Bộ Tài chính: "Không nên điều chỉnh giá điện liên tục"

Thứ tư, ngày 14/09/2011

 

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính vừa có văn bản 12034 /BTC-CST gửi Bộ Công Thương trả lời về các kiến nghị liên quan đến thuế, phí và giá cả nhiều nhóm mặt hàng, trong đó có điện.

Theo đó, đối với việc điều chỉnh giá điện, Bộ Tài chính nhất trí về mặt nguyên tắc phải thực hiện việc điều chỉnh giá điện theo hướng đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, về thời điểm và mức điều chỉnh cần căn cứ vào tình hình kinh tế vĩ mô. Với tình hình hiện tại, việc điều chỉnh giá điện không nên tiến hành liên tục theo các quý để tránh những tác động tiêu cực.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần phối hợp với liên Bộ Tài chính-Công Thương xây dựng phương án tổng thể về giá điện; đồng thời đề xuất phương án, lộ trình điều chỉnh giá điện, trong đó có tính đến giá than qua các giai đoạn.

Bộ Tài chính đồng ý để EVN được phân bổ dần các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá vào các năm sau trên cơ sở quy định của pháp luật.

Về lỗ sản xuất kinh doanh điện, Bộ Tài chính đề nghị chuyển lỗ theo quy định của pháp luật thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Trường hợp do lỗ dẫn đến không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, Bộ Tài chính yêu cầu EVN cần báo cáo lên cơ quan chức năng, trong đó có Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho rằng, EVN cần rà soát các khoản chi phí để thực hiện việc tiết giảm hợp lý. Bên cạnh đó, Tập đoàn này cần hạch toán minh bạch chi phí giữa các khâu sản xuất và phân phối điện, đồng thời tuyên truyền vận động để người tiêu dùng nâng cao ý thức tiết kiệm điện.

Đối với đề xuất kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng cho vay vượt giá trị 15% vốn tự có đối với 1 dự án nguồn điện, Bộ Tài chính cho rằng do các dự án nguồn điện thường có tổng mức đầu tư rất lớn, vì vậy cần nghiên cứu thêm về các cơ chế đảm bảo an toàn và tính thanh khoản vốn cho các ngân hàng thương mại cũng như khả năng trả nợ của dự án.

Về đề nghị Cục Quản lý giá có các thông tin kịp thời đối với tình hình biến động giá cả nguyên vật liệu trên thị trường cho các doanh nghiệp để tránh bị mua giá cao gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của pháp luật về quản lý giá, hiện nay Nhà nước chỉ định giá hoặc điều tiết giá đối với một số mặt hàng như điện, than cho sản xuất điện, xăng, dầu…; những thay đổi về giá của các mặt hàng này được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng,  còn lại, đại bộ phận giá cả của các mặt hàng lưu thông trên thị trường hoàn toàn vận động theo cơ chế thị trường.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ Hiệp hội hoặc trực tiếp từ các nhà sản xuất, cung ứng trong và ngoài nước để nắm được diễn biến nguyên vật liệu trên thị trường.

Về đề nghị cho phép Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hưởng cơ chế ưu đãi về tài chính đối với dự án khai thác và chế biến kali tại Lào, cụ thể được vay vốn ưu đãi 70% tổng mức đầu tư và được bảo lãnh vay vốn 10% tổng mức đầu tư; bảo lãnh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính cho rằng nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì cũng phải thực hiện theo cơ chế chung, không nên có sự ngoại lệ.

Đối với đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam bố trí đủ nguồn vốn vay để triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được phê duyệt, giảm lãi suất tín dụng đầu tư xuống dưới 10% vì cho rằng với lãi suất tín dụng đầu tư hiện tại thì các dự án đầu tư cơ khí trọng điểm không có hiệu quả, theo Bộ Tài chính, mức lãi suất cho vay 11,4% hiện nay là thấp, không nên giảm hơn nữa, nếu không sẽ tạo ra bao cấp từ ngân sách Nhà nước và dễ gây tiêu cực.

Theo TTXVN