Tính đến thời điểm này, giá bán các mặt hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại vẫn ổn định
Cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa (HH) đã được Bình Dương thực hiện khá tốt trong dịp Tết Canh Dần vừa qua. Trong thời điểm hiện nay, liệu các doanh nghiệp (DN) có đủ nguồn hàng để không xảy ra biến động về giá vẫn là băn khoăn của nhiều người tiêu dùng (NTD).Kinh nghiệm từ dịp bình ổn thị trường tết
Theo đánh giá của Sở Công Thương, kế hoạch bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán cho thấy, chương trình bình ổn không chỉ thể hiện ở khâu chủ động xây dựng kế hoạch mà còn có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị tham gia bình ổn. Nhìn chung, tình hình cung ứng, tiêu thụ các loại HH thiết yếu phục vụ tết đã bảo đảm đủ HH cho đến những ngày cận tết. Hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trong dịp tết có sức mua tăng gấp 3 - 4 lần nhưng giá cả vẫn ổn định. Nhờ đó, các mặt hàng lương thực thực phẩm rất dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của NTD, không để xảy ra tình trạng khan hiếm HH giả tạo.
Nhằm tăng cường mạng lưới phân phối bán lẻ HH về các vùng sâu vùng xa, một số DN được giao phân phối, bán lẻ HH ở nông thôn với giá sỉ. Theo đó, các DN được giao tham gia bình ổn thị trường với 6 mặt hàng thiết yếu và đã cụ thể hóa mục tiêu hành động bằng việc thực hiện bán hàng lưu động phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa tại 12 xã của 4 huyện Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo và Dầu Tiếng với hình thức bán lẻ với giá sỉ các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao. Chính nhờ việc phân phối HH rộng khắp trên địa bàn tỉnh của các DN đã góp phần kiềm chế tăng giá, bình ổn thị trường trong dịp tết vừa qua. Có thể nói các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường tết đã thể hiện cao tinh thần trách nhiệm và rút ra được bài học kinh nghiệm quý giá để bình ổn thị trường trong những tháng tiếp theo trong năm.
Trung tâm thương mại, siêu thị tiếp tục đợt bình ổn giá cả thị trường
Hiện nay, giá bán hầu hết các mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị vẫn ổn định và không tăng giá như trên thị trường tự do. Theo ông Trần Đạt Tiến, Giám đốc Siêu thị Citimart - Chi nhánh Bình Dương, cho đến thời điểm này, siêu thị vẫn chưa nhận được thông báo tăng giá từ các nhà sản xuất và cung cấp. Giá các mặt hàng đang được bày bán tại siêu thị vẫn ổn định. Hiện hệ thống Citimart đang tiếp tục phối hợp với các nhà sản xuất và cung cấp nhằm bảo đảm nguồn HH và giá cả hợp lý cho cả mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước.
Không chỉ có siêu thị Citimart, Fivimart, hệ thống siêu thị
Vinatex... mà hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn giữ giá bán ổn định để thu hút khách. Theo dự báo của ông Tiến, giá HH sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới vì sức mua hiện vẫn còn thấp trong khi nguồn hàng dự trữ của hệ thống Citimart nói riêng và từ phía các nhà cung cấp rất dồi dào. Không chỉ ổn định giá, Citimart còn tiếp tục phối hợp các nhà cung cấp áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, ngoài ra tổng công ty cũng đã có kế hoạch phân bổ hàng tại Citimart Bình Dương mà không cần phải nhận tại tổng kho, việc này sẽ giúp cho siêu thị kịp thời đáp ứng HH nhanh nhất cho người tiêu dùng.
Phó Giám đốc Fivimart Bình Dương Nguyễn Thị Xuân, cũng khẳng định giá cả tất cả các mặt hàng của Fivimart Bình Dương vẫn ổn định, thậm chí một số sản phẩm đang có xu hướng giảm giá để kích cầu. Cụ thể là mặt hàng rau củ đã giảm trung bình từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Hiện siêu thị cũng ký hợp đồng với Metro, các nhà sản xuất cung ứng nên lượng hàng cung ứng rất dồi dào, kèm theo các chương trình khuyến mại để đưa tới tay người tiêu dùng mức giá bán hợp lý nhất. Trong trường hợp nhà cung cấp đề nghị tăng giá bán, Fivimar sẽ xem xét thương lượng với họ. Chúng tôi chỉ có thể chấp nhận mức tăng giá hợp lý để bảo đảm quyền lợi cho cả 3 bên: nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng”, bà Xuân nhấn mạnh.
TRÚC HUỲNH
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Điền: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình bình ổn thị trường...”
Các DN tham gia bình ổn thị trường cam kết, với những mặt hàng thiết yếu ít nhất sẽ ổn định đến ngày 31-3. Đây cũng là thời điểm kết thúc đợt bình ổn giá cả thị trường kéo dài từ dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Sau thời điểm này, các ngành chức năng sẽ tiếp tục các giải pháp bình ổn thị trường như thế nào, chúng tôi đã trao đổi với Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Điền và được bà cho biết:
- Hiện nay, Sở Công Thương đang xây dựng chương trình thực hiện bình ổn cho quý II theo 2 mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời vẫn giữ được đà tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra, đặc biệt là gắn với chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trên cơ sở rút kinh nghiệm từ đợt bình ổn thị trường trong dịp tết vừa qua để xây dựng, hoàn thiện kế hoạch mới cụ thể và căn cơ hơn. Trong đó, đối với các mặt hàng đã đăng ký bình ổn giá thì các đơn vị tham gia phải thực hiện nghiêm túc, nếu thực hiện không đúng như cam kết thì sẽ có biện pháp chế tài cụ thể. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ thông báo để nhân dân biết các điểm bán hàng bình ổn để nhân dân cùng tham gia giám sát một cách có hiệu quả. Từ đó, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thành công.
- Trong đợt bình ổn giá cả thị trường vừa qua, các đơn vị tham gia đã thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Có thể nói các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá cả thị trường trong dịp tết vừa qua đã nâng cao được tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt các cam kết, bảo đảm hàng hóa đủ về lượng cũng như chủng loại, giá cả ổn định... vẫn còn một vài đơn vị vi phạm về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Qua kiểm tra, chúng tôi đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh ngay. Cụ thể là việc xác định giá bán không đúng như cam kết (các DN đã đăng ký giá bán và cam kết luôn giữ giá thấp hơn thị trường 10% tại từng thời điểm) so với giá thị trường.
- Sở Công Thương đã có kế hoạch gì cho việc hỗ trợ DN tham gia bình ổn thị trường trong những tháng tới đây?
- Đối với nhu cầu vay vốn dự trữ hàng hóa, trên cơ sở thống kê nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, Sở Công Thương đã chủ động cân đối nguồn tài chính của địa phương để hỗ trợ nguồn vốn cho các DN tham gia chương trình bình ổn giá cả hàng hóa theo hướng thiết thực hơn. Chương trình sẽ tập trung vào các DN sản xuất, chế biến và tổ chức dự trữ hàng hóa thiết yếu với lãi suất ưu đãi hoặc lãi suất 0% nếu có phương án sản xuất hàng hóa khả thi. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng sẽ liên kết với với các hiệp hội ngành hàng nhằm bảo đảm nguồn hàng ổn định, giá cả hợp lý.
- Xin cảm ơn bà!
THANH HỒNG