Bình yên bên những dòng sông

Cập nhật: 06-02-2024 | 11:12:18

Những dòng sông mang tên Đồng Nai, Thị Tính, sông Bé… đã gắn liền với đất và người Bình Dương, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ. Nay cũng chính những dòng sông ấy đang chứng kiến sự đổi thay từng ngày của vùng đất này…

Những “viên ngọc” quý ven sông

Đó chính là những cù lao trên sông. Chúng tôi muốn nói đến cù lao Thạnh Hội và cù lao Bạch Đằng thuộc TP.Tân Uyên, nơi đang có sự chuyển mình để phát triển từng ngày.


Dòng sông Đồng Nai hiền hòa chảy qua Tân Uyên tạo nên một vùng đất trù phú, thơ mộng. Ảnh: THANH QUANG

Đưa chúng tôi đi qua nhiều cung đường rợp bóng cây dọc sông Đồng Nai, ông Trương Văn Thanh Giang, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, cho biết diện tích của xã khoảng 427 ha. Thổ nhưỡng ở cù lao thuận lợi cho việc trồng lúa, cây ăn trái và cây bạc hà. Để phát triển kinh tế nhưng vẫn lưu giữ được những đặc trưng của địa phương, xã đang kêu gọi các nhà đầu tư phát triển mô hình dịch vụ sinh thái ven sông Đồng Nai.

Rời cù lao Thạnh Hội, P.V đến cù lao Bạch Đằng. Đập vào mắt chúng tôi là những cung đường rợp bóng cây xanh. Những cơn gió mang theo hơi nước ở sông Đồng Nai thổi vào xoa dịu cái nắng của tiết trời hanh khô vào giữa trưa. Bên những cung đường là hàng loạt những ngôi nhà mới khang trang cạnh những di sản hàng trăm năm tuổi.

Bà Phạm Ngọc Dung, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết cù lao Bạch Đằng được sông Đồng Nai “ôm” trọn vào lòng. Nhờ thiên nhiên ban tặng cho khí hậu, thổ nhưỡng, địa phương có đặc sản gắn liền với tên vùng đất là bưởi Bạch Đằng nổi tiếng với vị ngọt, thanh.

Nói về sự phát triển kinh tế địa phương gắn với việc bảo vệ di sản, bà Phạm Ngọc Dung cho biết hiện trên địa bàn xã có một số hộ dân xây dựng mô hình dịch vụ sinh thái. Mô hình này đã thu hút khách ở nhiều nơi đến tham quan, du lịch trong những ngày cuối tuần. “Phát triển kinh tế - xã hội gắn với lưu giữ nhiều di tích truyền thống người cù lao như Đình thần Tân Trạch, các ngôi nhà cổ lưu giữ nét đẹp riêng về văn hóa của người cù lao sẽ là “đặc sản” níu chân du khách”, bà Phạm Ngọc Dung cho biết .


Một chiếc phà chở khách trên sông Sài Gòn, đoạn qua TP.Thủ Dầu Một, đây là hình ảnh quen thuộc của người dân Bình Dương. Ảnh: QUỲNH ANH

Phát triển đô thị ven sông

Nhằm khai thác thế mạnh của vận tải đường thủy cũng như du lịch sông để phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương đã có định hướng phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ ven sông nhưng vẫn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với đời sống của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết sông Sài Gòn qua địa bàn thành phố dài hàng chục km và trên bờ có nhiều di tích lịch sử, danh thắng và làng nghề truyền thống; có vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng, rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Thấy được thế mạnh đó, TP.Thuận An đang triển khai đề án phát triển đô thị ven sông.

Phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của người dân địa phương là điều kiện tiên quyết của đề án. Trong đề án này, TP.Thuận An dự kiến hình thành những khu đô thị ven sông hiện đại, sầm uất góp phần nâng tầm cho hệ thống đô thị thêm diện mạo mới.

Trong khi đó, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết sông Đồng Nai chảy qua địa bàn thành phố dài khoảng 21km qua 6 xã, phường. Đoạn sông này rất thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường thủy. Thời gian qua, TP.Tân Uyên quy hoạch để phát triển đô thị ven sông tại các phường Thái Hòa, Thạnh Phước, Khánh Bình và Uyên Hưng; phát triển du lịch sinh thái gắn với sông nước tại các xã Bạch Đằng, Thạnh Hội, phường Thái Hòa và Uyên Hưng. “Hướng phát triển theo trục này sẽ tạo được cảnh quan cho TP.Tân Uyên nên được người dân đánh giá cao”, ông Đoàn Hồng Tươi cho biết.

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên