Bộ mặt nông thôn đã thay đổi toàn diện

Cập nhật: 06-06-2013 | 00:00:00

Thực hiện Chương trình hành động số 77/CTr-TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong 5 năm qua, lĩnh vực này ở Bình Dương đã đạt được những bước tiến quan trọng.

Trình độ cơ giới hóa trong nông nghiệp Bình Dương đã được nâng lên. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên

Phát triển sâu rộng

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bình Dương đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Chương trình đã có sự tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của tỉnh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhiều chương trình, dự án được tập trung đầu tư hiệu quả; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trang trại trồng cây ăn trái xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên

Tính đến cuối năm 2012, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu ngành kinh tế Bình Dương chỉ còn chiếm 3,8% nhưng đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế chung của tỉnh. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 73 triệu đồng (tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2008); tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 135.526 ha, tăng 4%; tổng đàn gia súc đạt 506.676 con, tăng 30%; tổng đàn gia cầm đạt 3,7 triệu con, tăng gấp 2 lần… Nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành nên vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp kỹ thuật cao với tổng diện tích 991,4 ha tại An Thái, Tân Hiệp, Phước Sang (huyện Phú Giáo), Vĩnh Tân, Hiếu Liêm (huyện Tân Uyên). Các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương đang được triển khai thực hiện, một số dự án đã cho sản phẩm tiêu thụ ra thị trường. Bên cạnh đó, đã có nhiều nông hộ, trang trại ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như: canh tác trong nhà lưới, trồng rau thủy canh, sử dụng hệ thống chuồng lạnh trong chăn nuôi. Các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao đã được áp dụng hầu hết trên các loại cây trồng, vật nuôi chính của tỉnh đã làm cho năng suất các loại cây trồng, vật nuôi chính tăng từ 5 - 10%.

Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 5.777 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 3.646,61km được bê tông hóa, nhựa hóa; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,5%, tăng 4,5%; 99,59% hộ dân nông thôn sử dụng điện, tăng 0,98%; tỷ lệ xã có chợ đạt 48,3%; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 97,8% (năm 2008 là 96,6%); tỷ lệ hệ thống thủy lợi bảo đảm cho tưới rau màu, cây ăn quả đạt 100% (năm 2008 là 92,4%); số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới đều tăng so với cùng kỳ... Bình quân thu nhập đầu người nông thôn đến cuối năm 2012 đạt 22,5 triệu đồng/ năm, tăng 1,6 lần.

Những hạn chế cần khắc phục

Hiện vẫn có 4 mục tiêu đạt thấp so với kế hoạch gồm: tỷ trọng trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ (tỷ lệ chăn nuôi còn thấp), xã có chợ, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, xã có thiết chế văn hóa. Song song đó, các khu nông nghiệp công nghệ cao triển khai còn chậm, chưa phát huy hiệu quả; môi trường kinh doanh, đầu tư tuy có thuận lợi nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và các vùng nông thôn; công tác quy hoạch và xây dựng đề án nông thôn mới để định hướng phát triển tại các xã triển khai còn chậm so với kế hoạch…

Một số mục tiêu cụ thể việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2020 của Bình Dương là: giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 4,5 - 5%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 100 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người theo mục tiêu chương trình là 36 triệu đồng/năm, phấn đấu theo tiêu chí nông thôn mới là 58 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%... Để đạt được các mục tiêu cụ thể như trên, đòi hỏi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Dương cần tiếp tục hạn chế các khó khăn, cũng như phát huy các lợi thế để nâng cao hiệu quả của chương trình.

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai thực hiện một số chương trình quan trọng khác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn như chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹthuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012-2015; Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác, chắc chắn lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn Bình Dương sẽ có những bước phát triển mới lên tầm cao hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh LÊ THANH CUNG: Chương trình đã làm thay đổi toàn diện, sâu rộng nông thôn Bình Dương

Chương trình hành động số 77/CTr-TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc, toàn diện vùng nông thôn Bình Dương; hạ tầng nông thôn phát triển, các thiết chế ở nông thôn được đầu tư có hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát lại các chỉ tiêu, cũng như các chính sách của Trung ương và địa phương để đánh giá về mức độ phù hợp, từ đó triển khai có hiệu quả và thực sự tạo ra đòn bẩy cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bình Dương; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của các mô hình, nhất là vườn cây ăn trái theo hướng kết hợp với du lịch sinh thái.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn PHẠM VĂN BÔNG: Sẽ rà soát lại để có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn

Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại các quy hoạch của ngành để có sự điều chỉnh phù hợp hơn. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực nông thôn. Với các tiêu chí chưa đạt như chợ, tỷ lệ chăn nuôi đạt thấp, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo NGUYỄN TẤN BÌNH: Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã có sự phát triển vượt bậc

Qua 5 năm thực hiện chương trình, nhiều địa phương nông thôn, trong đó có huyện Phú Giáo, hạ tầng kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt là chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người là một trong những nội dung quan trọng đã đạt được. Tuy nhiên, khoa học - doanh nghiệp là 2 mảng có sức tác động và lôi kéo sự phát triển của khu vực nông thôn vẫn chưa được đẩy mạnh. Bên cạnh đó một số đề tài, dự án triển khai ở khu vực nông thôn còn lặp lại, vì vậy chưa mang tính sáng tạo cao, cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

 

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=312
Quay lên trên