Để lưu giữ những hiện vật có giá trị cũng như sự hình thành và phát triển của tiền kim loại Việt Nam qua các triều đại phong kiến, Bảo tàng Bình Dương tiến hành xây dựng Bộ sưu tập Tiền kim loại Việt Nam.
Sự xuất hiện tiền kim loại Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á nên tiền kim loại Việt Nam đã sớm hình thành. Gần 1.000 năm bị các triều đại phong kiến phương Bắc thống trị, Việt Nam lưu nhập và sử dụng các loại tiền của các triều đại phong kiến Trung Quốc (các đợt khai quật khảo cổ học Việt Nam đã từng phát hiện) như: Bán Lạng, Ngũ Thù, Đại Tuyền Ngũ Thập...
Tiền kim loại thời Nguyễn
Năm 938, Ngô Quyền khởi binh ở vùng Châu Ái đánh bại quân Nam Hán, năm sau tự xưng vương, đặt kinh đô ở vùng Cổ Loa (vùng ngoại thành Hà Nội), sử gọi là “Tiền Ngô Vương”. Sau khi Ngô Quyền qua đời, con rể Dương Tam Kha đoạt quyền tự xưng là Bình Vương. Năm 950, con của Ngô Quyền đánh đuổi Dương Tam Kha xưng là Tấn Vương, 3 năm sau được nhà Nam Hán phong làm Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ, sử gọi “Hậu Ngô Vương”. Sau khi Ngô Xương Văn mất, các thổ hào địa phương nổi dậy cát cứ gây ra loạn “12 sứ quân”. 3 năm sau, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất quốc gia, tự xưng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt. Từ đây, lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới, thời kỳ xây dựng và phát triển các nhà nước phong kiến độc lập tự chủ, lịch sử tiền tệ cũng bước sang trang mới với các loại tiền kim loại do nhà nước phong kiến Việt Nam tự đúc. Tiền kim loại đối với các triều đại phong kiến Việt Nam ngày càng trở nên trọng yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt kinh tế hàng hóa.
Bộ sưu tập tiền kim loại các triều đại phong kiến
Tiền kim loại triều Đinh: Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn “12 sứ quân”, thành lập nước Đại Cồ Việt, tự xưng “Đại Thắng Minh hoàng đế”, 4 năm sau đặt niên hiệu là Thái Bình (tháng 1-970). Sau khi chiến tranh kết thúc, Đinh Bộ Lĩnh bắt đầu khôi phục sản xuất, nông dân trở về quê cũ, thương nghiệp thành thị bắt đầu xuất hiện. Triều Đinh là thời kỳ hình thành của quốc gia phong kiến độc lập ở Việt Nam. Số lượng tiền của triều Đinh đúc không nhiều, loại hình đơn nhất. Tiền kim loại triều Đinh có 4 hiện vật với tên gọi tiền “Thái Bình Hưng bảo”, gồm hai loại tiền “Thái Bình Hưng bảo” lưng trơn và “Thái Bình Hưng bảo” mặt lưng có chữ “Đinh” (họ vua), chữ Đinh nằm ở các vị trí trên lỗ vuông, dưới lỗ vuông, bên phải lỗ vuông và viết ngược. Các loại tiền viết theo lối giữa hai thể Khải và Lệ, mặt trước viết 4 chữ “Thái Bình thông bảo”. Kỹ thuật đúc tiền Thái Bình Hưng bảo tương đối thô, nhưng mặt tiền thuần phác, phong cách cơ bản thống nhất. Đây là đồng tiền đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam, có ý nghĩa trọng yếu trong lịch sử phát triển tiền tệ Việt Nam.
Tiền Thái Bình Hưng bảo triều Đinh
Tiền kim loại thời Lê: Năm 979, Đinh Bộ Lĩnh bị sát hại, con là Đinh Toàn lên ngôi, vẫn sử dụng niên hiệu Thái Bình. Tháng 7-980, “Thập đạo tướng quân” Lê Hoàn phế Đinh Toàn tự lập làm đế, vẫn dùng quốc hiệu Đại Cồ Việt, sử gọi nhà Tiền Lê. Triều Tiền Lê là thời kỳ hình thành của quốc gia phong kiến độc lập ở Việt Nam. Lê Hoàn tại vị 25 năm, dùng 3 niên hiệu là Thiên Phúc, Hưng Thống và Ứng Thiên. Đại Việt Sử ký toàn thư chép việc đúc tiền của nhà Lê như sau: “Thiên Phúc năm thứ 5 (984), mùa xuân, tháng hai đúc tiền Thiên Phúc”. Tiền kim loại thời Tiền Lê có 3 hiện vật với tên gọi tiền “Thiên Phúc Trấn bảo”. Tiền viết lối chân, 4 chữ đọc chéo, lỗ tiền tương đối to, biên tiền rộng vừa phải, chữ Thiên có nhiều dạng khác nhau. Chữ “Trấn” của tiền này nằm bên phải lỗ vuông là một sáng tạo của nhà Tiền Lê mà các hiệu tiền khác của Việt Nam và Trung Quốc không có. Kỹ thuật đúc tương đối thô, mặt tiền lồi lõm không phẳng, biên tiền chỗ to chỗ nhỏ. Tiền này được đúc tương đối nhiều, được lưu thông chủ yếu ở Bắc bộ Việt Nam.
Tiền Thiên Phúc Trấn bảo thời Tiền Lê
Tiền kim loại triều Lý: Triều Lý thay triều Tiền Lê, kết thúc thời kỳ tập đoàn phong kiến quân sự thống trị từ nhà Đinh. Triều Lý tổng cộng truyền được 9 đời vua, trị vì 260 năm, quốc hiệu Đại Việt. Tiền kim loại triều Lý có 5 hiện vật gồm tiền thời Lý Thái Tông đúc hai loại tiền Càn Phù Thông bảo và Minh Đạo Nguyên bảo. Thời Lý Anh Tông gồm Đại Định Thông bảo đúc theo niên hiệu Đại Định và Chính Long Nguyên bảo đúc theo niên hiệu Chính Long Bảo ứng. Tiền thời Lý Cao Tông gồm tiền Tự Bình Thông bảo đúc theo niên hiệu Trị Bình Long ứng.
Tiền kim loại triều Trần: Triều Trần trị vì 175 năm, quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Thăng Long. Triều Trần có 13 đời vua thì có 6 đời vua đúc tiền. Tiền Kim loại triều Trần có 6 hiện vật với các tên gọi như tiền Thiệu Phong Thông bảo, Đại Trị Nguyên bảo, Đại Trị Thông bảo, Đại Định Thông bảo và Thiên Khánh Thông bảo.
Tiền kim loại triều Lê Sơ: Năm 1418, Lê Lợi chiêu tập nghĩa quân, khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa) kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, thống nhất bờ cõi, định đô ở Thăng Long, đặt quốc hiệu Đại Việt. Triều Lê Sơ gồm 11 đời vua, trị vì 99 năm, trong đó 9 đời vua đúc 12 hiệu tiền, việc đúc tiền dưới thời kỳ này bắt đầu được thống nhất, chất lượng tiền tệ được nâng cao, từng bước quy phạm. Tiền kim loại triều Lê Sơ có 22 hiện vật với các tên gọi như: tiền Thuận Thiên Nguyên bảo, Thiệu Bình thông bảo, Đại Bảo Thông bảo, Đại Hòa Thông bảo, Diên Ninh Thông bảo, Quang Thuận Thông bảo...
Tiền kim loại triều Mạc: Triều Mạc trị vì 150 năm, với 15 đời vua, có 5 đời vua đúc tiền. Tiền kim loại triều Mạc có 9 hiện vật với các tên gọi như: tiền Minh Đức Thông bảo, Đại Chính Thông bảo, Quảng Hòa Thông bảo, Thái Bình Thánh bảo, An Pháp Nguyên bảo, Vĩnh Định Thông bảo.
Tiền kim loại triều Lê Trung Hưng: Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế giết Lê Cung Hoàng, tự lập làm vua, triều Hậu Lê vì thế đứt đoạn. Năm 1533, cựu thần nhà Hậu Lê là Nguyễn Kim lập con trai của Lê Chiêu Tông là Lê Ninh lên ngôi, lui về vùng Thanh Hóa, tức là Lê Trang Tông. Từ đó đến năm 1788 là thời Lê Trung Hưng. Trong 16 vị vua thời Lê Trung Hưng thì có 7 vị vua đúc tiền. Tiền kim loại triều Lê Trung Hưng có 12 hiện vật với các tên gọi như: tiền Nguyên Hòa Thông bảo, Vĩnh Thọ Thông bảo, Cảnh Trị Thông bảo...
Tiền kim loại đời Lê Hiển Tông: Năm 1740, chúa Trịnh phụ giúp Lê Duy Diêu lên ngôi, tức Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng, trong suốt 46 năm trị vì có rất nhiều xưởng đúc tiền Cảnh Hưng, tiền đa dạng, nhiều chủng loại, là loại tiền phức tạp nhất trong lịch sử. Tiền kim loại thời Lê Hiển Tông gồm 30 hiện vật với các loại tiền thuộc hai dạng tiền Cảnh Hưng Thông bảo các dạng (lưng trơn và mặt sau có chữ) và tiền Cảnh Hưng Tạp bảo (đây là một loại tiền đặc thù trong lịch sử tiền tệ Việt Nam).
Tiền đời Lê Mẫn Đế: Có 13 hiện vật với tên gọi như: tiền Chiêu Thống Thông bảo và Càn Long Thông bảo.
Tiền kim loại của các chúa Nguyễn Đàng Trong: Có 9 hiện vật với các tên gọi như: tiền Thái Bình Thông bảo, Gia Hưng Thông bảo, Trị Bình Thông bảo, Bình Nam Thông bảo, Tường Phù Nguyên bảo…
Tiền triều Tây Sơn: Có 20 hiện vật gồm tiền đời Nguyễn Văn Nhạc (6 hiện vật) gồm hai loại tiền Thái Đức Thông bảo và Minh Đức Thông bảo, tiền thời Quang Trung (16 hiện vật) với các loại tiền Quang Trung Thông bảo và Cảnh Thịnh Thông bảo.
Tiền kim loại triều Nguyễn: Giai đoạn đầu triều Nguyễn gồm 25 hiện vật gắn với mỗi đời vua như Gia Long Thông bảo, Minh Mệnh Thông bảo, Thiệu Trị Thông bảo, Tự Đức Thông bảo... Mỗi hiện vật được viết theo lối khác nhau (lối chân và khải), cách đọc khác nhau (đọc chéo và đọc vòng) và một số hiện vật còn viết chữ chỉ họ vua, địa danh, bộ nơi đúc tiền (Đinh, Thái (tỉnh Thái Nguyên), Công (Bộ Công)... nhưng tất cả lưu giữ lại giá trị lịch sử của triều đại phong kiến góp phần nghiên cứu quá trình phát triển tiền tệ Việt Nam.
HOÀNG LONG