổi mới, quyết tâm chuyển một tỉnh vốn là nông nghiệp thành một tỉnh công nghiệp hiện đại. Từ quyết tâm đó, đi đến hình thành một tiến trình phát triển công nghiệp gắn với chiến lược phát triển đô thị hóa, đưa quyết tâm thành hiện thực và tạo được sự đồng thuận, trở thành quyết tâm chung của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương.
Cơ chế chính sách thông thoáng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, trải thảm đỏ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước chảy về Bình Dương, khơi thông nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Bình Dương luôn tìm tòi các giải pháp hữu hiệu, các chính sách, cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền nhưng mang tính vượt trội, đi trước để thu hút đầu tư trong nước. Các cơ chế, chính sách của Bình Dương đều hướng vào giảm thiểu chi phí trung gian cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, giá đất thấp, chi phí về thủ tục hành chính thấp, chi phí trong tìm kiếm đối tác, tuyển dụng lao động thấp, chi phí giải quyết vấn đề xã hội, môi trường thấp, tạo điều kiện thuận lợi của cả hệ thống chính trị... Từ đó góp phần quan trọng để doanh nghiệp đầu tư vào Bình Dương có sức cạnh tranh ngay từ khi thành lập.
Mỗi quá trình phát triển, tỉnh đã khai thác và phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Mối quan hệ giữa công nghiệp hóa - đô thị hóa ở Bình Dương sớm được nhận thức và triển khai thực hiện khá nhịp nhàng, đồng bộ
Bình Dương đã nhận thức rất rõ là công nghiệp hóa là nhằm tạo nguồn lực để đô thị hóa, đô thị hóa lại tạo cơ hội để công nghiệp hóa phát triển bền vững. Bình Dương đã thực hiện đúng nhận thức này. Và từ nhận thức này, Bình Dương có dịp chuyển đổi bắt đầu từ phát triển công nghiệp và khi công nghiệp phát triển tương đối thì khởi động cho quá trình đô thị hóa, khi quá trình chuyển đổi khá cao thì xét đồng thời song song cả công nghiệp hóa - đô thị hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa song hành với quá trình phát triển đô thị văn minh hiện đại. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật tốt cho thu hút đầu tư để công nghiệp hóa. Xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội để thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sống của người lao động. Đây là quá trình không thể tách rời, là hai mặt của một quá trình phát triển. Thể hiện tốt nhất chủ trương chăm lo thực hiện các chính sách xã hội trong từng bước phát triển. (Còn tiếp)
TS. NGUYỄN HỮU TỪ (Phó Bí thư Tỉnh ủy)