Theo các chuyên gia, hiện nay công nghệ Blockchain đã và đang dần trở thành xu hướng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Có thể nói, ngành công nghệ này đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, từ lĩnh vực tài chính, sản xuất cho đến cả giáo dục hoặc năng lượng.
Với việc mã hóa tất cả các dữ liệu thành các khối khác nhau, đồng thời kết nối chúng lại để tạo thành một chuỗi dài. Trong trường hợp có thêm thông tin mới, chúng sẽ được lưu vào khối mới và được nối vào khối cũ, để tạo thành một chuỗi mới. Nhờ vào đó, thông tin cũ trong công nghệ Blockchain không bị mất đi.
Ưu điểm của công nghệ Blockchain là các thông tin được mã hóa không chỉ nằm trên một máy chủ duy nhất, mà chúng có thể được sao lưu và phân phối một cách hoàn toàn tự động thông qua nhiều máy chủ khác nhau đã kết nối với hệ thống Blockchain, giúp mọi người có thể xem và kiểm tra thông tin giao dịch của mình một cách dễ dàng và an toàn nhất. Điều này giúp doanh nghiệp có thể giảm thiểu các tình trạng như gian lận, bảo đảm tính minh bạch, mức độ an toàn thông tin cao.
Phân tích về lợi thế khi khởi nghiệp cùng Blockchain, chuyên gia cho rằng, Blockchain là một nền tảng tính toán chung toàn cầu mà ai cũng có thể tham gia đóng góp và phát triển. Mọi dữ liệu đồng nhất, phi tập trung, khó thay đổi. Những đặc điểm này, cùng với tiềm năng thị trường khiến Blockchain có nhiều lợi thế cho các nhóm khởi nghiệp Việt Nam khi phát triển dự án ứng dụng công nghệ này vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, nguồn vốn là lợi thế đầu tiên của khởi nghiệp cấp trên khi giải được bài toán lớn nhất của khởi nghiệp là thu hút nhà đầu tư. Hiện thị trường Blockchain nhỏ nhưng lượng vốn đổ vào rất lớn từ nhiều tập đoàn, quỹ Web2 và Web3 và không bị giới hạn về địa lý. Thị trường Blockchain được coi là “xanh” do công nghệ mới, ít người tham gia, nhiều ngách ứng dụng chưa được khám phá, là cơ hội để các “startup” tiên phong.
Ông Phạm Hưởng, Founder & CEO Quỹ đầu tư GFI, đồng Trưởng làng Blockchain, cho biết công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu, đang trên đà phát triển nên những hạn chế khó tránh khỏi, nhưng những thay đổi tích cực mà công nghệ này mang lại là không thể phủ nhận, còn nhiều những tiềm năng chưa được khai thác và đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực và quan tâm hơn nữa trong công cuộc phát triển công nghệ Blockchain. Để khuyến khích phát triển các ứng dụng Blockchain, GFI có nguồn đầu tư hơn 350 triệu đô la Mỹ cho các “startup” trong lĩnh vực này và sẵn sàng huy động nguồn lực từ quỹ của nước ngoài tham gia để có những sản phẩm mới. Đây là một tin vui cho những nhà khởi nghiệp, tuy nhiên điều quan trọng là các ý tưởng đưa ra phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, giải quyết được các vấn đề thực tiễn của xã hội.
TIỂU MY