Bổ sung quy định, siết chặt quản lý tài nguyên - môi trường

Cập nhật: 03-08-2022 | 07:46:23

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tài nguyên - môi trường (TN-MT), thời gian qua ngành TN-MT đã phối hợp các bộ ngành, địa phương khảo sát ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), người dân nhằm kịp thời tham mưu Chính phủ, Quốc hội có hướng điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn.

 Các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị định quy định về quyền, chức năng giám sát lĩnh vực tài nguyên môi trường của người dân

 Tích cực điều chỉnh, bổ sung

Trước sự biến động mạnh mẽ trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh, sử dụng tài nguyên, khoáng sản và các tác động bảo vệ môi trường, Chính phủ đã giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương chủ động nghiên cứu và đưa ra những tham mưu về việc điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật.

Cụ thể, đối với tình trạng sốt đất xuất hiện trong nửa đầu năm 2022, ngành TN-MT đã có hướng tham mưu Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo để các địa phương chấn chỉnh, lập lại trật tự và bình ổn thị trường. Ngoài việc tái khẳng định tầm quan trọng của các đồ án quy hoạch sử dụng đất, đồ án phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm và từng địa phương, Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương kịp thời điều tra, làm rõ sai phạm và có hướng xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu nhũng nhiễu, lũng đoạn thị trường bất động sản.

Đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, Bộ TN-MT cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì với các bộ ngành và địa phương tham gia thực hiện dự thảo sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định cho phù hợp. Cụ thể, thời gian qua ngành TN-MT đã thực hiện xây dựng Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 201/2013/NĐCP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Xây dựng Nghị định 48/2020/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều chi tiết về Luật Khí tượng thủy văn; xây dựng Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ nhằm hướng dẫn thực thi các điều liên quan Luật Bảo vệ môi trường năm 2020…

Nhìn chung, sự điều chỉnh các văn bản luật, dưới luật quy định về công tác quản lý nhà nước liên quan lĩnh vực TN-MT đã trực tiếp góp phần mang lại những khởi sắc cho các hoạt động khai thác, kinh doanh, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản, hoạt động khí tượng thủy văn, hoạt động bảo vệ môi trường… Đứng ở góc độ DN, người dân tham gia khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tham gia sử dụng tiện ích từ kết quản nghiên cứu, khảo sát khí tượng thủy văn, tham gia hoạt động bảo vệ môi trường… cũng có nhiều lợi ích dễ dàng nhìn thấy. Ông Nguyễn Trọng Tám, phường Tân Định, TX.Bến Cát cho biết, sau khi được địa phương tuyên truyền về việc đề cao chức năng, nhiệm vụ của người dân trọng việc giám sát lĩnh vực TN-MT trên địa bàn, những sai phạm, đặc biệt là sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai và môi trường trên địa bàn đã giảm đáng kể.

Triển khai nhanh chóng, hiệu quả

Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ TN-MT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua sở đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động đóng góp ý kiến trong việc điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật liên quan lĩnh vực. Kết quả, thời gian qua Bình Dương đã hoàn thành 100% khối lượng công việc liên quan hoạt động đóng góp ý kiến cho dự thảo các bộ luật, nghị định, thông tư liên quan.

Đối với những bộ luật, nghị định, thông tư đã được ban hành, sở cũng chủ động phổ biến, cập nhật thông tin, kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời tích cực phối hợp các sở ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động DN, người dân chấp hành, tuân thủ các quy định mới. Sở TNMT cũng thường xuyên tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương.

Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn thuộc Sở TN-MT cho biết, dự kiến tháng 11-2022, sau khi hoàn thành công tác xây dựng dự thảo và lấy ý kiến của người dân, Bộ TN-MT sẽ trình Chính phủ thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 201/2013/NĐ-CP về các quy định liên quan hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định Luật Tài nguyên nước. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thêm những cơ sở pháp lý vững vàng để hướng dẫn, quản lý, giám sát và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực.

Được biết, đến nay các huyện, thị, thành phố cơ bản đã hoàn thành công tác rà soát, đánh giá tình trạng vi phạm và tham mưu cấp thẩm quyền đưa ra hướng xử lý phù hợp. Từ sự chỉ đạo, điều hành sát sao của cấp thẩm quyền, sự vào cuộc năng nổ, quyết liệt của ngành chức năng và sự đóng góp nhiệt tình của chuyên gia, DN, người dân, hệ thống văn bản pháp luật về TN-MT đang dần được hoàn thiện. Tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội.

 ĐÌNH THẮNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên